Con ghét đồng hồ

06/01/2025 - 06:54

PNO - Con cần gì phải coi đồng hồ vì chẳng phải ngày nào mẹ cũng như cái đồng hồ biết nói, biết làm luôn hiện diện bên con đó sao?

Chị Hạnh Dung ơi,
Con em đã học tới lớp Bảy mà vẫn… không biết xem đồng hồ. Chương trình học thì từ tiểu học đã có phần dạy xem đồng hồ. Lúc học thì con xem được, làm được bài tập cô cho nhưng học xong là thôi. Về nhà, bao nhiêu lần vợ chồng em yêu cầu con phải xem đồng hồ để biết giờ giấc sinh hoạt, học hành mà con không hợp tác, nói con không biết xem giờ. Chồng em bực quá, mua cho con đồng hồ điện tử hiện số, rất dễ coi thì con tìm cách bỏ quên không đeo, chỉnh số cho nhảy bậy bạ, làm cho vô nước khiến đồng hồ hư luôn.

Học lớp Bảy rồi mà con ăn chậm, tắm chậm, học bài chậm, ba mẹ nhắc thì vẫn chây ì. Nội chuyện đốc thúc con vệ sinh cá nhân, làm bài tập, đi học chính khóa, học thêm đúng giờ cũng khiến em mệt mỏi. Con học không tệ - từ nhỏ đến giờ vẫn luôn nằm trong tốp 5 của lớp - nhưng em không yên tâm khi con cứ mãi ỷ lại vào ba mẹ.

Nhớ hồi xưa, thời em còn nhỏ, ngay từ lớp Một, lớp Hai đã phải tự ăn sáng, tự đi học, canh sao cho đúng giờ vào lớp. Em cứ hy vọng con lớn sẽ biết tự ý thức nhưng chờ suốt 6-7 năm rồi vẫn vậy. Em ngọt ngào nhắc nhở không được; chồng em phạt, đánh đòn cũng không xong. Giờ em cứ như thư ký của con - theo nhắc hết mọi thứ mà con vẫn làm như kiểu bị ép buộc. Không biết tình hình này sẽ còn tiếp diễn tới khi nào. Em phải làm sao với con?

Phương Thanh (TPHCM)

Em Phương Thanh thân,
Em có tin là con mình không biết xem đồng hồ? Cháu học giỏi, luôn trong tốp dẫn đầu lớp chứng tỏ cháu là đứa trẻ sáng dạ và đương nhiên chuyện xem đồng hồ không thể làm khó cháu. Cái chính ở đây là cháu không muốn xem, không muốn bị gò ép vào khuôn khổ, giờ giấc bó buộc mà thôi. Học lớp Bảy - cháu đang ở tuổi dậy thì, tâm lý chống đối, nổi loạn lại càng rõ nét. Do vậy, ba mẹ ráng bình tâm, bình tĩnh để ứng xử phù hợp trong giai đoạn này.

Ở tuổi dậy thì, không ít trẻ có tâm lý phản kháng, không thích bị ai chỉ đạo, bắt ép nên thường làm ngược lại những điều cha mẹ yêu cầu. Em muốn con ăn nhanh, tắm nhanh; con sẽ cố tình ăn chậm, tắm chậm. Em muốn con đi học sớm, con sẽ đủng đỉnh chờ sát giờ mới đi. Cái chính ở đây là con thông minh nên thừa biết nếu con không làm thì sẽ có mẹ làm thay. Con cần gì phải coi đồng hồ vì chẳng phải ngày nào mẹ cũng như cái đồng hồ biết nói, biết làm luôn hiện diện bên con đó sao?

Vậy thì, điều em cần làm là gọi con ra, ân cần, nhẹ nhàng giải thích thêm một lần nữa về chuyện giờ giấc sinh hoạt và thông báo với con: “Việc của ba mẹ là đi làm kiếm tiền, lo cái ăn, cái mặc cho con. Việc của con là học tập, tự chăm sóc bản thân; cái gì khó, vượt khả năng lứa tuổi thì ba mẹ mới giúp”. Giải thích, thông báo xong thì em bắt đầu để con tự lo. Con ăn chậm, con tắm chậm, con không làm bài tập, con đi học trễ giờ - tất cả điều đó hãy để con tự trải nghiệm, tự chịu trách nhiệm, tự gánh hậu quả nếu có. Nếu ăn chậm thì con còn rất ít thời gian để vui chơi, nếu đi học trễ thì con bị thầy cô la rầy. Nếu không làm bài thì con bị điểm kém. Thậm chí, nếu buổi sáng con không nhanh chóng chuẩn bị để mẹ đưa đi học thì đúng giờ, mẹ vẫn đi làm, con sẽ phải nghỉ học. Suy cho cùng, những “hậu quả” mà con phải chịu vẫn nằm trong giới hạn cho phép - nghĩa là nó không ảnh hưởng tới sức khỏe, sự an toàn hay tính mạng của con. Nếu ba mẹ không đủ dũng cảm để “thả” con, cho con tự chịu trách nhiệm những chuyện nhỏ thì mai này khó mong con tự lập, tự chịu trách nhiệm những chuyện to tát trong cuộc đời chúng.
Khi con bắt đầu tự lập - dù là việc rất nhỏ, em nhớ động viên, ghi nhận, khen thưởng. Con em thông minh, học giỏi, cháu cũng đang dần trưởng thành nên đòn roi, la rầy sẽ không tác dụng. Chỉ cần em tạo cho cháu động lực tự thân thay vì cung cấp động lực từ bên ngoài, tin rằng con sẽ sớm cứng cáp.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI