Những con đường "quen mà lạ" ở Sài Gòn:

Con đường "nhiều tuổi" dễ bị gọi sai tên

29/12/2020 - 06:54

PNO - Tuy thuộc vào hàng những con đường lâu đời nhất Sài Gòn nhưng đường Chu Mạnh Trinh vẫn là cái tên xa lạ với nhiều người, đôi lúc nó còn bị lẫn lộn với tên đường Phan Châu Trinh.

Những con đường "quen mà lạ" ở Sài Gòn

Những con đường trong lòng thành phố, ngỡ đã thân quen nhưng một lúc nào đó dừng lại quan sát, suy tư, tìm hiểu vẫn thấy còn bao điều chưa biết. Báo PNO sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc câu chuyện về những con đường "quen mà lạ" ở Sài Gòn. Hẳn bạn sẽ thêm yêu những con đường mình vẫn đi qua mỗi ngày hoặc chợt thấy con đường quen thuộc bỗng đẹp hơn bởi chính những điều mộc mạc được hồi tưởng qua những ký ức của người đương thời.

- Có một con đường Hồng Bàng không phải là đại lộ

- Con đường có hàng me thơ mộng nhất Sài Gòn

- Khu phố của người độc thân ngày ấy, bây giờ ra sao?

- Con đường ngắn nhất, chỉ có một số nhà

Đường Chu Mạnh Trinh (quận 1) nằm kẹp giữa nhà thương Đồn Đất (Bệnh viện Nhi Đồng 2) và đường Cường Để (Tôn Đức Thắng). Tuy nằm trong khu vực nhộn nhịp gần cảng Ba Son nhưng với nhiều người, đây là một trong những con đường yên tĩnh nhất Sài Gòn. Không hẻm, không nhà cửa chen chúc, đường Chu Mạnh Trinh hôm nay vẫn như đang "sống" ở ngày hôm qua.

Ngã ba Chu Mạnh Trinh - Nguyễn Trung Ngạn, bên kia là Nhà nguyện Thánh Giuse Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn
Ngã ba Chu Mạnh Trinh - Nguyễn Trung Ngạn, bên kia là Nhà nguyện Thánh Giuse Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn

Theo bà Sáu (84 tuổi), chủ một tạp hóa nhỏ trên đường Chu Mạnh Trinh cho biết, nơi bà đang buôn bán ngày xưa là dãy nhà thuộc nhà thương Đồn Đất. Dãy nhà này khá đặc biệt, với phần hầm được xây bằng đá.

Trước năm 1975, đường Chu Mạnh Trinh là đường cấm nên khá hẻo lánh. Hai năm sau giải phóng, bà Sáu mới bắt đầu chuyển về đây buôn bán. Xóm chợ nhỏ ngoài nhu yếu phẩm còn có bán đồ Bắc. Đây được xem là một trong hai chợ bán đồ Bắc đầu tiên ở Sài Gòn cùng chợ trên đường Hai Bà Trưng.

Bà Sáu (84 tuổi) sống một mình cùng tiệm tạp hóa của mình
Bà Sáu (84 tuổi) sống một mình trong tiệm tạp hóa 

Bà Sáu còn cho biết, ngôi chợ này ban đầu họp ở đường Thi Sách. Tuy nhiên, sau nhiều lần chính quyền dọn dẹp, các tiểu thương đã kéo về đây, tập trung chủ yếu ở ngã ba Chu Mạnh Trinh - Nguyễn Trung Ngạn.

Ngoài bán đồ Bắc, mùa nào thức ấy, các cửa tiệm trên đường Chu Mạnh Trinh luôn là điểm đến hấp dẫn thực khách
Ngoài bán đồ Bắc, mùa nào thức ấy, các cửa tiệm trên đường Chu Mạnh Trinh luôn là điểm đến hấp dẫn thực khách

Sinh ra và lớn lên trên ở đây, trong ký ức của chú Tùng (55 tuổi), con phố này vắng lặng và yên bình. Chợ Chu Mạnh Trinh - Nguyễn Trung Ngạn khi ấy là ngôi chợ chỉ dành cho nhà giàu, giới công chức. Dân lao động nghèo hiếm khi nào mua đồ ở đây. Chợ này có món bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng mà bất kỳ ai cũng biết, đến nay vẫn còn bán cả ngày.

 

Chú Tùng (55 tuổi) sống trong một con hẻm nhỏ cạnh Bệnh viện Nhi đồng 2
Chú Tùng (55 tuổi) sống trong một con hẻm nhỏ cạnh Bệnh viện Nhi đồng 2

Đến những năm 1970-1980, con đường này mới có lưa thưa vài hộ dân. Ban đầu, những tiệm cắt tóc mở ở lề đường, sau này người dân mới lập xóm dựng nhà. Lúc trước, trên đường Chu Mạnh Trinh có hai hàng cây dầu cao lớn, che rợp cả đoạn đường từ Nguyễn Du đến Lý Tự Trọng. Còn hàng dầu ngày nay là được trồng lại gần đây.

Chú Tùng cho biết, ngày trước khi chưa có nước máy, khu Chu Mạnh Trinh được xem như "giếng nước ngọt" lớn nhất khu vực này. Tuy nằm trên đồi cùng nhà thương Đồn Đất nhưng ở con đường này, cứ khoan xuống là có nước. Suốt một thời gian dài, người dân nơi đây chỉ dùng nước giếng khoan, nguồn nước thanh khiết, an toàn sau nhiều lần được mang đi kiểm nghiệm ở viện Pasteur.

Hẻm số 14 Chu Mạnh Trinh nằm bên hông Bệnh viện Nhi đồng 2 lúc nào cũng lặng yên
Hẻm số 14 Chu Mạnh Trinh nằm bên hông Bệnh viện Nhi đồng 2 lúc nào cũng lặng yên

Trên đường Chu Mạnh Trinh có một căn biệt thự được xây từ năm 1935 nhưng không còn ai nhớ chủ cũ của nó. Sau năm 1975, nơi này được Tổng công ty Lương thực miền Nam tiếp quản, sau được phân chia thành khu nhà ở của nhiều hộ dân. Khu vực quanh ngôi biệt thự này trước đây trồng rất nhiều xoài, đến mùa rụng nhiều vô kể. Xoài chỉ to bằng một nắm tay nhưng ngọt lạ lùng.

Biệt thự cũ được xây từ năm 1935, từng là trụ sở Tổng công ty lương thực miền Nam nay là nơi sinh sống của hơn chục hộ dân
Biệt thự cũ được xây từ năm 1935, từng là trụ sở Tổng công ty lương thực miền Nam nay là nơi sinh sống của hơn chục hộ dân

Góc đường Chu Mạnh Trinh – Nguyễn Du ngày trước từng là trạm dừng của xe chở xăng dầu. Nơi đây từng xảy ra một vụ cháy lớn vì bị rò rỉ. Xuống dưới Nguyễn Trung Ngạn giáp đường Cường Để là nơi dừng chân của những chiếc xe Kamaz chở hàng hóa từ Campuchia sang và chuyển đến các đầu mối trong thành phố.

Đường Chu Mạnh Trinh tuy ngắn nhưng nằm gần những con đường lớn nên cũng vui lây. Khoảng cách từ đường Chu Mạnh Trinh sang Thảo Cầm Viên, Nhà thờ Đức Bà hay bờ sông là xêm xêm nhau.

Chú Tùng kể, ngày xưa con nít trong xóm thường rủ nhau ra góc đường gần Lãnh sự quán Mỹ chơi đá banh vì đường lớn mà lại có cỏ. Lớn hơn thì vào mỗi dịp cuối tuần chạy qua Tòa nhà Xổ số kiến thiết coi ca nhạc với sự góp mặt của những danh ca Đình Văn, Bảo Yến, Nhã Phương, Phương Dung…

Tuy nằm trong khu vực nhộn nhịp của thành phố nhưng cuộc sống trên phố Chu Mạnh Trinh vẫn vô cùng yên bình
Tuy nằm trong khu vực nhộn nhịp của thành phố nhưng cuộc sống trên phố Chu Mạnh Trinh vẫn vô cùng yên bình

Sau năm 1975, đường Chu Mạnh Trinh vẫn giữ nguyên tên gọi của nó và vẫn giữ nguyên nhịp sống yên bình vốn có.

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI