Con đường gốm sứ xập xệ, nhếch nhác

28/02/2023 - 05:58

PNO - Sau mỗi lần trùng tu, vá víu, con đường cũng trở về gần với hiện trạng ban đầu. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, con đường lại xuống cấp, gốm lại bung, tường lại trơ xi măng, gạch. Nhiều đoạn vỉa hè dưới chân bức tường gốm cơ man là rác. Giữa lòng thủ đô có một không gian nhếch nhác như thế là điều khó chấp nhận.

Con đường gốm sứ ở TP Hà Nội được Tổ chức Kỷ lục thế giới (Guinness) công nhận là “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất”. Con đường này gây nhiều tranh cãi về giá trị nghệ thuật, giá trị kiến trúc đô thị, đồng thời cũng luôn trong tình trạng bong tróc, nhếch nhác suốt hơn 10 năm qua.

Gốm bung từng mảng, tường nứt kéo dài

Năm 2020, người ta đã phá dỡ một đoạn dài 600m của Con đường gốm sứ ở ngã ba Xuân Diệu - Nghi Tàm (quận Tây Hồ) để mở rộng đường dẫn cầu Nhật Tân. 13 năm sau đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hơn 3.000m còn lại của Con đường gốm sứ - bức tranh bằng gốm sứ tái hiện dòng chảy của lịch sử Việt Nam - đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Con đường gốm sứ bị bong tróc, lở lói ở nhiều đoạn - ẢNH: MINH TUỆ

Con đường gốm sứ ở Hà Nội bị bong tróc, lở lói ở nhiều đoạn - ẢNH: MINH TUỆ
Con đường gốm sứ ở Hà Nội bị bong tróc, lở lói ở nhiều đoạn - Ảnh: Minh Tuệ

Từ đầu đường Trần Khánh Dư (quận Hoàn Kiếm) qua chợ Long Biên (quận Ba Đình), đến đường Yên Phụ (quận Ba Đình và quận Tây Hồ), quãng nào cũng có các bức tranh gốm không còn nguyên vẹn. Các mảnh gốm lớn, nhỏ bung khỏi mặt tường, có mảnh tranh gốm rộng cả mét chỉ còn trơ tường xi măng. Thậm chí, trên 2/3 bức tường sát cửa khẩu Hàm Tử (phố Hàm Tử Quan, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm), phần chân bức tranh đã không còn gốm; 1/3 phần gốm phía trên vẫn bám nhau nhưng đã tách hẳn khỏi mặt tường rêu mốc, nham nhở. 

Cách đó vài bước chân, có bức tranh bị nứt, nhiều mảnh gốm lẫn lớp áo xi măng cũng không còn. Phần tường gạch trơ ra còn bị đục để dẫn dây cáp, ống nhựa màu cam bao quanh dây cáp ôm sát khoảng 1m chiều cao của bức tranh gốm.

Ở bức tranh thể hiện cảnh trận mạc của binh lính, mảng gốm vẽ cảnh người lính và ngựa chiến hơn 2m2 nay chỉ còn là vuông tường trắng. Trên cao, những con chữ được ghép từ các mảnh gốm đỏ cũng rụng gần hết, chỉ còn “xã tắc hai lần phiên ngựa”. Khi được hỏi, những người sống ở sau bức tường này (đoạn phố Hồng Hà, phường Chương Dương) không còn nhớ trọn vẹn câu đó nữa. Cũng trên quãng phố Hồng Hà, nhiều mảnh gốm lớn nhỏ đã rơi rụng, rất khó để nhận ra nội dung của bức tranh.

Tính từ đầu đường Trần Khánh Dư, càng đi về phía cuối Con đường gốm sứ, tình trạng bong tróc, phồng rộp lớp gốm càng dày, đặc biệt là sự nứt gãy càng kéo dài. Có những đoạn nứt dài nhiều mét, như phần nằm ở phường Phúc Xá, quận Hoàn Kiếm. Ở đó, dương xỉ, cây dại đã chen nhau mọc xanh rì.

Liên tục trùng tu, vá víu

Năm 2014, bà Nguyễn Thu Thủy - họa sĩ, Giám đốc Công ty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội, chủ đầu tư dự án Con đường gốm sứ - đã giải thích với báo chí rằng, Con đường gốm sứ nằm trên trục đường có lượng xe cộ nhiều, chạy suốt ngày đêm, đặc biệt là có nhiều xe tải lớn chạy qua. Độ rung và sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, giữa các mùa khiến vật liệu giãn nở theo nhiều mức độ khác nhau, dẫn đến tình trạng này. 
Khi đó, bà Thu Thủy còn dẫn chứng về bức tranh cá hồi ở Mỹ, dù được đặt trong công viên rất yên tĩnh nhưng vẫn xảy ra tình trạng bong tróc. Bà nói: “Các bức tranh gốm sứ bị bong tróc, hỏng hóc là điều bình thường, chỉ cần sửa chữa là được”.

Con đường gốm sứ trở thành nơi trú ngụ của người vô gia cư - ẢNH: MINH TUỆ
Con đường gốm sứ trở thành nơi trú ngụ của người vô gia cư - Ảnh: Minh Tuệ

Theo chủ một đơn vị chuyên cung cấp gạch gốm sứ ở Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), với công trình ngoài trời, sử dụng gốm sứ, nếu chất lượng thi công tốt, tuổi thọ có thể đạt khoảng 20 năm. Nhưng đến nay, Con đường gốm sứ đã được trùng tu tới 2 lần: lần thứ nhất vào năm 2015 với 3.742m từ đường Yên Phụ qua đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và kết thúc ở đường Trần Khánh Dư; lần thứ hai vào năm 2017 với 1.001m chạy dọc theo tuyến đê sông Hồng từ số 1053 phố Hồng Hà đến phố Chương Dương Độ. Đó là chưa kể nhiều lần “vá víu” từ năm 2010 đến 2015. 

Chủ đơn vị chuyên cung cấp gạch gốm sứ kể trên nhận định, Con đường gốm sứ bị nứt gãy kéo dài, gốm bong tróc là do khâu thiết kế, kết cấu lẫn thi công đều không đảm bảo. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội) cũng nhận định: “Được vài năm đã bong tróc là do chất lượng kém, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về nghệ thuật ngoài trời, phong cách, vật liệu và phương pháp thi công”.

Người dân cũng dự phần

Đã và vẫn đang có những ý kiến trái chiều về giá trị của Con đường gốm sứ. Song, vấn đề hiện tại của con đường là làm sao khắc phục được triệt để chứ không thể thường xuyên sửa chữa, vá víu, trùng tu như thời gian qua. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhận định, Con đường gốm sứ có nguy cơ trở thành rác, rất khó thu dọn.

Không đơn giản để khắc phục triệt để sự xuống cấp của Con đường gốm sứ. Song, cùng với sự bong tróc, lở lói do nhiệt độ, độ rung mặt đường, con đường này còn nhếch nhác do sự ứng xử chưa đẹp của người dân. Dọc hơn 3.000m của đường này, thỉnh thoảng lại xuất hiện rác thải dù không ở khung giờ thu gom rác. Rác được chất đống ở những góc giao lộ, nhiều chỗ thành nhà vệ sinh lộ thiên, nơi chất đồ đạc, thành chốn nương náu của người vô gia cư. Đoạn đường đối diện bến xe buýt Yên Phụ còn bị người dân chất củi đốt lửa sưởi ấm, gốm ở chân tường bị nhuộm màu xám đen dài mấy chục mét.

Bà Nguyễn Thị Dần (quận Hoàn Kiếm) than: “Tôi đi bộ tập thể dục dọc con đường này từ khi 60 tuổi. Suốt 13 năm, chưa năm nào tôi thấy con đường này không nhếch nhác, không bong tróc, xuống cấp. Nhiều đoạn, mùi hôi xuyên qua cả lớp khẩu trang. Thỉnh thoảng, thấy khách du lịch dừng lại chụp ảnh, tôi cũng xấu hổ”.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND phường Chương Dương - cho biết: “Hằng năm, con đường vẫn được các cơ quan quản lý bảo trì đều đặn nhưng còn sự nhếch nhác do ý thức của người dân thì rất khó khắc phục. UBND phường cũng thường xuyên tuyên truyền qua các cuộc họp, qua nhóm thông tin chung hoặc treo biển cấm, băng rôn nhưng chỉ giảm được phần nào”. 

Giữa năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội đã có văn bản số 1842/SVHTT-DTDT gửi UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, vệ sinh môi trường cảnh quan trên Con đường gốm sứ. Sở đề nghị UBND các quận, phường liên quan thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền và thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, tổ chức giữ gìn vệ sinh, thu gom rác thải trên con đường này.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định: “Chỉ dựa vào việc trùng tu, sửa chữa và sự quản lý của lực lượng chức năng là chưa đủ. Tôi rất mong người dân có ý thức và hành động giữ gìn cái đẹp, vì cái chung”. 

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI