Con đường từ viêm họng đến hở van tim

20/12/2017 - 09:00

PNO - Gần đây, nhiều trẻ đến bệnh viện khám vì có các dấu hiệu mệt, ho kéo dài, viêm phổi, phù phổi… nhưng bác sĩ kiểm tra lại phát hiện tình trạng hở van tim bất thường.

Nguyên nhân hở van tim ở những bệnh nhi này hoàn toàn không phải bẩm sinh mà do biến chứng từ một số bệnh lý nhiễm trùng kéo dài.

Mới đây, bé P.T.K. (3 tuổi, Q.10, TP.HCM) được mẹ đưa đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP.HCM để khám tai mũi họng. Bác sĩ (BS) phát hiện tim bệnh nhi (BN) có âm thổi bất thường nên chỉ định siêu âm. Kết quả, BN bị hở van tim hai lá. Vì mức độ còn nhẹ, chưa có triệu chứng rõ ràng nên gia đình không biết. BS đã giải thích, nguyên nhân gây hở van tim là từ căn bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn tán huyết beta nhóm A. 

Con duong tu viem hong den ho van tim
Nhiều trẻ đi khám viêm họng thì phát hiện bị biến chứng kéo dài gây hở van tim

Đây là bệnh rất dễ bị phụ huynh bỏ qua không điều trị dứt điểm vì nghĩ là viêm họng bình thường. Loại liên cầu khuẩn này có cấu trúc tế bào giống cấu trúc tế bào của van tim, cơ tim nên khi cơ thể của trẻ tự tạo kháng thể chống lại chúng thì đồng thời cũng “chống” luôn cả tế bào cơ tim. Hậu quả cuối cùng là trẻ bị hẹp, hở van tim.

Mỗi năm, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 20 ca hở van tim do liên cầu khuẩn tán huyết beta nhóm A. Theo BS Đỗ Nguyên Tín - khoa Tim mạch, dân gian thường gọi trẻ bị biến chứng tim do liên cầu khuẩn là mắc bệnh phong thấp, hoặc “thấp khớp đớp tim”, nhưng cách gọi đó là không chính xác.

Khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn tán huyết beta nhóm A, trẻ sẽ có biểu hiện đau khớp thoáng qua; sang giai đoạn cấp tính, trẻ bị viêm cơ tim, viêm van tim, hậu quả là hở/hẹp van tim. Khi đã diễn tiến đến hở và hẹp van tim là bệnh tình của trẻ đã vào giai đoạn biến chứng hậu thấp. 

Con duong tu viem hong den ho van tim
Ảnh: Internet

Liên quan đến các biến chứng ảnh hưởng đến tim từ bệnh lý nhiễm trùng ở trẻ, còn phải kể nguyên nhân do siêu vi. Siêu vi có rất nhiều loại, tuy ít gây biến chứng nhưng một khi đã tấn công vào tim sẽ khiến BN dễ rơi vào tình trạng nguy kịch.

Siêu vi hủy hoại tế bào cơ tim một cách nhanh chóng, làm cơ tim hóa xốp, chức năng co bóp yếu đi. Diễn tiến bệnh trở nặng rất nhanh. Một số trẻ ở nhà chỉ mệt sơ sơ nhưng đưa vào cấp cứu, chỉ cần truyền nước cũng đủ khiến tim quá tải, gây tử vong lập tức. Theo BS Tín, những trường hợp viêm cơ tim do siêu vi trùng có tỷ lệ tử vong rất cao.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị siêu vi trùng tấn công vào tim cũng bó tay. Nếu độc lực của siêu vi trùng không quá mạnh, chưa ăn vào cơ tim mà mới chỉ làm hư hệ thống dẫn truyền trong tim thì vẫn có thể can thiệp bằng cách đặt máy tạo nhịp. Mỗi năm, BV Nhi Đồng 1 đặt máy tạo nhịp cấp cứu cho khoảng 30 BN, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho ít nhất 70 BN.

Con duong tu viem hong den ho van tim
Ảnh: Internet

Mới đây, một bé gái 4 tuổi (Q. Tân Phú, TP.HCM) được đưa vào BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng sốc tim, phù phổi cấp. Kiểm tra thấy BN có dấu hiệu nhiễm siêu vi trùng, cơ thể đang có phản ứng viêm, BS lập tức cho truyền kháng viêm liều cao 3 ngày. Hiện BN đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải gánh chịu di chứng hậu thấp (hở van tim). 

Để phòng tránh hở van tim ở trẻ do bệnh lý nhiễm trùng, BS Tín lưu ý phụ huynh phải luôn điều trị dứt điểm mỗi lần con bị viêm họng. Với những trẻ đã bị biến chứng hở van tim, phải chủ động cho uống kháng sinh liều dự phòng theo chỉ định của BS. 

Hở van tim do biến chứng từ bệnh lý nhiễm trùng ở trẻ em hay rơi vào trẻ khoảng 3-4 tuổi; thường thì phụ huynh không hề hay biết, chỉ tình cờ phát hiện khi đưa con đi khám ho, sổ mũi…

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI