Con đường nào để Tổng thống Trump tiếp tục tại vị?

20/11/2020 - 09:54

PNO - Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối chiến thắng của đối thủ và tố cáo gian lận bầu cử, nhưng theo các chuyên gia, hiện không có con đường hợp hiến nào để ông có thể ở lại Nhà Trắng.

 
Tổng thống Donald Trump tham dự lễ kỷ niệm ngày Cựu chiến binh tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Virginia ngày 11/11 - Ảnh: AP
Tổng thống Donald Trump tham dự lễ kỷ niệm ngày Cựu chiến binh tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Virginia ngày 11/11 - Ảnh: AP

Một trong những động thái nặng ký nhất cho thấy Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa quyết không từ bỏ quyền lực chính là tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tuần trước: “Sẽ có một cuộc chuyển giao suôn sẻ cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump”.

Cửa hẹp để lật ngược tình thế

Cử tri đoàn sẽ họp vào ngày 14/12 tới để bỏ phiếu bầu tổng thống. Thông thường, các tiểu bang sẽ căn cứ trên phiếu phổ thông nhằm quyết định phiếu đại cử tri của mình dành cho hai ứng viên. Ông Joe Biden vẫn được cho là sẽ giành nhiều hơn 270 phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống. 

Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa đang dựa vào điểm pháp lý rằng, nếu có bằng chứng về sự gian lận hay bất kỳ hành vi sai trái nào trong hệ thống bầu cử tiểu bang, các cơ quan lập pháp có thể không dành phiếu đại cử tri theo phiếu phổ thông mà sẽ chỉ định dành phiếu đại cử tri cho ai. Ngoài ra, luật liên bang cũng cho phép cơ quan lập pháp địa phương làm điều này nếu các bang không nhất trí được “lựa chọn cuối cùng” vào ngày cử tri đoàn họp.

Theo giáo sư Richard Hasen - chuyên gia Luật Bầu cử, Đại học California - việc cố gắng dùng các cơ quan lập pháp tiểu bang để vượt qua ý chí cử tri như trên là điều bất thường và phải trải qua những bước đi pháp lý đặc biệt. Và việc ông Donald Trump giành được phiếu cử tri đoàn ở một số bang đã có kết quả phiếu phổ thông nghiêng về ông Biden sẽ gây phản đối kịch liệt, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng dân chủ trên toàn quốc. 

Richard Pildes - giáo sư luật, Đại học New York - cho rằng bi kịch là khi nước Mỹ đã có mùa bầu cử với số cử tri đi bầu kỷ lục, lại có một phần đáng kể những người ủng hộ tổng thống tin rằng quy trình có sai sót.

Các mốc thời gian quan trọng…

Chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump đã đệ trình một loạt vụ kiện chưa rõ ràng về chứng cứ kể từ ngày bầu cử. Mục đích của những kiện tụng này dường như không thực sự nhằm đảo ngược kết quả mà cố gắng trì hoãn quy trình kiểm phiếu. 

Chiến thuật trì hoãn đó rất quan trọng vì luật liên bang quy định, nếu việc kiểm phiếu hoàn tất trước ngày 8/12 thì kết quả bầu phổ thông mới là “kết luận sau cùng”. Điều khoản này cung cấp công cụ nhằm chống lại “ý kiến lật đổ” từ quốc hội lưỡng viện, nơi chịu trách nhiệm về phiếu đại cử tri. Vậy nên, bằng cách kéo dài quy trình thông qua đơn kiện, phía ông Donald Trump có thể đang tìm cách vượt qua thời hạn trên và tạo ra lợi thế hòng có được kết quả đảo ngược.

Theo giáo sư Pildes, các tiểu bang sẽ bắt đầu xác nhận tổng số phiếu bầu trong vòng chưa đầy mười ngày tới và chưa có cơ sở nào trong các tuyên bố khởi kiện được trình ra để các tòa án có thể dừng quá trình này. Các chuyên gia cũng tin rằng, thống đốc các bang sẽ đệ trình quốc hội xem xét việc ông Biden được xem là người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông. Sau đó, khả năng xảy ra tình huống xấu nhất là tranh chấp về phiếu đại cử tri giữa Hạ viện và Thượng viện. Đến lúc này, Tối cao Pháp viện có thể sẽ phải vào cuộc.

Bất kể tranh chấp kéo dài bao lâu, hiến pháp đã đặt ra thời hạn cho việc chuyển giao quyền lực. Ngay cả khi việc kiểm đếm vẫn chưa xong, nhiệm kỳ tổng thống cũng phải kết thúc trưa 20/1/2021. Nếu không có kết quả cuối cùng ai đắc cử, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ nắm quyền tổng thống. 

Nam Anh (theo The Guardian)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI