PNO - PN - Chuyện tác phẩm văn học Việt Nam được phát hành ở nước ngoài hiếm hoi đến mức, một sự kiện liên quan đến vấn đề này, dù cũ ở xứ người, vẫn luôn như mới ở ta. Mới đây, cuốn tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận...
Dò đường
Sự việc trên gợi lại câu chuyện xuất khẩu văn học Việt Nam mà Hồ Anh Thái là một trong những tác giả liên quan. Tháng 3/2012, Công ty sách Chibooks khởi xướng dự án xuất khẩu văn chương Việt, công bố làm đại diện cho 11 nhà văn Việt Nam là Hồ Anh Thái, Bùi Anh Tấn, Phan Hồn Nhiên... bán bản quyền tác phẩm ra nước ngoài. Nhưng đến nay, sau hơn một năm, với hơn 40 tác phẩm được “ký gửi”, đơn vị này vẫn chưa bán được tựa nào. Nhà xuất bản (NXB) Trẻ cũng lên kế hoạch dịch tác phẩm của nhà văn Sơn Nam sang tiếng Anh, nhưng chỉ mới đến khâu chuyển ngữ một vài cuốn đã rơi vào tình trạng án binh bất động. Tác phẩm văn học trong nước thời gian qua thỉnh thoảng bước ra được bên ngoài hầu hết đều theo lối “tiểu ngạch”. Hoặc, từ mối quan hệ của đơn vị làm sách, tác giả, hoặc từ dịch giả, NXB nước ngoài thấy thú vị với tác phẩm, tác giả nào đó. Các tác phẩm Việt Nam được dịch ra ngôn ngữ khác phần lớn là văn học cổ điển như Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi, hoặc gần hơn là Hương rừng Cà Mau, Chùa Đàn, Ông cố vấn... Nhìn chung, nếu không phải văn học cổ điển thì cũng là những tác phẩm viết về chiến tranh, mà Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh được dịch ra nhiều thứ tiếng là minh chứng rõ nhất.
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Lê My Hoàn, Trưởng phòng Truyền thông NXB Trẻ cho rằng: “Nền văn học của ta quá nhỏ bé trên bản đồ văn chương thế giới, các đơn vị Việt Nam vẫn giới thiệu sách với bên ngoài nhưng chưa được chú ý lắm. Chuyển ngữ các tác phẩm là để mang chuông đi đánh xứ người, nhưng chuông của mình nhỏ quá. Đối tác nước ngoài có quan tâm thì cũng chỉ ở đề tài chiến tranh và khi đó họ thường tự dịch, thực hiện luôn”.
Theo thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam, từ trước đến nay chỉ có khoảng hơn 500 tác phẩm văn học trong nước được dịch sang ngôn ngữ khác, một con số rất khiêm tốn so với số tựa sách được xuất bản hàng năm của Việt Nam (năm 2012 là 28.009 tựa). Cỡ đơn vị xuất bản hàng đầu cả nước như NXB Trẻ với số lượng sách phát hành hàng năm cao (năm qua có 1.619 cuốn), nhưng cũng chỉ mới thử nghiệm dịch hai tựa Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần) và Oxford thương yêu (Dương Thụy) sang tiếng Anh vào năm 2011. Một đơn vị lớn khác - NXB Kim Đồng, thì tham gia “nước đôi” bằng cách in song ngữ Việt - Anh, Việt - Pháp một số truyện tranh. Công ty sách Phương Đông cũng thực hiện tập truyện ngắn tiếng Anh của tác giả Di Li mang tựa The black diamond cuối năm ngoái. Những động thái này chỉ mang tính chất thăm dò, nhỏ lẻ.
Một số tác phẩm văn học Việt đã được “xuất khẩu”
Chông gai vẫn bước
Bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks đưa ra lý do văn chương nội địa bị cản đường vượt ranh giới quốc gia là vì: “Chi phí chuyển dịch cao, mất nhiều thời gian, trong khi văn học là lĩnh vực khó dịch, thị trường xuất bản ở nhiều nước cũng gặp khó khăn nên hạn chế mua bản quyền”. Cái khó cụ thể, phổ biến nhất mà các đơn vị từng tham dự các hội chợ sách, bản quyền quốc tế gặp phải, chính là khâu dịch thuật. Các đơn vị đối tác đều đòi hỏi sách thành phẩm với các thứ tiếng thông dụng Anh, Pháp, thậm chí có nơi còn đòi tác phẩm in sẵn... tiếng Thái hoặc tiếng Hoa. Trong khi thực tế, các sản phẩm giao dịch, trao đổi của dân làm sách Việt Nam đều là bản tiếng Việt mang theo từ trong nước.
Giải pháp được các đơn vị vận dụng là nhờ đến các dịch giả gốc Việt đang sinh sống ở các nước có ngôn ngữ cần chuyển dịch. Nhưng, cách này không phải lúc nào cũng hiệu quả, vì hoặc dịch giả từ chối, hoặc đơn vị làm sách không đảm đương nổi chi phí do thù lao dịch ngược cao gấp bốn-năm lần so với dịch xuôi. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nguyên Trưởng ban Khai thác đề tài và giao dịch tác quyền NXB Trẻ tiết lộ, tác phẩm của Sơn Nam được một dịch giả tên tuổi người Việt hiện sống ở nước ngoài dịch sang tiếng Anh, nhưng chưa đạt vì giọng văn của “ông già Nam bộ” rất đặc thù, khó diễn đạt tương đương sang ngôn ngữ khác. Cuốn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ do một người Việt - Trương Tiếp Trương dịch, nhưng cuốn thứ hai - Oxford thương yêu, vai trò này được chuyển sang người bản xứ - Elbert Bloom đảm nhiệm. Nhà văn Di Li tự chuyển ngữ cuốn sách của mình, song phải nhờ bạn văn nước ngoài hiệu đính.
Đại diện NXB Trẻ cho biết, dự kiến trong hè này sẽ cho ra mắt cuốn sách tiếng Anh thứ ba, chuyển ngữ từ tác phẩm Nhắm mắt thấy Paris của Dương Thụy. Trong khi đó, dự án xuất khẩu văn chương của Chibooks được điều chỉnh theo hướng vẫn chào bán “được chừng nào hay chừng đó” các tác phẩm văn học, nhưng ưu tiên chuyển ngữ sớm những tác phẩm về văn hóa Việt Nam để tiếp cận trước, với hai cuốn Đi ngang Hà Nội và Đi dọc Hà Nội (Nguyễn Ngọc Tiến) đang được dịch sang tiếng Hoa, dự kiến ra mắt năm 2014. Cũng trong năm tới, các tác phẩm Blogger của Phong Điệp, Song song (Vũ Đình Giang), Thoạt kỳ thủy (Nguyễn Bình Phương)... được NXB Reveneuve thông báo sẽ phát hành bản tiếng Pháp.