'Cơn ghen của Lọ Lem' và cơn quẫn của Trần Lực

03/12/2017 - 07:00

PNO - Thay vì chọn 'Quẫn' - vở diễn được cả giới chuyên môn và công chúng đánh giá tích cực, đạo diễn - diễn viên Trần Lực chọn tác phẩm phóng tác từ bản gốc của Molière để ra mắt đoàn kịch tư nhân đầu tiên tại Hà Nội.

Cơn ghen của Lọ Lem được Trần Lực gọi là “náo kịch” theo phong cách “ước lệ biểu hiện”. Đoàn kịch mới LucTeam tập trung vào loại hình được Trần Lực gọi là “sân khấu ước lệ”. Tuy nhiên, những gì vở diễn mang đến để chào sân lại khiến khán giả thất vọng, không giống với điều người sáng lập đoàn kịch định nghĩa và kỳ vọng. 

Cơn ghen của Lọ Lem dựa trên kịch bản nguyên gốc của nhà hài kịch vĩ đại nước Pháp - Molière. Khán giả Việt Nam đã biết đến nhiều tác phẩm lừng danh của Molière như Anh chàng ghét đời, Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang… Trong khi đó, Cơn ghen của Lọ Lem là vở khá ngắn, ít được biết tới. Tuy vậy, như nhiều tác phẩm khác, dù được viết cách đây bốn thế kỷ, đến nay vở diễn vẫn còn nguyên tính thời sự.

'Con ghen cua Lo Lem' va con quan cua Tran Luc

Đạo diễn Trần Lực và cảnh trong vở Cơn ghen của Lọ Lem

Cơn ghen của Lọ Lem, xã hội tiểu thị dân nước Pháp thể hiện qua những vai hề kệch cỡm, lố bịch một lần nữa được tái hiện theo cách trẻ trung, sôi động trên sân khấu của LucTeam. 

Bằng ngôn ngữ kịch tối giản, mang hơi thở đương đại kết hợp thủ pháp giễu nhại suồng sã, náo nhiệt của kịch quảng trường, Trần Lực cùng ê-kíp đã biến câu chuyện cách đây 400 năm thành câu chuyện Việt Nam thời hiện đại, với những mâu thuẫn gia đình muôn thuở, những sự kiện xã hội nóng hổi, thói giả dối, sĩ diện rởm đời...

“Theo quan điểm của Aristotle: bản chất của nghệ thuật là giải trí. Với Cơn ghen của Lọ Lem, sân khấu LucTeam muốn đem đến khán giả những giờ phút giải trí vui vẻ, hồn nhiên, phấn khích, đồng thời có thể rút ra những bài học nhẹ nhàng về đạo đức gia đình và những vấn đề xã hội”, Trần Lực chia sẻ. 

Thực tế, đạo diễn cùng tác giả kịch bản chuyển thể Đỗ Trí Hùng và dàn diễn viên đã ít nhiều tạo nên tiếng cười ở vở diễn. Nhân vật anh chàng Lọ Lem và vợ, bố mẹ cô vợ, người hầu gái hay anh Tiến sĩ - Doctor “rởm” có vài câu phát ngôn “hiểm hóc”, tung hứng bằng “ngôn ngữ mạng” khá nhuần nhị, thời thượng.

Vở diễn cũng khiến khán giả giật mình trước những thói tật đang hiện diện ngoài đời. Tuy nhiên, Cơn ghen của Lọ Lem còn nhạt về nội dung, đơn giản về hình thức. Vở kịch như sự ghép nối của các màn tấu hài. Mỗi màn “hề” pha “hài” mang cảm giác lê thê, nhàm chán. Dù dài dòng, vở diễn lại rơi vào cảnh chơi vơi, hụt hẫng khi chưa kịp tạo cảm giác ép phê hay có sức nặng thì đã hết kịch! 

'Con ghen cua Lo Lem' va con quan cua Tran Luc
Đạo diễn Trần Lực

Về mặt hình thức và nghệ thuật, theo Trần Lực, đoàn kịch được thành lập vì thầy trò có chung chí hướng, khát khao chinh phục nghệ thuật đỉnh cao, đưa lên sàn diễn phương pháp nghệ thuật ước lệ. Tiếc thay, hình thức “sân khấu ước lệ” mà nhà làm phim chuyển sang làm kịch nhấn mạnh lại quá nhạt nhòa ở Cơn ghen của Lọ Lem. Vở diễn rậm lời mà thưa ý, quá nhiều ngôn từ, hành động trực quan mà thiếu kích thích trí tưởng tượng.  

Khi dàn dựng vở diễn theo hình thức sân khấu ước lệ - giống như chèo, tuồng… của Việt Nam, dù đó là kịch của Molière cách đây bốn thế kỷ hay kịch Quẫn của Lộng Chương từ năm 1959 thì nghệ sĩ đều có thể đưa vào đó cái nhìn đương đại, với những chất liệu của thế kỷ XXI. Đoàn kịch LucTeam cũng muốn đi theo hướng đó.

Tiếc rằng thay vì diễn Quẫn hay một vở nào đó dày dặn hơn, Trần Lực lại chọn Cơn ghen của Lọ Lem. Trước khi công diễn vở này, vào cuối năm 2016, LucTeam đã giành được nhiều giải thưởng cá nhân tại Liên hoan sân khấu Thủ đô với Quẫn. Riêng Quẫn giành huy chương bạc cho vở diễn. Những thành quả này khiến LucTeam tự tin dựng vở diễn tiếp theo, tiếc rằng màn ra mắt đoàn kịch bằng Cơn ghen của Lọ Lem không đủ gây ấn tượng. 

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI