Con đường yêu thương

05/12/2013 - 11:35

PNO - PN - “Chuyện ở vậy nuôi con, phụng dưỡng ba má chỉ là đạo làm dâu. Xem như tôi đã đi hết “con đường” của cuộc đời một cách bình thường…”. Vừa khoát tay xua bầy gà khỏi đám thóc đang phơi trước sân, chị Lâm Thị Diệu,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Con duong yeu thuong

Bà Nguyễn Thị Cầm cùng các cháu nội, ngoại trong lễ mừng thọ của bà

LÀM DÂU NHƯ SỐNG Ở NHÀ MÌNH

17 tuổi, chị Diệu lấy chồng, là bạn học chung, chơi chung một thời bên bờ Kinh Cũ, Khánh Xuân (tên trước đây của xã Trần Hợi). Anh tên Mai Truyền Thống, là con trai út của vị chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước.

Bà Nguyễn Thị Cầm, 84 tuổi, má chồng chị Diệu kể: “Chồng tôi là ông Mai Hữu Chiến, làm chủ tịch huyện này đến 10 năm, nhưng gia đình tôi cơ cực chẳng kém người nông dân nào ở xứ này. Tám đứa con, ba lần cháy nhà, bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy khổ thế nào. Con Diệu lấy chồng trúng nhà “có tiếng mà không có miếng”, chồng nó lại sớm ra đi. Cuộc đời nó thấy thương lắm”.

Diệu làm dâu nhà má Cầm tính ra đã 28 năm, nhưng chỉ sống được với chồng vỏn vẹn tám năm. Chồng chị mất sau một cơn tai biến, để lại hai đứa con thơ năm và bảy tuổi. Chị Huỳnh Kim Giao, người chị bạn dâu thứ hai của chị Diệu kể: “Có lúc cả nhà họp lại, nói Diệu xem ưng ai thì đi bước nữa để đỡ đần cuộc sống. Ba má, anh chị em trong nhà cũng tìm người tốt giới thiệu. Nhưng Diệu chẳng thèm ngó đám nào, có lúc còn nổi giận, rồi ngồi khóc như mưa. Nhà mẹ ruột chỉ non cây số nhưng nó bảo sẽ ở đây phụng dưỡng ba má của tôi”. Chị Diệu thật thà: “Hồi nghe tôi ưng anh ấy, nhiều cô ghen tỵ lắm, nói làm dâu nhà chủ tịch sướng. Tôi thì lo lắng, vì gia đình anh danh giá mà tôi chỉ là con nhà nông, không biết về “sống” có nổi không. Nhưng rồi tôi cũng hòa vào cuộc sống gia đình dễ dàng như… ở nhà mình”.

Bà Cầm rưng rưng: “Nó như con gái vậy, sao tôi không thương cho được”. Bà Cầm kể, Diệu sinh đứa con thứ hai ngay năm thất mùa, không có gạo ăn, nên mới non ngày Diệu đã ra đồng lắc từng bông lúa sót, lội bùn hái bông súng, luộc làm rau. Anh Thống đau bệnh, nằm một chỗ, Diệu vẫn không nản chí vì nghĩ cứ ráng làm, miễn sao chồng đâu, vợ đó. Nhưng rồi cơn bạo bệnh đã cướp mất sinh mạng của chồng chị. Hơn một năm sau, cha chồng phát bệnh tiểu đường, chị Diệu thành người trụ cột trong gia đình.

Con duong yeu thuong

Chị Lâm Thị Diệu chăm sóc má chồng

THƯƠNG CÁI ĐỨC CỦA CHA

Ở xứ ruộng, một gánh hai con thơ với mấy công đất trồng cây gì cũng còi cọc đã là gian khổ, lại thêm cảnh cha chồng bệnh tật, mẹ chồng nay yếu, mai đau, nhưng bà Cầm chưa bao giờ nghe con dâu than vãn một lời. Ngược lại, chính chị Diệu là người giúp làm vơi đi nỗi đau mất con, nỗi ưu tư bệnh tật trong lòng cha mẹ chồng. Biết bệnh của cha chồng chỉ có kiêng ăn là tốt nhất, chị Diệu tìm học cách thay đổi thực đơn cho cha. Dân Nam bộ ăn món gì cũng ngọt, giờ phải kiêng ăn đường, đi lại cũng khó khăn nên có lúc ông Chiến thấy mình như không sống nổi.

Bệnh tật nhưng ông Chiến không chịu ngồi yên, cứ thấy nước lên là vác cuốc khai mương, thông rãnh… Khổ nỗi bệnh tiểu đường khiến các vết thương lâu lành, mỗi lần làm động lại tấy sưng, đau nhức. Những lúc đó ông thường bức bối, la mắng mọi người. Người bị la nhiều nhất luôn là chị Diệu. Chị im lặng nghe cha rầy, dù mình chẳng lỗi gì. Chị nói: “Tôi biết cha la vì cha đau quá. Tôi không làm gì giúp cho cha dịu cơn đau được, thì thôi để cha la vậy!”.

Con duong yeu thuong

Chị Lâm Thị Diệu trong ngày con trai cưới vợ

Hơn 20 năm nuôi cha chồng bệnh, chị Diệu không nhớ nổi đã phải khăn gói bao nhiêu lần vào ra các bệnh viện từ Cà Mau tới TP.HCM. Tám người con, bảy dâu rể, hàng chục cháu nội ngoại, nhưng ông Chiến chỉ ưng mỗi Diệu chăm sóc mình. Chị Kim Giao kể: “Cha khó tính lắm. Có khi vô bệnh viện thấy em Diệu chăm cha mà tôi không cầm được nước mắt. Vết thương ở đùi cha hoại tử vào tận xương, cha kêu đau nhức, em Diệu liên tục đứng bóp chân tay cho cha đỡ đau mà chưa bao giờ than mệt…”. Chị Diệu tâm sự: “Bao nhiêu năm chăm cha, tôi sợ nhất là lần phải cầm cái đèn rọi cho bác sĩ cưa chân cha. Ngày ngày, cha la đau nhức, nhưng khi bị đoạn chi, bao nhiêu máu tuôn, cha cũng chỉ im lặng, nhắm mắt…”. Hỏi vì sao thương cha mẹ chồng đến vậy, chị giải thích, thương vì đức độ của ông bà. Chị kể: “Cha tôi nghiêm khắc lắm. 10 năm làm chủ tịch huyện, cha chưa bao giờ nhận biếu xén, quà cáp gì của ai. Tôi nhớ có lần nghe tin anh Thống bệnh, có người mang biếu mấy giạ thóc, cha về bắt tôi mang trả lại. Cha sống mẫu mực vô cùng, đi làm thì thôi, về nhà là cha xắn quần, vác cuốc ra đồng với vợ con. Trong nhà, mấy anh chị em ai cũng được cha cho học hành. Chồng tôi không ham học nên cha nói: “Cho nó làm nông dân vậy”. Vợ chồng chúng tôi là út, được hưởng mấy công đất ruộng nhiễm mặn, cấy cày trầy trật, cha khích lệ: “Ráng lên đi con, sống liêm khiết như vậy, con cháu sẽ được nhờ”. Càng sống trong gia đình, tôi càng ngưỡng mộ cha mẹ. Đó là lý do lớn nhất vì sao tới giờ tôi vẫn ở đây”.

Tình yêu thương dành cho người chồng quá cố, trách nhiệm với các con thơ, bổn phận với cha mẹ chồng đã giữ chân chị Diệu ở lại ngôi nhà đã không còn người đàn ông trụ cột, thay chồng làm chỗ dựa cho cả gia đình. Điều đó đối với chị rất bình thường, vì chị thực hiện nó bằng tất cả yêu thương. Có lẽ nhờ vậy, cây lành sinh quả ngọt, hai con của chị Diệu hôm nay đều thành đạt. Con gái Mai Diễm Trinh tốt nghiệp trung cấp kế toán, con trai Mai Trung Trực là kỹ sư tin học, đều đã có gia đình và rất hiếu thảo với mẹ. Bà Cầm nói: “Có nàng dâu như Diệu là họ nhà tôi có phước lớn!”.

 NGHI ANH 

Bài 5: vẹn nghĩa tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI