Con đường hư hỏng gần 1 năm, việc sửa chữa vẫn nằm trên giấy

09/09/2021 - 17:04

PNO - Ngót nghét gần 1 năm kể từ ngày sạt lở nhưng đến nay, việc phục hồi con đường huyết mạch đi vào các xã vùng cao huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đến nay vẫn chỉ nằm trên…giấy. Trong khi đó, một mùa mưa bão lại cận kề.

Cuối tháng 10/2020, từng mảng núi bị bóc xuống, vùi lấp tất cả những gì trên đường nó đi qua. Nhà cửa, gia súc, cây cối của người dân từ đó cũng đổ xuống theo dòng nước lũ. Các tuyến đường huyết mạch nối liền các xã vùng cao như: Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc cũng theo đó đứt gãy.

Lũ lụt năm 2020 đã cuốn phăng mọi thứ trên đường đi của nó. Trong ảnh là một đoạn đường bị hư hỏng nặng ở đoạn từ xã Phước Thành qua xã Phước Lộc
Lũ lụt năm 2020 đã cuốn phăng mọi thứ trên đường đi của nó. Trong ảnh là một đoạn đường bị hư hỏng nặng ở đoạn từ xã Phước Thành qua xã Phước Lộc

UBND huyện Phước Sơn sau đó cũng đã có các phương án để phục hồi con đường này giúp bà con các xã vùng cao thuận tiện đi lại. Tuy nhiên, cho đến nay, khi mùa mưa bão mới đang đến cận kề thì dự án sửa chữa con đường này vẫn chưa thể… hoàn tất thủ tục.

Với những người dân của 3 xã vùng cao này, việc hàng ngày phải lưu thông trên "con đường đau khổ" khiến họ chỉ biết lắc đầu ngán ngẫm. “Chỉ cần có mưa thôi, thì đố ai dám liều mạng chạy qua những khu vực đá ở trên đỉnh có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào như Đồi Chim. Đường thì đầy đá hộc, chạy không cẩn thận bể lốc máy như chơi. Dân đây bị nhiều rồi, nhưng kêu ai chừ?”- anh Hồ Văn C. (thôn 1, xã Phước Thành) bức xúc.

Đoạn đường từ xã Phước Công đi sang xã Phước Lộc có những đoạn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao khi chân núi đã bị đứt gãy, chỉ cần mưa lớn là đổ ập xuống
Đoạn đường từ xã Phước Công đi sang xã Phước Lộc có những đoạn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao khi chân núi đã bị đứt gãy, chỉ cần mưa lớn là đổ ập xuống

Lý giải về vấn đề này, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết để một dự án đầu tư công hoàn thiện tất cả mọi thủ tục như: thiết kế, đấu thầu, mời thầu, đấu giá công khai qua mạng… thì mất hơn 400 ngày, nghĩa là hơn 1 năm. 

Khi được so sánh với phía Nam Trà My, cùng một thời điểm xảy ra sạt lở nhưng Nam Trà My đã và đang làm khá tốt việc phục hồi những hư hỏng do bão lũ gây ra, còn Phước Sơn vẫn đang ì ạch khắc phục, ông Trung cho rằng đó là sự so sánh khập khiễng. Bởi phía bên Nam Trà My đã sử dụng diện tích đất vốn dự định làm trường bắn của Ban chỉ huy Quân sự huyện để làm khu dân cư Bằng La, nguồn vốn xây dựng được các tập đoàn lớn đổ vào nên tiết kiệm được thời gian. Và quan trọng nhất, là Nam Trà My đã đưa được các công trình này vào tình trạng báo động khẩn cấp. Phước Sơn thì không.

Hiện tại, rất nhiều nơi trên tuyến đường dài gần 80km (Phước Công- Phước Lộc; Phước Kim- Phước Thành- Phước Lộc) bị sạt lở nặng.
Hiện tại, rất nhiều nơi trên tuyến đường dài gần 80km (Phước Công- Phước Lộc; Phước Kim- Phước Thành- Phước Lộc) bị sạt lở nặng.

“Thường thì sau 7 ngày xảy ra sự cố thì phải ban bố tình trạng báo động khẩn cấp. Nhưng thời điểm đó tất cả các lực lượng địa phương đều lo cứu nạn cứu hộ, tìm kiếm người mất tích nên không ai chú ý đến việc này. Qua 7 ngày thì không còn được nữa, tất cả những công trình xây dựng phải đưa vào mục đầu tư công. Mà thủ tục của đầu tư công thì phải đảm bảo đầy đủ các bước”- ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, nếu nhanh thì phải đến cuối năm 2021, các thủ tục liên quan đến việc tu sửa con đường này mới có thể hoàn thiện.

Gần 1 năm trôi qua, và một mùa mưa bão đã tới gần nhưng việc sữa chữa tuyến đường này vẫn chỉ nằm trên giấy
Gần 1 năm trôi qua, và một mùa mưa bão đã tới gần nhưng việc sửa chữa tuyến đường này vẫn chỉ nằm trên giấy

“Với những hư hỏng, đứt gãy có sẵn ở các điểm trên các tuyến đường ĐH1, ĐH2, ĐH3, ĐH5 thì chắc chắn rằng mùa mưa bão sắp tới sẽ xảy ra sạt lở ở những điểm này. Huyện đã vận động phương tiện của các doanh nghiệp đang đóng trên từng địa phương, sẵn sàng thông đường mỗi khi xảy ra sạt lở, cố gắng để không bị cô lập trong thời gian quá lâu”- ông Trung nói thêm.

Theo dự toán, tổng vốn để khôi phục, sửa chữa hư hỏng của các tuyến đường này khoảng 500 tỷ đồng.

Theo dự toán thì chi phí để sữa chữa, tu bổ các tuyến đường này lên đến gần 500 tỷ đồng
Theo dự toán thì chi phí để sửa chữa, tu bổ các tuyến đường này lên đến gần 500 tỷ đồng

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với người đứng đầu cấp ủy huyện, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư đã bố trí, nếu không phải cương quyết thu hồi, chuyển vốn cho các đơn vị khác. UBND tỉnh phải có sự điều hành linh hoạt vấn đề này; kiểm tra lại một số dự án, công trình đầu tư chậm giải ngân, bởi có thực tế, do tình trạng đưa người nhà, người quen thân làm tư vấn thiết kế, nhưng năng lực yếu kém nên dự án ì à ì ạch.

Nghiêm túc chấn chỉnh, không để dự án cứ kéo dài hết năm này sang năm kia và đổ lỗi cho cơ chế, chính sách. Quyết liệt hơn trong nhiệm vụ này, tỉnh sẽ xem xét xử lý trách nhiệm, điều chuyển công tác đối với đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các địa phương nếu cứ để kéo dài tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công như hiện nay.

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI