Con giằng điện thoại mẹ ném vỡ màn hình

24/05/2019 - 11:30

PNO - Nhìn chiếc điện thoại vỡ, tôi nhận ra con đã coi cái điện thoại như kẻ thù, nên mới quyết tâm “tiêu diệt”...

Tôi không phải là người nghiện Facebook, Zalo hay YouTube… nhưng tôi thường xuyên ôm điện thoại vì tính chất công việc phải tương tác qua email, tin nhắn.

Đôi lúc cậu nhóc nhỏ đòi mẹ ôm ấp, nựng nịu… tôi một tay ôm con, một tay ôm điện thoại tiếp tục công việc mà lơ đi vẻ thất vọng hiện rõ trong đôi mắt ngây thơ của thằng bé, để những khoảnh khắc quý giá mẹ và con trôi đi trong hối tiếc, hết lần này đến lần khác.

Con giang dien thoai me nem vo man hinh
Ảnh minh họa

Có lẽ chồng tôi nhìn thấy điều đó nên đôi lần anh nhắc khéo rằng, tuổi thơ con rồi sẽ qua nhanh lắm. Anh bảo, ước gì con cứ mãi bé bỏng để được ôm “cục bông gòn” ấy trong tay mỗi ngày, được nghe những câu nói bi bô dễ thương của con trẻ, được ngắm nhìn cái dáng đi lũn chũn như một chú gấu con và được chú sà vào lòng để chơi trò “ấp trứng”. 

Thế nhưng những lời nhắc của chồng hình như vẫn chưa đủ nặng ký để tôi bớt dành thời gian cho điện thoại và máy tính… cho đến một lần con tôi giằng lấy điện thoại trên tay mẹ ném xuống đất đến nỗi vỡ cả màn hình. Nhìn những đường nứt chạy ngang dọc trên mặt kính điện thoại, tôi nổi điên định đét thằng bé thật đau. May sao, trong chính khoảnh khắc ấy tôi kịp bình tâm để nhìn lại mình, soi mình qua đôi mắt ngân ngấn nước và bộ dạng sợ hãi đến co rúm của thằng bé. 

Tôi chợt nhận ra tâm hồn non nớt của con đã tổn thương biết bao khi nghĩ rằng mẹ “yêu” cái điện thoại hơn yêu nó, và hẳn nó đã ghét cái điện thoại hay thậm chí coi như kẻ thù mới quyết tâm “tiêu diệt” như thế. 

Con giang dien thoai me nem vo man hinh
Ảnh minh họa

Tôi nhớ những chia sẻ của anh sếp về “thời đại của điện thoại thông minh và những thế hệ cúi đầu”. Anh kể, một bữa về nhà anh thấy vợ ngồi dán mắt vào điện thoại trong phòng khách, tập trung đến nỗi không hay biết anh đã về. Anh đảo mắt tìm cậu con trai nhỏ lên bốn nhưng không thấy. Anh bước vào toa-lét và nhìn thấy thằng nhóc đang loay hoay tìm cách rửa ráy sau khi đi vệ sinh xong. Nó kể nó gọi mẹ cho đi vệ sinh nhưng mẹ không nghe thấy. Nó ôm cổ anh, hỏi rằng có phải ba mẹ không thương con, vì ba cứ đi làm suốt, còn mẹ cứ chơi với điện thoại chứ không thích chơi với con. 

Ngay sau đó, vợ chồng anh đã có cuộc nói chuyện nghiêm túc để cùng thay đổi. Anh bảo, điện thoại thông minh nguy hiểm hơn người ta tưởng. Nó có thể rút ngắn khoảng cách khi người ta ở cách xa nhau hàng ngàn hàng vạn cây số, nhưng cũng chính nó làm người ta nghìn trùng xa cách ngay cả khi đang ngồi cạnh nhau.

Tôi nhớ ra mình đã từng cảm thấy khó chịu ra sao khi chứng kiến cảnh một người mẹ trẻ ôm khư khư điện thoại, phó mặc con cho bà ngoại. Một lần khác khi đưa con đi tiêm ngừa, tôi đã bức xúc trước hình ảnh một người mẹ khác nhoay nhoáy di chuyển ngón tay trên chiếc “xì-mạt-phôn”, để mặc đứa con tầm hai tuổi chạy khắp nơi, suýt chút vọt ra đường đang tấp nập xe cộ.

Từ đó trở đi, tôi bắt đầu thiết lập lại quy trình làm việc và cách thức trao đổi công việc để cai dần điện thoại. Chỉ khi nào thật sự cần tôi mới cầm điện thoại, và khi cần cũng sử dụng nhanh rồi trả nó về vị trí thường trực: kệ tủ. 

Con giang dien thoai me nem vo man hinh
Ảnh minh họa

Tôi tin rằng những đứa trẻ chậm nói, còi cọc, hay nổi loạn hoặc thậm chí tự kỷ… phần nào đó có liên quan đến việc cha mẹ chúng xa rời con. Rời khỏi điện thoại và những thiết bị thông minh khác chưa bao giờ là một thông điệp khẩn thiết như bây giờ. Khi rời bỏ những thiết bị thông minh để “trở về” bên con trẻ, trước tiên chính chúng ta là những người được hưởng lợi chứ không chỉ những đứa trẻ đáng thương kia.

Sự “trở về” ấy sẽ cho những bậc cha mẹ thấy lại bầu trời bình yên và những niềm vui đã đánh mất. Hãy buông tay, rời mắt khỏi những thiết bị thông minh để trở về bên con trẻ, trước khi quá muộn. Bởi không có hạnh phúc nào sánh được những khoảnh khắc chơi đùa cùng con, được chứng kiến những giai đoạn phát triển của con và cùng con khôn lớn. 

Hải Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI