Con gái đứng ra cưới vợ cho cha

27/09/2019 - 12:06

PNO - Gần mười năm nay, ba một mình nuôi Dung khôn lớn. Bỗng một ngày ba cho Dung xem bức ảnh người phụ nữ và dè dặt hỏi con gái có chịu gọi cô ấy là dì và sống chung nhà với nhau không.

Người phụ nữ gầy, nhỏ dáng, chỉ khoảng mét rưỡi. Dung giống mẹ, ốm và cao gần mét bảy, vì vậy Dung cảm thấy cô ấy nhỏ bé. Ba nói cô từ quê lên thành phố học rồi ở lại làm việc. Dung hơi lo. Cô ấy trẻ hơn ba nhiều. Cô có thương ba thật lòng không, hay chỉ vì thấy nhà Dung có điều kiện tốt?

Khi Dung bảy tuổi, mẹ đón sau giờ tan trường bằng xe máy. Tai nạn xảy ra, Dung bị thương nhẹ, còn mẹ qua đời. Sớm mồ côi mẹ nên Dung chín chắn, biết nghĩ và biết lo toan mọi thứ trong gia đình.

Con gai dung ra cuoi vo cho cha
Dung đã đứng ra cưới dì Hà cho ba. Ảnh minh họa

Lần đầu đến làm quen, dì Hà hơi nhút nhát. Dì có vẻ rất nể cô chủ nhà. Dung nhận ra dì lúng túng trước vóc dáng và sự điềm tĩnh của Dung. Thoáng nghĩ đến câu “mẹ ghẻ con chồng”, Dung cười thầm. Mới tối hôm qua Dung còn hơi lo nhưng bây giờ đã cảm thấy thoải mái. Người phụ nữ này không thể nào ức hiếp được Dung. Mặc dù vẫn giữ khoảng cách nhất định để quan sát và đánh giá, nhưng Dung đã có chút thiện cảm với bạn gái của ba.

Dì Hà đồng ý về nhà chồng mà không có một đám cưới. Ba nói lấy vợ lần thứ hai nên không cần tiệc tùng phô trương hay làm phiền họ hàng, bạn bè. Nhưng đây là cuộc hôn nhân đầu tiên của dì Hà, nếu không có một đám cưới thì tội nghiệp dì ấy. Dung bàn với ba, ba bàn với ông bà nội. Mọi người trêu Dung mới chừng ấy tuổi đầu đã biết lo cưới vợ cho cha.

Dung lo “cưới vợ cho cha” thật. Chính tay Dung chọn lựa trang sức cô dâu, trang hoàng nhà cửa, sắp xếp phòng tân hôn. Dung cũng cùng bà nội lên kế hoạch đặt nấu các món cho bữa tiệc, chọn thức uống, viết thiệp mời, chuẩn bị âm thanh ánh sáng, phân công họ hàng tiếp đãi khách… Lễ cưới diễn ra rộn ràng, vui vẻ, tốt đẹp. Dường như khách khứa chú ý đến Dung nhiều hơn cả cô dâu. Họ khen Dung có tài quản lý và sớm trưởng thành. 

Khi sự rộn ràng trôi qua, nhà chỉ còn lại ba người, dì Hà dè dặt nói nhỏ: “Dì cảm ơn Dung”. Giọng dì xúc động như muốn khóc. Dung cũng hơi nao lòng nhưng cố gắng tỏ thái độ vui vẻ: “Dạ, người một nhà, có gì đâu”. 

Suốt một thời gian dài, Dung vẫn nói trống không với dì Hà như thế. Một tiếng gọi “dì” sao thật khó bật ra. Từ ngày có dì Hà, Dung chỉ lo học, không cần vào bếp nấu ăn hay làm việc nhà. Dì nói năm cuối cấp, Dung phải cố đạt kết quả tốt để vào đại học, những thứ khác để dì lo. Buổi sáng Dung thức dậy đã có sẵn phần điểm tâm trên bàn, chiều đi học về đã nghe thơm lừng gian bếp. Nhà cửa lúc nào cũng sạch bóng, thoáng đãng, và luôn có các bình hoa tươi trên bàn ăn, phòng khách. Dung không biết dì lấy đâu thời gian để làm hết chừng ấy việc, bởi dì vẫn đều đặn ra khỏi nhà lúc bảy giờ sáng để đi làm như mọi người.

Năm cuối cấp, lịch học, lịch ôn tập dày đặc. Dung thường xuyên thức khuya và buổi sáng phải dậy sớm, nên thỉnh thoảng quáng quàng quên trước quên sau. Có hôm học xong hai tiết mới sực nhớ quên vở bài tập cho môn học tiết cuối. Tối hôm trước ráng thức làm hết các bài thầy yêu cầu, bây giờ bỏ quên vở ở nhà, lỡ bị thầy gọi kiểm tra thì coi như xong. Công việc của ba thường rất căng thẳng, không thể dừng giữa giờ. Vào thế kẹt, Dung đành gọi điện cho dì Hà. Vậy mà chỉ nửa tiếng sau là dì có mặt ở cổng trường với đầy đủ các thứ Dung muốn, kèm một bịch nước cam vắt mát lạnh. 

Một lần khác, trường mời họp phụ huynh, Dung đã báo với ba nhưng quên nhắc vào giờ chót. Hai cha con cùng đãng trí. Lúc đến trường, thấy cha mẹ của các bạn tập trung ở văn phòng Dung mới ngớ ra. Lại phải cầu cứu dì Hà. Hơi lo lắng vì dì chưa từng biết về chuyện học hành của mình nên Dung đứng ngoài cửa sổ cố lắng nghe. Thầy chủ nhiệm ngạc nhiên khi người đi họp không phải là ba như mọi khi. Thầy hỏi, dì Hà thản nhiên bảo dì là mẹ của Dung. 

Dung lẳng lặng rời văn phòng, miệng mỉm cười. Tiếng mẹ từ dì Hà nghe sao thân thương quá đỗi. Dung vẫn chưa gọi được dì Hà là dì. Bây giờ Dung đổi ý, muốn gọi dì là mẹ. 

Quỳnh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI