Con gái là con người ta?

07/08/2020 - 05:47

PNO - Chị không nỡ giận chị Hai, cũng không trách má, nhưng sâu thẳm cõi lòng, nỗi tủi buồn cứ nhen lên. Chị cũng là con của má, phải đâu bụi chuối lượm về như lối xóm trêu đùa…

Chị cất nhà trên đất của má. Đất đó không phải má cho, mà chị mua lại trong lúc má cần tiền thanh toán món nợ “dại gái” của anh Hai. Má ở với anh chị Hai nhưng ăn cơm bên nhà chị, với lý do chị Hai cả ngày bù đầu với ruộng vườn, về nhà thì bù đầu với ba đứa nhỏ. Nhà chị có “hai đứa nhỏ”, chị là giáo viên nên rảnh hơn. May, chồng chị lành tính nên chẳng bao giờ so bì.

Anh Hai làm nông, mặt mũi cũng bình thường, vậy mà không hiểu sao cũng có gái mê. Cô ấy còn sinh cho anh hai đứa con. Vài ba ngày, chị Hai lại sang ngồi bên thềm nhà chị, kể lể: “Hồi sáng ảnh mới xúc mấy giạ lúa mang cho con kia”, “Ảnh mới tháo ti vi mang đi bán”, “Ảnh lấy trộm đôi bông cưới hồi nào không hay”…

Má chị ngồi lặng, cằm gác lên hai gối, như thể cố thu nhỏ mình để không phải nghe những lời nặng trĩu của chị Hai. Lần đầu tiên, chị thấm thía câu “con dại cái mang” của ông bà mình.

Chị hỏi dò chị Hai: “Muốn đánh ghen không, em chở chị đi?”. Chị Hai xua tay: “Thôi, sợ đánh con kia không lại, còn bị nó đánh”. Có lần, nghe chị Hai con cà con kê kể khổ, chị quạu: “Anh Hai không ra gì, chị ly hôn cho ảnh sáng mắt, chị cũng hết khổ”. Chị Hai ngó chị ngơ ngác, như thể hai từ ly hôn chưa từng có trong từ điển của chị. Má nạt: “Bây xúi bậy không hà”. Chị giận thì nói vậy thôi, lẽ nào chị muốn anh Hai tan cửa nát nhà.

Từ nhỏ, chị đã ở vị trí lu mờ cạnh anh Hai. Ba má lấy nhau sáu năm mới sinh được anh nên nâng niu anh như ngọc ngà. Trên chị còn có chị Ba, chị Tư. Chị chào đời như sự thêm vào thừa thãi nên ba má dường như quên mất sự có mặt của chị. Ba buôn lúa, mỗi chuyến hàng về ba luôn có quà cho anh Hai. Anh 14 tuổi, ba bán năm cây vàng sắm cho anh chiếc xe tên lửa cáu cạnh. Xế chiều, ba chị em gái còn còng lưng ngoài ruộng, anh Hai đã lên đồ láng mướt, xách xe đi chơi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ba mất đột ngột, cảnh nhà rơi vào khốn khó. Anh Hai từ địa vị công tử phải tập làm quen với ruộng vườn. Tiếng là ra ruộng, nhưng anh chỉ chắp tay sau mông đi rảo quanh bờ đê. Hứng lên thì lội xuống dí mấy con cá lóc đem về nhậu. Mùa gặt, ba em gái làm bở hơi tai. Anh ôm vài bó lúa đã dựa bờ đê thở dốc…

Chị thi đậu cao đẳng sư phạm, má nói: “Con gái học chi nhiều rồi cũng gả chồng, ở nhà làm ruộng tiếp má”. Chị cãi má, tự làm thêm kiếm tiền đi học. Nhiều bữa không có việc, chị vay bạn bè xung quanh chứ cũng không dám xin tiền má…

Anh 25 tuổi, má cưới vợ để anh tu chí làm ăn. Chẳng thấy anh làm ăn gì nhưng quanh năm có người tới nhà đòi nợ. Anh nợ tiền nhậu, cờ bạc, cho “em út”… Anh vay lãi cao, mở quán nhậu cho bồ. Má bán đất lần hồi cho anh trả nợ. Chị Ba, chị Tư giận má thiên vị, dung túng anh Hai làm càn nên ít về nhà. Trong ngoài của má, chị gánh vác, nhưng má nhất định không sang ở nhà chị vì sợ lối xóm cười chê anh là trai mà không nuôi nổi má.

Chị Hai thỉnh thoảng mượn chị đôi ba triệu, tiền dồn lại đã là con số lớn. Lúc có tiền, chị Hai giấu giếm không trả. Má nói: “Tiền đó nuôi cháu mày chớ ai”. Chị không nỡ giận chị Hai, cũng không trách má, nhưng sâu thẳm cõi lòng, nỗi tủi buồn cứ nhen lên. Chị cũng là con của má, phải đâu bụi chuối lượm về như lối xóm trêu đùa… 

Đức Phương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI