Con gái muốn tôi bỏ việc về quê chăm cháu ngoại, đỡ đần cho con

21/02/2023 - 09:50

PNO - “Giúp đỡ con” không có nghĩa là phải ở bên cạnh, thay con chăm cháu. Có rất nhiều cách để chị thể hiện tình thương và trách nhiệm của một người mẹ.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi 52 tuổi, là mẹ đơn thân. 20 năm trước, tôi đưa con gái rời quê Hà Tĩnh vào TPHCM rồi đi làm cho tới bây giờ. Lớn lên, con gái tôi lấy chồng rồi trở về quê lập nghiệp, sinh con.

Từ ngày về quê và sinh lần lượt 2 đứa con, con gái tôi rất vất vả. Con gái nhiều lần nói tôi nghỉ việc, về quê sống với vợ chồng tụi nó để nghỉ ngơi, không phải lo tiền bạc nữa; nhưng tôi hiểu là con muốn có mẹ đỡ đần việc nhà cửa, con cái.

Thế nhưng, tôi rất khó từ bỏ công việc. Tôi muốn có thu nhập để lo cho bản thân và giúp đỡ các con. Bao nhiêu tiền dành dụm được tôi đều sắm sửa xe cộ, rồi mua đất ở quê cho con gái. Các con xây nhà, tôi cũng phụ giúp. Thành ra, tôi không có tiền tích lũy.

Con gái và con rể tôi đều còn quá trẻ, dù có công việc ổn định nhưng thu nhập vẫn thiếu hụt khi phải chăm sóc 2 con. Tôi muốn làm cho đủ năm để có lương hưu, có chút tiền phòng thân ở tuổi xế chiều. Mỗi lần tôi về quê lại nghe người ta trách “ham sống ở thành phố, ham việc ham tiền mà không về ở với con với cháu”.

Mới đây đứa cháu ngoại thứ hai của tôi bệnh nặng, phải nằm viện điều trị cả tháng trời. Con gái và con rể tôi ngưng trệ công việc hoàn toàn. Tôi cũng nghỉ việc về thăm cháu, chứng kiến con gái, con rể và cả cháu ngoại vất vả, thiệt thòi, tôi rất xót.

Tôi hoang mang không biết mình đang chọn đúng hay sai. Chừng 4-5 năm nữa tôi đến tuổi hưu, nhưng khi đó, một giai đoạn vất vả của con cũng đã qua, các cháu đã lớn, liệu khi trở về, tôi có giúp được gì cho con hay chỉ là người thừa trong gia đình? Còn nếu nghỉ việc lúc này, lỡ gặp lúc các con khó khăn, tôi cũng sẽ rất lo…

Văn Thị Thu (quận 7, TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Thu mến,

Lựa chọn nào cũng sẽ có đánh đổi, nhưng Hạnh Dung nghĩ, chị rất có lý khi lựa chọn tiếp tục làm việc.
Nghĩ xem, nếu bỏ việc, chị sẽ không có lương hằng tháng và cũng không có lương hưu như mong muốn. Như vậy, con gái chị không những không được mẹ giúp đỡ tài chính, còn phải nuôi mẹ.

Chưa kể, việc không có thu nhập, phải sống nhờ vào con sẽ khiến chị khó sống thoải mái; thậm chí có thể khiến chị có tâm lý mặc cảm, bất an. Khi đó, chị khó mà giúp đỡ được con dù là ở khía cạnh tinh thần.

Nếu tiếp tục làm việc, chị không thể giúp con chăm cháu. Tuy nhiên, mỗi cặp vợ chồng đều cần phải tự lập trong việc nuôi dưỡng con cái. Giai đoạn con còn nhỏ, tất nhiên phải vất vả. Nhưng khi hoàn cảnh khiến nội ngoại không thể giúp đỡ được nhiều, ta hãy nên xem sự vất vả đó là cần thiết để các con rèn luyện.

Mặt khác, “giúp đỡ con” không có nghĩa là phải ở bên cạnh và thay con chăm cháu. Có rất nhiều cách để chị thể hiện tình thương và trách nhiệm của một người mẹ mà Hạnh Dung tin rằng, chị đã làm rất tốt ở những khía cạnh này.

Chị có thể luôn lắng nghe con, quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm với các con. Thậm chí, việc chị biết lo liệu cho bản thân, chuẩn bị phương án tài chính cho tuổi già cũng chính là một sự giúp đỡ rất lớn với các con. Nếu bây giờ chị không lo liệu, chắc chắn gánh nặng ấy sẽ đổ lên vai các con sau này.

Hãy nghĩ về những lý do khiến chị lựa chọn thay vì nghĩ về những điều chị cho là mình đang “bỏ lỡ”. Việc chia sẻ, đồng hành cùng người thân là việc lâu dài. Không nên vì một vài năm ngắn ngủi mà để mình rơi vào cảnh bế tắc khi không có một chỗ dựa tài chính cho tuổi già, chị nhé!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI