Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng tôi chỉ có một con gái. Chúng tôi nuôi con lớn khôn, gả chồng cho con xong, được mấy năm thì con tôi bệnh nặng rồi mất. Lúc đó, cháu ngoại tôi mới hai tuổi. Con rể tôi rất đàng hoàng, chăm sóc gia đình hai bên chu đáo, nuôi con cẩn thận nên vợ chồng tôi cũng dần vượt qua được nỗi buồn mất con.
Vì thương con rể còn trẻ nên chúng tôi động viên con rể lập gia đình mới. Cũng phải bốn năm sau con rể tôi mới lập gia đình, khi cưới vợ mới cũng đưa con gái về sống chung.
Nay cháu tôi sáu tuổi. Thời gian gần đây ba cháu đưa về thăm, vợ chồng tôi thấy cháu buồn và ít nói hơn trước. Tôi tỉ tê trò chuyện thì biết mẹ kế của cháu có bầu, tính tình thay đổi, gắt gỏng thường xuyên và sai bảo cháu làm việc nhà rất nhiều. Nếu cháu không làm được thì cô ấy kể với ba cháu. Ba cháu đi làm về thường hay rầy la làm cháu sợ.
Tội nghiệp cháu tôi, chuyện không biết nghiêm trọng tới đâu nhưng lúc này đã vậy, mai kia gia đình có thêm con nhỏ, cháu tôi làm sao tránh khỏi chuyện con chung con riêng.
Tôi có nói với con rể hay là đưa cháu về sống với vợ chồng tôi, tôi nuôi cháu ngoại cũng như nuôi con gái mình ngày xưa. Con rể không đồng ý, bảo rằng vẫn kiểm soát được mọi chuyện trong nhà, khẳng định mẹ kế vẫn thương con, nếu cần thì sẽ nhờ ông bà nội, như vậy mới hợp lẽ.
Tôi rất giận. Không lẽ ông bà ngoại không phải ruột thịt máu mủ? Tôi quyết tâm giành quyền nuôi cháu. Đọc những chuyện mẹ kế đánh đập hành hạ con riêng mà tôi sợ, nhưng hễ đề cập đến chuyện đó là con rể tự ái, cho rằng tôi tưởng tượng, thành kiến. Tôi phải làm sao?
Bích Thùy (TP.HCM)
Chị Bích Thùy thân mến,
Gia đình tái hôn thường tiềm ẩn những xung đột cảm xúc phức tạp. Người đàn ông trong gia đình mang vai trò trụ cột và thường vì bận rộn công việc nên hay bỏ qua hoặc không đủ tinh tế để nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn đó. Lo lắng của chị là hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên, ta đừng biến nó thành định kiến mà hãy để nó như một sự thấu hiểu, hỗ trợ thì sẽ nhẹ nhàng hơn cho cả hai bên.
Chị đã mở lời được với con rể cũ, đó là điều quan trọng nhất. Bây giờ, chị nên tiếp tục kiên nhẫn nói chuyện với anh ấy. Nếu cần, chị có thể nói chuyện với ông bà nội của cháu - tức ông bà sui gia cũ.
Mình có thể nói theo hướng tạo điều kiện để cặp vợ chồng mới được toàn tâm toàn ý xây dựng hạnh phúc gia đình họ, mình có thể đỡ đần để giảm bớt gánh nặng cho người mẹ vừa thai nghén sinh nở vừa phải chăm lo con riêng của chồng.
Có thể nhân cớ nào đó, ví dụ sắp tới cháu ngoại chị sẽ vào lớp Một, chị hỏi con rể xem định sắp xếp chuyện học cho con thế nào, việc đưa đón con có vất vả quá không…
Hay là lúc này thử cho cháu về chơi với ông bà chừng một hai tuần để xem cháu có thích không. Mai kia cháu đi học, nếu cần thì ông bà giúp đưa đón cháu, lo cho cháu ăn ngủ học hành. Đến khi nào em bé bên ấy chào đời, thu xếp việc nhà ổn thỏa, con rể có thể đón con gái về lại.
Mình có thể thử một vài thay đổi nho nhỏ vậy, để xem môi trường nào tốt cho cháu hơn. Dẫu ông bà thương cháu, nuôi cháu như nuôi con nhưng có những điều chỉ cha mẹ ruột mới có thể mang lại cho con, ông bà cũng không thể làm được hết mọi chuyện.
Vợ chồng chị lắng nghe, quan tâm hỏi han yêu thương cháu ngoại nhưng cần tránh tạo ác cảm với mẹ kế của cháu. Trẻ con rất nhạy, sẽ dễ dàng nhận ra thế đối lập và biết ngay đâu là đồng minh của mình. Những suy nghĩ này của bé sẽ làm khó cho người mẹ kế, cũng có thể khiến tình cảm hai bên diễn biến xấu hơn.
Chúc chị khéo léo trong cuộc thu xếp giữa những người lớn để thực sự chăm lo được cho cháu ngoại.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Kim Phụng (Q.12, TP.HCM): Khi lớn hơn, cháu sẽ tự quyết
Tôi cũng là đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh như cháu ngoại cô hiện tại. Tôi sống với ba và dì, dù đôi lúc cũng muốn về sống với ngoại cho yên. Mãi đến năm học lớp 10, tôi mới được về sống với ngoại và điều đó là do tôi tự quyết định.
Từ hoàn cảnh của mình, tôi nghĩ khi cháu cô đủ lớn, con bé sẽ biết chọn nơi nào khiến mình vui hơn, hạnh phúc hơn. Bây giờ cô chú không nên giành nuôi cháu vì có thể khiến mọi thứ thêm căng thẳng.
Để giảm bớt những lo lắng, cô chú có thể dạy cháu ngoại khả năng ứng biến, kêu cứu nếu thực sự có việc không may xảy ra. Đừng cố gắng chứng minh rằng để cháu về ở với ngoại sẽ tốt hơn.
Cô chú cũng nên kết thân với mẹ kế của cháu, qua lại với nhà ông bà nội để giữ mối thâm tình, cùng bàn với nhà nội cách chăm cháu tốt nhất, thậm chí nhờ bên nội tác động thêm việc nên để bé về sống với nhà ngoại. Trong việc này, cô nên từ từ, thận trọng; đừng quá căng thẳng.
Thu Hường (H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi): Không phải mẹ kế nào cũng xấu
Có khi nào anh chị đang quá chiều cháu mình và đưa mẹ sau của bé vào thế khó, thậm chí gieo vào đầu cháu hình ảnh một người mẹ kế xấu tính? Thay vì vậy, anh chị hãy xem như mình thương cháu mình và chia sẻ khó khăn với gia đình con rể bằng cách thu xếp đón đưa cháu đến trường thay cho họ; cuối tuần đón cháu về nhà chơi.
Nhân đó, anh chị nói với cháu về niềm vui có em, về những điều rất thú vị khi có em. Anh chị cứ từ từ, chờ mẹ sau của cháu sinh. Biết đâu khi đó cả nhà bận rộn vì việc chăm em bé nên sẽ tự gửi con cho ngoại.
Ý tôi không phải mình bị động ngồi chờ mà hãy luôn thể hiện với con rể ý định đó, chứng minh việc cháu ở với ai sẽ tốt hơn. Đàn ông thường muốn chứng minh họ thương con dù đã lập gia đình mới.
Còn nữa, tôi cũng là mẹ kế và tôi thực sự thương con chồng. Không phải mẹ kế nào cũng xấu. Hãy bình tĩnh chị nhé!
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn