Cơn giận này không biết đã đeo đẳng mẹ bao nhiêu năm...
Ngay cả trong cơn giận, mẹ vẫn thấy mình vô lý, vì chuyện không đáng đến mức phải la hét như thế mà chẳng hiểu sao cơn giận vẫn cứ ào đến như lửa.
Chiều, về đến nhà, không kịp thay đồ, mình tất tả lao vào bếp với tốc độ của chiếc phi tiêu. Mình nấu nướng rất lẹ, để khi các con tắm rửa sạch sẽ là có thể vào bàn ăn. Cố gắng cho cả nhà ăn tối trước sáu giờ. Một phần vì ăn sớm tốt cho sức khỏe, phần nữa ăn sớm các con có thể đi ngủ sớm, hoặc có thêm chút thời gian để chơi với bạn hoặc đi công viên với mẹ…
Mọi sự hăm hở, tính toán bị tắt bụp khi bày bàn cơm lên, đứa nhỏ giãy nảy “con không ăn gạo đỏ”, đứa lớn hơn thì kèo nhèo: “Con ăn canh đậu phộng, không thích canh rau cải”… Mình không soi gương nên không biết mặt mình có biến sắc không, nhưng rõ ràng khi nỗ lực của mình bị đáp trả bằng những phản ứng không lấy gì làm tích cực, mình nghĩ mình sắp sửa quát tháo. May làm sao, đứa con trai lớn nhìn mẹ và nói: “Mẹ, lửa chuẩn bị thiêu rụi khu rừng rồi đó mẹ”.
Mẹ con mình quy ước với nhau: Khi nào thấy mẹ sắp sửa nổi giận, hãy nhắc nhở mẹ: “Mẹ, đừng để lửa thiêu rụi khu rừng mà mẹ đang cố gắng gieo trồng”. Mẹ sẽ giật mình mà nhớ ra. Phải nói ngay rằng cơn giận này không biết đã đeo đẳng mẹ bao nhiêu năm.
|
Ảnh mang tính chất minh họa. Internet |
Mẹ cũng đã làm nhiều cách: uống một ly nước lạnh, đeo một sợi thun to trên tay, khi nào giận thì kéo mạnh sợi thun rồi thả ra, để cái đau nhắc nhở mình. Rồi thì thì hít thở… Thậm chí mẹ cũng dặn chừng, nếu thấy mẹ nổi giận thì các con nhắc mẹ. Mỗi lần bộc lộ cơn giận không đúng mực thì mẹ sẽ tự động bỏ 50.000đ vào heo đất, cuối tuần lấy tiền đó cho con đi cửa hàng tiện ích ăn vặt hoặc ra khu vui chơi… những chỗ các con thích mà mẹ không thích… Chỉ cần thừa nhận cảm xúc của con
Thế nhưng, hình như chưa giải pháp nào hiệu quả với mẹ. Đôi khi chỉ một câu nói, một hành động tưởng vô cùng nhỏ nhặt của con… mẹ cũng có thể đùng đùng nổi giận. Con đang ăn bằng muỗng chuyển qua bốc tay, rồi lấy tay bẩn quẹt lên áo. Bình thường. Con múc canh, cái vá để quá cao làm nước bắn tóe ra ngoài bàn ăn. Cũng bình thường. Cơm rơi vãi, múc canh không để cái chén lại gần tô canh, hoàn toàn có thể nhắc con bình thường. Nhưng mẹ vẫn nổi giận bất thường.
Ngay cả trong cơn giận, mẹ vẫn thấy mình vô lý, vì chuyện không đáng đến mức phải la hét như thế mà chẳng hiểu sao cơn giận vẫn cứ ào đến như lửa. Ngọn lửa không chỉ “thiêu rụi” mẹ mà có nguy cơ “hủy hoại” cả các con, vì không ít lần mẹ nhận ra đứa lớn đang quát đứa nhỏ bằng một âm sắc… y hệt mẹ. Và đứa nhỏ thì lăn ra khóc lóc giãy giụa, cũng y hệt mẹ theo một cách nào đó…
Điều đó làm mẹ quyết tâm thay đổi. Vì vậy mà mẹ nói với con: Mẹ thật xấu xí khi không quản lý được cơn giận của mình. Con hãy quan sát sự xấu xí hung tợn của mẹ khi giận, để đừng bắt chước. Tất nhiên là mẹ đang cố gắng từng ngày, không phải để không giận dữ, không phải để kềm chế cơn giận. Mẹ sẽ giận, cố nhiên là thế, vì mẹ là con người mà.
Nhưng vì là con người nên mẹ sẽ tập nói ra cơn giận của mình, để cơn giận đó không làm tổn thương ai, kể cả chính bản thân mẹ. Mẹ sẽ nhắc nhở mẹ mỗi ngày. Nhưng mẹ cũng cần các con giúp mẹ, bằng cách tuân thủ một số quy tắc trong gia đình. Đồng thời, mẹ cần con nhắc mẹ những khi mẹ sắp nóng giận, để có thể có những cách cư xử phù hợp.
Chiều nay, sau khi con trai nhắc về ngọn lửa, con gái lớn lại bồi thêm một câu: “Mẹ, nói sao cho trẻ chịu nghe đi mẹ” - đó là con gái đang nhắc tới tên một cuốn sách thú vị và bổ ích của hai tác giả Adele Faber, Elaine Mazlish.
Ừ, đơn giản là thừa nhận cảm xúc của trẻ. Như trong câu chuyện hôm nay, mẹ chỉ cần nói: “Ừ, con không thích ăn gạo đỏ phải không? Tại nhà mình hết gạo trắng mà mẹ chưa mua kịp”. Hay với cậu con trai, mẹ chỉ cần thừa nhận: “Mẹ biết con thích canh đậu phộng, ước gì hôm nay có canh đậu phộng cho con…". Giản đơn vậy thôi, sao mẹ lại chọn làm việc phức tạp hơn, tốn nhiều năng lượng hơn và làm mất đi không gian ấm áp của mẹ con mình bằng… cơn giận.
Các con, may mà có con nhắc nhở, mẹ mới nhớ ra rằng: Cái mẹ cần ứng xử, cần uốn nắn, không phải là các con, mà chính là cơn giận của mình.
Những ngày suy nghĩ về các con, về sự giận dữ, mẹ nhận ra một điều đơn giản khác: Chỉ cần thừa nhận/hay chấp nhận/công nhận các con, mẹ có thể đã bớt giận đi rất nhiều.
Ban Mai