Con gái tôi chưa bao giờ dừng ước mơ vì không được người lớn đáp ứng

26/03/2017 - 05:53

PNO - Con gái tôi bốn tuổi, sau khi đi Thảo Cầm Viên về, bé thỏ thẻ ước mơ được nuôi một con hươu cao cổ trong nhà.

Con gai toi chua bao gio dung uoc mo vi khong duoc nguoi lon dap ung
 


Mặc kệ trận cười nghiêng ngả của cả gia đình, mắt con vẫn ngời ngời sáng khi thuyết trình cách cho hươu ăn: “Con chỉ cầm một chùm lá leo lên lầu một, hươu đứng dưới phòng khách ngước lên là được rồi”. Bà ngoại mắng: “Sao không nuôi chó, mèo, mà toàn xin nuôi hổ, sư tử, rắn... thú dữ không à”. Ấy là bà nhớ lại quá trình “xin xỏ” thú cưng của bé từ trước tới giờ. Mới hôm nào, khi xem quảng cáo phim Kong, con cũng hứng chí đòi “mẹ mua cho con một chú Kinh Kong, con để nó ngủ dưới gầm giường, chiều chiều con dắt nó đi dạo”.

 Tất nhiên dù có khẩn cầu trong nước mắt như mưa, trong hờn dỗi, trong áp lực, hay gây sự của con, việc có một chú thú cưng “dữ dằn” trong nhà không thể thành hiện thực. Lâu lâu ai đó nhắc lại thì một trận cười lớn lại nổ ra. Con gái không giận ai, nhưng luôn bày tỏ sự nghiêm túc của mình, bởi con thật sự hứng thú với những con vật mạnh mẽ. Không chỉ thích búp bê và đồ hàng như các bạn, vào trung tâm thương mại, con cũng đứng “chôn chân” trước khu đồ chơi của bé trai như siêu nhân, ô tô, súng, xe bọc thép... 

Hôm nay, mạng xã hội ngập đầy hình ảnh bà hiệu trưởng trường đại học danh giá Harvard (Mỹ), giáo sư Drew Gilpin Faust đến Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM để nói chuyện về nghiên cứu lịch sử và hợp tác đào tạo. Thật thú vị, bà Faust từng có một tuổi thơ nổi loạn vì khác biệt. Khi bạn bè chỉ thích nuôi thú cưng là chó, mèo, cô bé Faust đã bỏ công chăm sóc một con bò. Yêu thích động vật, nhưng bé Faust đặc biệt thích ngựa, đọc rất nhiều sách để tìm hiểu về ngựa.

Cuốn sách bé Faust nâng niu nhất cũng mang tên Cương ngựa bạc. Thời ấy, khi bạn bè còn dè bỉu người da màu, Faust đã vui mừng kết thân với những cô bé, chú bé khác màu da, vui chơi hòa đồng và khám phá cả sự dị biệt văn hóa. Đó cũng là lý do khi mới chín tuổi, bé Faust đã khảng khái gửi thư cho Tổng thống Mỹ Eisenhower để lên án nạn phân biệt chủng tộc. Một điều ngay người lớn còn “ngán ngại”.

Trải qua thời thanh niên đầy hoài bão với những “nickname” như “bông hồng thép”, “kẻ nổi loạn xuất sắc”, cô gái Faust bé nhỏ đã truyền cảm hứng sống cho rất nhiều bạn bè. Càng ngưỡng mộ bà hơn khi biết hồi nhỏ mẹ bà luôn dạy rằng: “Thế giới này là của đàn ông. Càng sớm nhận ra điều này, con sẽ càng sớm tìm thấy hạnh phúc cho mình”.

Thế nhưng Faust bé nhỏ luôn chứng minh điều ngược lại. Những năm 1960, Drew Gilpin Faust tham gia trong cả hai phong trào lớn giành quyền lợi cho người Mỹ gốc Phi và phong trào phản chiến, trong đó có chiến tranh Mỹ tại Việt Nam. Nỗ lực của người phụ nữ thông minh xuất chúng trong lĩnh vực mà bà nghiên cứu như lịch sử, giáo dục giúp bà tiến dần tới trường Harvard. 

“Thế giới này không chỉ của đàn ông”, người phụ nữ với mái tóc ngắn, dáng đi thẳng tự tin và đôi mắt sáng rực nói rằng, bà đã dành cả cuộc đời mình để khẳng định với nhân loại điều đó. Ở tuổi 59, khi vượt qua hàng loạt cá nhân xuất sắc là nam giới để trở thành nữ hiệu trưởng đầu tiên của Harvard, trả lời báo đài, câu bất hủ của bà đã truyền lửa, khiến hàng triệu phụ nữ hân hoan: “Tôi không phải là nữ hiệu trưởng. Tôi là hiệu trưởng trường Harvard”.

Trong số những câu nói tiếp sức mạnh từ giáo sư Drew Gilpin Faust, người ta còn ấn tượng hình ảnh bà ví cuộc đời này như một bãi đỗ xe, và chúng ta đang đi tìm chỗ đậu thích hợp: “Nghĩa là bạn không nên đậu xe cách nơi cần đến sáu dãy nhà chỉ vì sợ không tìm được chỗ gần hơn. Hãy đi tìm chỗ tốt, nếu không có thì quay lại. Đừng thỏa hiệp nhanh quá, cũng đừng thỏa hiệp mà không có bằng chứng buộc bạn phải làm như thế”.

Con gái nhỏ của tôi chưa bao giờ dừng ước mơ vì không được người lớn đáp ứng. Như mọi đứa trẻ, bé cũng không dễ dàng thỏa hiệp với người lớn ngay sau tiếng quát “im nào!”. Mỗi một mầm khác biệt, biết đâu ngày mai lại có thể là một cái cây đầy sinh lực để chứng minh “thế giới không phải của đàn ông”. Tôi đang ôm ấp giấc mơ ươm thêm một cá nhân giúp thế giới cân bằng trong từng góc nhỏ của nó như gia đình, trường học, trên sân vui chơi... Bởi rõ ràng “thế giới này không phải của đàn ông”...

 Thái Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI