Đường xưa kia do người ta băng đồng, chặt cây, vạt đất mở lối rồi người ta đi mãi mà thành. Từ lối nhỏ lên đường xóm, rồi đường làng, hương lộ tỉnh lộ, quốc lộ, đường thiên lý… Những đường ấy, đa số đều có những cái tên nghe thôi đã thấy cả một trời lịch sử, văn hóa.
|
Khi Đà Nẵng phải tạm gác việc đặt tên đường hai vị giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes bởi có những tranh luận trái chiều, thì TP.HCM đã có con đường mang tên Alexandre de Rhodes từ lâu |
Những cái tên xa xưa như ấu thơ
Sài Gòn ngày nay phố xá tấp nập, nhà cửa san sát, hàng quán ngọn xanh ngọn đỏ nhưng vẫn còn đó những cái tên “quê rớt” như: Hương lộ 2, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 10, Tỉnh lộ 15…
30 năm về trước, anh em chúng tôi vào Sài Gòn học. Cha mẹ bán một miếng đất ở tỉnh để mua cái nhà cấp 4 nhỏ xíu cho chúng tôi ở, đỡ tốn tiền trọ. Tám chỉ vàng không mua nổi nhà gần trường, chỉ được một căn lụp xụp trên con đường đất đỏ mang tên Hương lộ 13.
Lúc ấy quận Tân Phú và Bình Tân chưa hình thành, Hương lộ 13 chạy dài từ ngã ba Cây Me (P.15, Q.Tân Bình cũ) về ngã tư Gò Mây, băng qua xa lộ Đại Hàn cặp con nước đi tới tận Láng Le Bàu Cò của Bình Chánh mới hết. Những trục đường xuyên huyện xưa được gọi là hương lộ.
Hương lộ 13 khi ấy là một con đường đất ổ voi ổ gà, quê rặt. Hai bên là những chuồng bò sữa, trại heo, nhà lưa thưa bám mặt lộ, còn phía sau là đồng không mông quạnh. Chỉ có tiếng máy bay ù ù trên đầu và bụi đất đỏ dưới chân quẩn lên cùng tiếng xe ben, xe tải mà biết đâu vẫn là thành thị.
Thế rồi vật đổi sao dời, phố xá lan ra mãi, đường đất thành đường trải nhựa nhỏ, đổi tên đường Lê Trọng Tấn. Nói thật, chẳng mấy ai xóm tôi rành lịch sử để biết vì sao đường mang tên Lê Trọng Tấn. Tôi may hơn, nhờ làm ở một nhà xuất bản, biên tập sách mà biết đại tướng Lê Trọng Tấn là người của thời đánh Pháp, đuổi Mỹ chứ không phải thời… khởi nghĩa trong rừng.
Đường Lê Trọng Tấn lớn nhất Q.Tân Phú bây giờ, với chục làn xe, con lươn chạy giữa, nhưng các ông bà hàng xóm của tôi mất cả chục năm mới có thói quen đọc tên mới của con đường. Họ quen gọi nó là Hương lộ 13 mà thôi. Ngược lại, bọn “trẻ trâu” ngồi cà phê, trà sữa, bánh tráng trộn trên con đường ngập quán xá sang chảnh đèn giăng nghe Hương lộ 13 thì ngơ ngác hỏi tên sao… kỳ vậy!
Đường sá được cải tạo, mở rộng, nắn chỉnh cho thêm khang trang, hiện đại. Dấu tích đất đỏ hay ổ voi ổ gà hay “lối xưa thu thảo” tìm đâu ra nữa. Thêm cái tên đường “nâng cấp”, đổi thay, nhiều người đi xa trở về ngơ ngác…
Đường và kênh là đôi bạn thân
Cùng hướng với Hương lộ 2, có một con đường nhiều cua, uốn lượn thuộc dạng bậc nhất Sài Gòn, đó là đường kênh Tân Hóa. Hình như, khắp Việt Nam, chỉ ở Sài Gòn mới có đường kiểu “đường đè lên kênh”.
Đoạn đông vui ăn nhậu đông đúc cuối đường Đồng Đen (Q.Tân Bình) bây giờ, hồi kia là một đoạn kênh chết. Gọi là kênh chết vì hầu như chẳng thấy nước, rác đùn cao, tắc nghẽn, phần nước đen hôi thối bên dưới chỉ ngày mưa gió mới… ló dạng.
Chính quyền đau đầu cải tạo kênh thúi nhiều năm, rồi quyết định “khai tử” nó. Nhà thầu đặt ống cống lớn ở lòng kênh để lưu thông nước cống, phủ đất lên trên, tạo thành con đường.
Toàn bộ đường kênh Tân Hóa bây giờ xưa là dòng kênh Tân Hóa ngoằn ngoèo uốn lượn. Nhà chòi ven kênh vụt đổi đời, thành nhà mặt tiền, bung ra kinh doanh đủ thứ. Ngay gần ga Sài Gòn cũng có một con đường uốn khúc, từng là dòng kênh.
Đó là đường Rạch Bùng Binh (Q.3). 40 năm trước, đây là đoạn kênh ngắn, nhỏ chứa đầy chất thải với các nhà vệ sinh công cộng lớn xả thẳng xuống kênh, tạo nên vùng sinh thái hôi thối bậc nhất thành phố.
Giờ thì chạy xe trên mặt đường láng mịn và thoáng đãng, nào ai biết lòng đường từng là dòng nước đen, nhà chòi ổ chuột kèm mùi hôi xộc lên nhức từng thớ thịt.
Sài Gòn có rất nhiều các cung đường bám sát hai bờ kênh rạch. Lớn nhất có lẽ là đại lộ Võ Văn Kiệt chạy dài ra đại lộ Đông Tây, cặp kênh Bến Nghé.
Đôi bờ Trường Sa - Hoàng Sa cặp dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nổi tiếng là công trình ngàn tỷ của thành phố, biểu tượng của đổi thay theo hướng văn minh, xóa sạch hình ảnh kênh nước đen trong tiềm thức người Sài Gòn.
Sợ nhất đường... vô hồn
Ngày nay, do quy hoạch, xây dựng mà có nên… ngược quy trình của Lỗ Tấn. Đường mở tới đâu, nhà cửa, con người mới qua lại tới đó. Tức đường có trước, rồi mới có chân người.
Đường nhỏ đường to, đường ngang đường tắt. Với đại đô thị lớn và đông dân như TP.HCM, mỗi năm có vô số đường mới ra đời, hầu như quận nào cũng rơi vào tình trạng… bí tên đường.
|
Những tuyến đường có tên CN đặt tại các khu công nghiệp |
Quy trình đặt tên đường, theo nghị định của Chính phủ thì có các sở ngành, đoàn thể, UBND quận huyện, nhà nghiên cứu, tổ chức, cá nhân đề xuất lên hội đồng đặt tên đường thành phố (do UBND thành phố thành lập). Hội đồng đặt tên này sẽ tham mưu cho UBND thành phố ra quyết định đặt tên đường.
Có những hội đồng thích văn học, nên tên đường toàn nhà thơ, có hội đồng yêu nghệ thuật nên loạt đường toàn tên nghệ sĩ. Như khu Gia Hòa (Q.9) chạy xe vào là bối rối với những Thanh Nga, Út Trà Ôn, Phạm Trọng Cầu, Huy Cận…
Hồi 20 năm trước, Sài Gòn san lấp bán đảo Miếu Nổi. Đặt tên đường ở đây biết lấy tên gì cho ý nghĩa mà lại không trùng với các quận huyện. Thế là bộ tên hoa đã ra đời.
Giờ đây, chạy xe uống cà phê dọc các con đường Hoa Lan, Hoa Sứ, Hoa Phượng, Hoa Hồng, Hoa Lài… của khu Phan Xích Long, tôi vẫn thầm cảm ơn các ông bà hội đồng nào đã gửi mộng mơ vào cái tên đường. Chút lãng mạn ấy khiến mỗi căn nhà nép dưới bóng hoàng lan hay giàn bông giấy thêm giá trị.
Sài Gòn cũng có những góc đường nhắc nhớ người ta một câu chuyện tình nào đó, như góc đường Nguyễn Thái Học - Cô Giang nằm khuất dưới chân cầu Ông Lãnh. Nguyễn Thái Học và Cô Giang (Nguyễn Thị Giang) là những cái tên đánh dấu cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Nhưng, không nhiều người biết câu chuyện tình yêu bi thương của họ.
Và còn nữa những cái tên bắt nguồn từ một địa danh xưa của đất Chợ Lớn. Nơi xưa kia người dân chuyên trồng rau cải để bán giờ là đường Xóm Cải. Đường Xóm Chỉ được lấy theo tên một làng chuyên làm nghề kéo chỉ. Đường Lò Siêu được đặt theo một xóm nhỏ nơi người dân sống với nghề làm siêu gốm nấu nước.
Ở Sài Gòn còn có tên của những bà già bán nước ven đường cũng trở thành tên của một địa danh hay một con đường như Bà Hom, Bà Ký hay Bà Hạt, Bà Lài mà trong một kiến nghị năm 1993, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu khẳng định: “Tôi không tán thành việc xóa bỏ những địa danh nôm na như Bà Lài, Bà Ký, Lò Gốm, Lò Gạch. Những địa danh nôm na và cổ kính đó sẽ chứng minh thành phố ta đã có từ lâu đời.
Các thành phố cổ thường bắt đầu từ một xóm làng heo hút với mấy lều tranh vách đất. Thành phố ta cũng vậy, tuy mới xây dựng 300 năm nay, thành phố lớn mạnh nhanh chóng, tuy nhờ có vị trí địa lý biệt đãi và hoàn cảnh lịch sử thuận lợi song cũng do công sức xây dựng của các nhà lãnh đạo và của từng cư dân lao động cần cù. Lịch sử của một dân tộc cũng như một thành phố bao gồm vừa ánh sáng vừa bóng tối”.
Nhưng, cũng có những hội đồng… lười. Bộ tên địa danh cũ xài cạn, bộ tên danh nhân văn hóa, người có công… cũng xài hết rồi, người ta bí quá hay sao mà bèn đi đánh số.
Hết số đơn thì đánh tới số kép, rồi thì đánh tới chữ cái. Ở Q.Tân Bình, người ta còn đặt tới đường 7 Bàu Cát (từ Bàu Cát, Bàu Cát 2, Bàu Cát 3… đến Bàu Cát 7). Nhà bạn tôi nằm trên con đường khá đẹp, mà tên thì… hơi buồn: đường 5B. Đường 5B đường nằm song song với đường 5. Mà quanh đường 5 thì nhiều số lắm, số 6, số 8, số 9… Tất cả nằm trong khu dân cư “nhà giàu” ở Trung Sơn, Bình Chánh chứ không phải khu định cư tạm bợ nào. Buồn thay, Sài Gòn có rất nhiều khu vực tên đường chỉ là những con số như thế.
Từ tên đường vô hồn, tên đường khó nhớ, không chỉ kéo theo bao chuyện làm khó, rối não người đi đường, mà còn ảnh hưởng tới giá trị sống của người cư ngụ. Một chị bạn kinh doanh bất động sản cho tôi biết, chị thích rao bán những mảnh đất, ngôi nhà trên con đường đẹp như Giải Phóng, Tự Do, Tự Lực, Tự Cường… Khách thích mua hơn, vì tin rằng tên đường có chút phong thủy may mắn, hơn là những con đường tên buồn buồn.
Tên một người gắn bó suốt một cuộc đời; tên đường, gắn bó với nhiều thế hệ con người ta sinh sống, đi lại. Nói không quá thì đường và tên đường đấy chính là một phần văn hóa, linh hồn của phố thị. Đừng trách thị dân Sài Gòn khó tính khi bắt các hội đồng đặt tên đường phải tư duy nhiều hơn nữa, có tâm hơn nữa.
Minh Lê