Con gái người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh

09/07/2024 - 06:09

PNO - Ngày 2/7/1976, Quốc hội quyết định đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng từ trước đó rất lâu, tháng 8/1954, trong bài thơ Ta đi tới, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ai đi Nam Bộ, Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai vô Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”. Lần giở những trang báo năm xưa, tôi mới biết, người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.

Nguyện ước về Nam để cống hiến

Ngày 27/8/1946, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã nêu ra ý tưởng và nhận được sự tán thành của nhiều nhân sĩ miền Nam yêu nước, thành một bản kiến nghị gửi lên Chính phủ. Báo Cứu Quốc năm ấy cũng đã có bài viết với nhan đề Thành phố Sài Gòn từ nay sẽ đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911-2006) là người đã cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng xây dựng nền dân y miền Nam từ giữa năm 1947. Năm 1956, ông là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cán bộ y tế trung ương. Với những cống hiến của mình, ông được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động.

Tôi muốn kể về người con gái của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp như một sự tiếp nối truyền thống đầy tự hào, một sự gắn bó máu thịt với TPHCM. Vâng, tôi đang kể về bác sĩ Trần Kiều Miên - sinh năm 1951, Phó chủ tịch Hội Tiêu hóa Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Tiêu hóa TPHCM, cựu giảng viên Trường đại học Y Dược TPHCM.

Bác sĩ Trần Kiều Miên
Bác sĩ Trần Kiều Miên

Bác sĩ Kiều Miên là người con miền Nam nhưng trong những năm tháng chiến tranh trước năm 1975, cô học Trường đại học Y Hà Nội, tiếp bước cha mình. Thuở ấy, trước khi ra trường, các sinh viên đều có đề đạt 3 nguyện vọng. Nguyện vọng của bác sĩ Kiều Miên thực sự đặc biệt và cảm động. Nguyện vọng 1: về Nam, nguyện vọng 2: về Nam, nguyện vọng 3: về Nam.

Hồi bấy giờ, chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt. Nguyện vọng về Nam khi ấy được gọi là đi B, thể hiện một lòng yêu nước nồng nàn, lòng dũng cảm và lý tưởng về ngày đất nước thống nhất. Cô sinh viên mới ra trường ấy hỏi Bộ Y tế và được cho lời khuyên chân thành là trình độ bác sĩ mới ra trường còn non lắm, nên trau dồi, học hỏi thêm để phục vụ tốt nhất ở chiến trường B. Nghe lời khuyên, cô quyết định ban đầu theo ngành hồi sức cấp cứu.

Cuộc gặp với người cha là bác sĩ vào cuối năm 1974, sau hơn 10 năm xa cách, đã đẩy dự định của cô sang một hướng khác. Nghe con nói nguyện vọng của mình, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp khuyên: “Con là người miền Nam, muốn về miền Nam phục vụ tốt nhất cho nhân dân mình thì nên học chuyên ngành tiêu hóa và phải học cho thật giỏi bởi miền Nam là miền sông nước, bệnh về đường tiêu hóa rất nhiều”.

Vậy là bác sĩ Kiều Miên quyết định đi theo chuyên ngành tiêu hóa. Cô được học bổng toàn phần chuyên ngành tiêu hóa tại Đại học Rostock (Cộng hòa Dân chủ Đức). Tại đây, cô học chuyên sâu thêm về nội soi tiêu hóa, đặc biệt học sâu thêm về nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP: Endoscopic Retrograde Cholangio Pancreatography) là kỹ thuật rất hiện đại và mới mẻ lúc đó.

Bác sĩ Trần Kiều Miên bên tượng cha
Bác sĩ Trần Kiều Miên bên tượng cha

Cần biết thêm rằng, cho đến nay, ERCP vẫn là một kỹ thuật đầy thách thức, khó khăn và làm ERCP rất thường bị “ăn” tia X-quang, có thể gây nguy hại, nên rất ít nữ bác sĩ theo đuổi. Chấp nhận thử thách để học thật giỏi một chuyên ngành khó cho thấy lòng yêu nước và ý chí phục vụ cao cả của cô bác sĩ trẻ.

Ứng dụng giải Nobel y học để chữa bệnh cho dân

Tốt nghiệp thực tập sinh Đại học Rostock vào cuối năm 1977 thì đầu năm 1978, bác sĩ Kiều Miên về TPHCM để tham gia giảng dạy và làm việc tại Khoa Nội, Trường đại học Y Dược TPHCM. Đóng góp cho ngành y tế TPHCM nói riêng và y học nước nhà nói chung của cô thật to lớn, đặc biệt là việc ứng dụng những thành quả của giải Nobel y học năm 2005 để chữa bệnh cho dân mình.

Trước đây, giới y học thường cho rằng loét dạ dày - tá tràng chủ yếu là do acid clohydric (HCl) nên có câu “No acid, no ulcer”, tức là “Không a xít thì không loét”. Để làm giảm a xít trong dạ dày, người ta thường dùng thuốc kháng a xít và kết luận tạm thời là tốt. Nhưng đến năm 1978, một nhà tiêu hóa học hàng đầu thế giới tuyên bố gây sững sờ: “Dùng thuốc kháng a xít để điều trị loét dạ dày - tá tràng thì tái phát là đương nhiên”. Vậy là phải tìm nguyên nhân khác và trong lịch sử y học, nguyên nhân khác ấy thường liên quan tới vi trùng.

Nhưng cho đến lúc đó, người ta không thể tưởng tượng được rằng, trong môi trường a xít rất khắc nghiệt của dạ dày, lại có một vi trùng sống được và gây hại. Vào mùa Phục sinh 1982, 2 nhà khoa học người Úc đã nuôi cấy được một chủng vi trùng trong dạ dày. Bài báo của 2 nhà khoa học này trên tờ Lancet 1983 với nhan đề Về một chủng vi trùng ở trong dạ dày đã gây tiếng vang lớn trong giới khoa học.

Bác sĩ Trần Kiều Miên (phải) và tác giả bài báo này khi ở Hàn Quốc tham dự hội nghị tiêu hóa châu Á - Thái Bình Dương năm 2018
Bác sĩ Trần Kiều Miên (phải) và tác giả bài báo này khi ở Hàn Quốc tham dự hội nghị tiêu hóa châu Á - Thái Bình Dương năm 2018

Ngành y học Việt Nam thời ấy nghi ngờ trước phát kiến y học này nhưng trong hội nghị tiêu hóa châu Á - Thái Bình Dương tại Sydney năm 1994, bác sĩ Kiều Miên có dịp gặp bác sĩ Marshall - 1 trong 2 nhà khoa học người Úc nuôi cấy được chủng vi trùng trong dạ dày - và lập tức bị chinh phục bởi những bằng chứng khoa học về vi trùng HP. Tìm hiểu sâu thêm về vi trùng HP, cô quyết định đưa điều này vào chương trình giảng dạy y khoa năm 1995. Đây là một quyết định thông minh nhưng đầy dũng cảm.

Xét nghiệm CLO test tìm vi trùng HP thời bấy giờ cũng rất đắt (khoảng 5 USD/test) nhưng HP lại chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam nên 5 USD càng trở nên đắt đỏ. Bây giờ, giáo sư Phạm Hoàng Phiệt - Chủ nhiệm bộ môn miễn dịch - sinh lý bệnh, Trường đại học Y Dược TPHCM - đã nghiên cứu ra mẫu test rẻ nhưng vẫn chính xác, tương tự mẫu CLO test của Úc. Những mẫu test này được đưa vào sử dụng ở Bệnh viện Đại học y dược TPHCM ngay từ lúc mới được thành lập (năm 1996) và cho những kết quả rất tốt.

Năm 2004, bác sĩ Kiều Miên mời bác sĩ Marshall đến Việt Nam thuyết trình những vấn đề liên quan đến vi trùng HP. Những bài giảng của bác sĩ Marshall là vốn rất quý lúc ấy, vì đến năm 2005, ông cùng đồng sự được nhận giải Nobel y học cho nghiên cứu này. Bằng tài năng, sự tôn trọng khoa học, bác sĩ Kiều Miên đã tiếp thu, giảng dạy, thực hành một phát kiến mới trong y học, đưa vào chữa bệnh cho người Việt Nam một cách hiệu quả và kinh tế nhất.

46 năm đã trôi qua kể từ khi trở về Nam, trở về TPHCM, con gái của người gợi ý tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần rất lớn trong việc chăm sóc bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là việc đưa những hiểu biết về vi trùng HP đến với sinh viên y khoa, bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa, giúp các bác sĩ gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu trên thế giới để học tập và trao đổi. Thuốc Gastrostat được sử dụng đầu tiên để điều trị nhiễm trùng HP thời ấy chỉ còn là hoài niệm nhưng lại là một hoài niệm lẫy lừng cho những phác đồ điều trị HP sau này, góp phần chăm lo sức khỏe hàng triệu người Việt Nam.

Về Nam. Về Nam. Về Nam. Nguyện vọng về Nam giúp đỡ dân mình ấy đã thành hiện thực một cách đặc biệt xuất sắc. Tiếp bước cha mình - thầy Trần Hữu Nghiệp - bác sĩ Trần Kiều Miên đã, đang và sẽ là niềm tự hào của người Sài Gòn - TPHCM do những cống hiến cho nền y học nước nhà.

Bác sĩ Trần Quốc Vĩnh

(Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin)

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.


Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Chu Thị Yến 11-07-2024 09:31:39

    Cảm ơn tác giả đã cho tôi được biết và hiểu thêm được những con người VN từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ luôn luôn là những con người đã viết nên những trang sử hào hùng đáng kính nể và thật trân trọng và cảm ơn họ. Những con người yêu nước cống hiến trí tuệ tâm huyết của thế hệ đi trước cũng như đương đại, đã luôn tạo cho mình luôn phải sống sao cho có ích cho mình cho gia cho xh. Tôi yêu đất nước và con người VN vô cùng.

  • Khánh Tran 10-07-2024 18:35:56

    Bài viết tuyệt vời về một con người tuyệt vời!

  • Trần Quốc Minh 10-07-2024 18:21:59

    Bài viết hay quá

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI