'Con đường máu' - Hành trình kết nối con tim

03/08/2017 - 07:06

PNO - Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng vẫn còn đó những nỗi đau âm ỉ. Bên kia bờ đại dương, không ai biết có một người con gái suốt gần 50 năm luôn đau đáu khát khao tìm đến nơi cha mình đã tử trận.

Bộ phim tài liệu Con đường máu (Blood Road) đưa người xem đến với hành trình bền bỉ của cô gái Mỹ - Rebecca Rusch cùng người bạn đồng hành - Nguyễn Thị Thanh Huyền (Huyền Nguyễn), tìm đến nơi cha của Rebecca - một phi công Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam và tử trận trên đất Lào năm 1972. 

'Con duong mau' - Hanh trinh ket noi con tim

Hình ảnh trong phim Con đường máu đẹp lung linh không kém bất cứ phim truyện điện ảnh nào

Hành trình gần 2.000km của hai người phụ nữ - hai vận động viên (VĐV) đua xe đạp - dọc đường mòn Hồ Chí Minh, xuyên qua những khu rừng rậm của Việt Nam, Lào và Campuchia không đơn thuần là cuộc trắc nghiệm về thể lực, ý chí mà còn là quá trình khám phá cảm xúc, suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống, về yêu thương, hòa giải.

Con đường máu của đạo diễn Nicholas Schrunk xóa tan mặc định của người xem về dòng phim tài liệu ngay từ những phút đầu, ít nhất là về mặt thị giác. Phim gây ấn tượng mạnh bởi những khung hình mượt mà, góc máy đặc sắc không thua gì các bộ phim điện ảnh; trong đó hút mắt nhất là những cảnh quay toàn, từ trên cao: cảnh hai nhân vật chính đạp xe trên con đường ngoằn ngoèo như tranh vẽ, khoảnh khắc cả hai đứng tâm sự trên vực đá, cảnh những vũng nước do các hố bom tạo thành.

Những thước phim lúc Rebecca và Huyền Nguyễn chèo thuyền kayak trong hang, vác xe đạp xuyên qua rừng rậm hay thong dong thả những vòng quay trên cánh đồng xanh mướt dễ khiến người xem tưởng mình đang theo dõi một chương trình truyền hình quảng bá du lịch. Những khung hình lung linh, tươi đẹp tương phản với màu sắc của chuyện phim - chuyến đi chất chứa nhiều nỗi lòng của một người con, tìm lại nơi ghi dấu những giờ phút cuối đời của cha mình.

'Con duong mau' - Hanh trinh ket noi con tim
 

Rebecca Rusch là VĐV đua xe đạp leo núi nổi tiếng của Mỹ. Cách đây 10 năm, cô nhận được món quà quý giá: hai chiếc răng của người cha đã qua đời hơn bốn thập niên. Mất cha từ năm ba tuổi; Rebecca chỉ biết về cha qua lời kể của người thân và tấm ảnh ông mặc quân phục, chụp lúc còn trẻ, bên chiếc máy bay chiến đấu. Tấm ảnh đó là hành trang cô gìn giữ cẩn thận trong suốt hành trình.

Trong phim, hai lần tấm ảnh này xuất hiện; người trong cuộc lẫn người xem đều rơi nước mắt: lúc Rebecca đưa cho Huyền Nguyễn xem ảnh cha mình tại cột mốc số 0 của đường mòn Hồ Chí Minh và gần cuối phim - khi Rebecca đặt tấm ảnh vào hốc cây, nơi cha cô tử trận.

Ống kính dừng lại ở gương mặt thẫn thờ, ánh mắt đỏ hoe của Huyền Nguyễn, bởi: “Trong ảnh là một người đàn ông còn rất trẻ, gương mặt hiền lành, khiến tôi cứ day dứt với ý nghĩ một người như vầy sao lại mang bom đạn sang đất nước mình và tôi nhận ra ông cũng chỉ là một nạn nhân của chiến tranh”.

Trong bất cứ cuộc chiến nào, dù ở chiến tuyến nào, thân phận con người cũng đáng thương. Nhưng tình thương cũng sẽ hóa giải tất cả những lỗi lầm. Đó là cảm nhận của Rebecca sau khi hành trình kết thúc.

'Con duong mau' - Hanh trinh ket noi con tim
 

Ở 2/3 thời lượng phim, khán giả “đọc” được tâm trạng căng thẳng, nôn nóng của Rebecca. “Có những ngày đạp xe suốt từ bốn giờ chiều đến hai giờ sáng hôm sau, vác xe leo lên những vách núi cao 4-5m, bảy lần vượt qua những ngọn thác trơn, thẳng đứng… Có những đoạn phải đạp xe trong đêm tối mà bánh xe không được phép lệch khỏi phạm vi 40cm vì có thể sẽ trúng bom mìn” - Huyền Nguyễn kể lại.

Chỉ đến gần cuối phim, lúc Rebecca tiếp xúc với ông Air - một người dân địa phương ở Lào, mọi cảm xúc mới vỡ òa nơi chị.

Khoảnh khắc Rebecca đứng cạnh gốc cây, đặt tấm hình cha vào hốc cây rỗng, người xem không khỏi rơi nước mắt dù ống kính chỉ quay nhân vật từ sau lưng, cho thấy đôi vai đang run lên. Hình ảnh mạnh mẽ của một VĐV biến mất, chỉ còn lại vẻ mềm yếu của một người con gái.

Cũng từ đây, khán giả thấy Rebecca mở lòng nhiều hơn với những người đồng hành. Nụ cười của cô tươi tắn hơn, gương mặt cũng giãn ra nhiều. Khoảng cách giữa hai người bạn đồng hành - hai người phụ nữ từ hai nền văn hóa Đông - Tây nhưng có chung sự thấu hiểu về nỗi đau mất người thân (mẹ Huyền Nguyễn cũng mất khi cô mới lên 8).

'Con duong mau' - Hanh trinh ket noi con tim
 

Rebecca đã hoàn thành tâm nguyện của mình và chuyến đi cũng giúp cô cùng khán giả hiểu thêm về lịch sử, về cuộc chiến, về tinh thần lạc quan của những người dân địa phương - những con người mà dù chiến tranh đã lùi xa mấy thập niên, cái chết vì bom mìn còn sót lại vẫn có thể ập đến với họ. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI