Có lẽ suốt cuộc đời, ba sẽ không thể quên được cảm giác tưởng chừng như nghẹt thở, nôn nóng, hồi hộp lúc đưa mẹ con vào Bệnh viện Từ Dũ.
Con đường này, vòm cây xanh này, ba đã qua lại nhiều lần nhưng sáng hôm ấy, ngày 9/9/2018, với ba, tất cả đều trở nên mới mẻ lạ thường. Lúc ấy, ba đã lẩm nhẩm trong đầu bài học thuộc lòng Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh.
Chỉ có khác, lần đầu tiên ba và mẹ đi học làm người lớn. Người lớn đã trưởng thành và con chính là nhân chứng của giây phút kỳ diệu đó - ngay từ lúc mẹ con đang có thai: “Xòe tay, xoa trái đất tròn/ Lắng nghe hơi thở ru hồn nhịp thơ/ Lớn dần chồi biếc non tơ/ Lớn dần ngày tháng trẻ thơ lớn dần…”.
|
Hình minh họa |
Lúc mẹ vào phòng sinh, ba hồi hộp đứng ở ngoài, nhẩm tính từng giây, từng phút, từng khoảnh khắc của cuộc đời ba sẽ chạm đến một cuộc tái sinh kỳ diệu: “Vào, ra rồi lại lặng im/ Đồng hồ lại ngó, ngước nhìn trời xanh/ Lòng reo vui rất chân thành/ Từ đây, năm tháng tốt lành từ đây/ Thời gian lọt thỏm kẽ tay/ Yêu thương níu lại, còn may diệu kỳ”.
Điều may mắn gì thế? Lúc sắp sửa lọt lòng, nếu nghe tiếng thơ của ba ắt con sẽ hỏi ngay chứ gì? Thì đây, “Dấu chân trên đất, lại đi/ Từ măng non lại xanh rì tre tươi/ Sáu mươi năm một kiếp người/ Từ trong nhân - quả, trang đời mở ra”.
Đã mở ra trang sách đầu tiên trong cuộc đời của ba, của mẹ. Các mẫu tự trước nhất trên trang sách đó, ghép lại, chính là tên của con.
Ối dào, khi ba đặt tên cho con, nhiều người bảo, liệu chừng có nữ tính không? Hãy cân nhắc. Ba chỉ mỉm cười. Trên cuộc đời này, cái tên riêng của mỗi người, nếu xuất phát từ lòng yêu thương bao giờ cũng có ý nghĩa tích cực của nó.
Tên con là Lê Minh Quốc Ấn. Ngộ nghĩnh và không đụng hàng. Này con, đã từ lâu, rất lâu rồi, bà nội con luôn thúc giục ba phải nhanh chóng có cháu để bà ẵm bồng: “Sinh con đi, nhìn đứa trẻ đang ngủ giống hệt thiên thần. Lúc ấy, con mới thật sự trưởng thành”.
Bấy giờ, từ năm 1989, ba đã viết, bây giờ câu thơ này, ba dành cho con và các đứa trẻ sơ sinh khác: “Những đứa trẻ nhắm mắt ngủ/ Mỗi gương mặt đều hóa thiên thần/ Tôi nửa đêm bàng hoàng thức giấc/ Nhìn trẻ thơ thì cảm thấy yên tâm/ Nhìn trẻ thơ thì mọi điều nghi ngại/ Đều hóa thành số không/ Các em hồn nhiên như suối, như sông/ Chảy triệu tiếng cười xuống đời tôi mát mẻ/ Gương mặt các em là một mặt trời hồng/ Đôi mắt lấp lánh cái nhìn mạnh khỏe”. Hạnh phúc thay, con ơi, bây giờ ba mẹ đang có.
|
Hình minh họa |
Nếu có điều gì day dứt nhất, với ba vẫn là lúc nghĩ đến bà nội không có mặt trong ngày vui tuyệt vời, tột đỉnh này. Dẫu không một phép lạ nào có thể níu kéo lại thời gian, thế nhưng, ông trời cực kỳ number one khi cho người ta còn có cơ hội sửa sai.
Với ba, đó là sự có mặt của con trong cõi nhân sinh. Vì lẽ đó, tên của con phải là Quốc Ấn - khi mà bà nội tên Ân: “Mẹ bây giờ trong đời thường đã ẩn/ Ân ngày sau đã sắc Ấn hài nhi”.
Ba nghĩ, con chính là hiện thân của bà nội, của niềm mong mỏi dằng dặc mà mỗi lần nghĩ đến, ba lại ứa nước mắt. May quá là may, bây giờ ba đã có sự cảm thông xoa dịu:
“Con sẽ nhớ đã cùng ba với mẹ/ Đã gắn bó, đã nhân duyên san sẻ/ Đã có nhau trong hơi thở từng giây/ Đã hôm nay, tươi tắn một hình hài/ Đã hạt giống gieo trồng trên trái đất/ Lọt lòng mẹ oe oe tiếng khóc/ Là lời con chào thế giới của yêu thương”.
Lúc chờ đón con ở Bệnh viện Từ Dũ, ba đã nhắn tin chia sẻ với cô Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM - cơ quan ba đã làm việc từ thuở xuân xanh - rằng, cuộc đời vẫn luôn bao dung dành cho mọi người, trong đó có ba.
Suy nghĩ ấy, rất thật lòng. Và kỳ lạ thay, tin nhắn vừa “send” cũng là lúc ba nghĩ một điều mới mẻ về con, về những đứa trẻ đã và sắp chào đời: ngay từ khi lọt lòng, các hài nhi bé bỏng đã nỗ lực, đã hợp tác, đã cố gắng, đã vì tất cả người lớn trên thế gian mà trao một quà tặng vô giá.
Quà tặng gì vậy?
Chính là sức khỏe, là tiếng khóc cười vạm vỡ, khỏe khoắn của bé ngay từ lúc vừa lọt lòng. Vâng, phụ huynh nào lại không hạnh phúc, náo nức và sung sướng đón nhận?
Này con, khi viết lá thư cho con cũng là lúc ba tự kiểm chính mình về năm tháng đã qua, trước lúc con ra đời. Mà năm tháng ấy, không chỉ chia sẻ với con mà còn dành cho mẹ con nữa.
Bởi vì rằng, trước đây, ba đã từng thốt lên não nùng, cay đắng, dằn vặt, tự vấn: “Mỗi lần yêu là một lần suýt chết/ Tại sao tôi phải chịu đựng quá nhiều?”. Những nhan sắc nào đã đi qua khiến vết thương từng ngày tấy máu? Khiến tiếng thơ đau đớn khôn nguôi?
Có những câu hỏi, không nhất thiết phải có câu trả lời. Tất cả đã trở thành dĩ vãng. Dẫu êm đềm, dẫu bi thảm thì cũng đã là dĩ vãng và chuyển sang một mối quan hệ thân thiện khác.
Ai làm nên điều đó? Chính là con và mẹ của con. Và một điều cũng kỳ diệu không kém, chắc chắn những hình bóng cũ ấy cũng mừng và yêu thương con như ba mẹ đã yêu thương.
Tái bút:
“Sự sống của đời mỗi ngày một lớn/ Là thịt xương anh hiện hữu một hình hài/ Bóng dáng của anh từng ngày trỗi dậy/ Anh bồng hình hài bé bỏng ở trên tay/ Gieo hạt đời nay đã mọc thành cây/ Vòm lá sum sê từng ngày lộc biếc/ Anh thấy anh tồn tại phía tương lai…”. Hãy lớn nhanh, ăn no, ngủ đẫy giấc, chóng lớn để bầu bạn cùng ba mẹ và cả thế giới rộng lớn này, con ơi, con à. Cuối cùng, ngày hôm nay ba đã suy nghĩ, thấu hiểu về một sự vận hành trong cõi hỗn mang trời đất: nhân duyên.
Lê Minh Quốc
(TP.HCM, ngày 12/9/2018)