Con đường của anh

24/05/2017 - 10:13

PNO - Một con đường của TP.HCM vừa được đặt tên Võ Trần Chí. Bà Huỳnh Thị Thơ - vợ ông - rưng rưng nhớ lại những chặng đường mà hai vợ chồng bà đã song hành...

Sáng 22/5, khi ông Tất Thành Cang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM ôn lại cuộc đời cùng những dấu ấn mà nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí để lại tại buổi lễ khánh thành con đường đầu tiên mang tên ông, bà Huỳnh Thị Thơ cố ghìm nước mắt. Trước con đường mới rộng và dài mang tên Võ Trần Chí, muôn vàn con đường cũng lần lượt lướt qua tâm trí người phụ nữ đã ngoài 80 tuổi.

Con duong cua anh
 

Đó là con đường thôi thúc cả “cặp đôi chiến sĩ” ngay từ cái đêm đầu nên duyên. Quen nhau từ năm 1962, khi “anh Hai Chí” đang hoạt động bí mật, còn bà Thơ là cô giao liên trong một gia đình chuyên nuôi giấu cán bộ ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, thân thiết với nhau như anh em, “anh Hai” đôi lần ngỏ lời muốn cưới, nhưng quê nhà loạn lạc, gia đình liên tục nhận tin người thân hy sinh, bà Thơ tần ngần “không dám làm vợ bộ đội”.

“Đám cưới” dời mãi đến năm 1968. Khi đang làm công tác nội tuyến trong lòng địch ở huyện nhà, bà Thơ được một tiểu đội từ tỉnh tìm xuống tận nơi rước lên làm lễ tuyên bố. “Tuyên bố” nghĩa là “thành hôn”. 

Vừa mới trở thành vợ chồng trước sự đồng ý và chứng kiến của đơn vị, hai người lập tức chia đôi, cấp tốc chuẩn bị cho cuộc xuống đường vào sáng sớm hôm sau. Khi ấy, cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân đang vào giai đoạn nước rút. Trước giờ lên đường, một cán bộ tần ngần hỏi: “Hay là mình đưa chị Hai đi theo để chị được các đồng chí bộ đội bảo vệ?”.

Ông Hai Chí (khi ấy là Bí thư Phân khu ủy Phân khu II) từ tốn: “Chị Hai cũng có nhiệm vụ của chị Hai”. Hiểu ý, bà Thơ lặng lẽ chia tay chồng, theo đồng đội đi về hướng Vàm Cỏ Đông, tiếp tục công tác nội tuyến. Trong thư từ qua lại những ngày sau đó, ông Hai Chí viết: “Vợ chồng xa nhau nhưng cùng đi trên một con đường, có điều trên con đường đó, anh có nhiệm vụ của anh, em có nhiệm vụ của em”.

Sau giải phóng, ông Hai Chí kinh qua nhiều nhiệm vụ, từ Bí thư Quận ủy Q.5, Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy cho đến Bí thư Thành ủy TP.HCM. Công việc bề bộn, có khi phải làm việc đến 20 giờ/ngày, nhưng trong ký ức của bà Thơ, ông chưa một lần vội vàng, nóng nảy, chỉ hiền từ, yêu chiều vợ con. Nhưng càng gần chồng, bà Thơ càng thấm thía cái “lẽ gần gụi” trên con đường mà vợ chồng đang đồng hành.

Nhà có hai vợ chồng cùng làm cán bộ, ông Hai Chí luôn để sẵn hai cái điện thoại bàn trong nhà: “Điện thoại của anh thì anh nghe, điện thoại của em thì em nghe. Lúc nào anh đi công tác mà lỡ có điện thoại, em hãy kêu anh Sáu vô nghe giúp anh”. Suốt mấy mươi năm chung nhau từng vui buồn, khốn khó, bất kỳ điều gì liên quan đến công việc, nhiệm vụ, ông Hai Chí đều một mực rạch ròi. Ông thường điềm tĩnh: “Anh có tổ chức của anh, em cũng có tổ chức của em. Nếu em có ấm ức gì thì nên trình bày với tổ chức”.

Cứ thế, suốt nhiều năm chung sống, vợ chồng bà chưa một lần phiền lòng hay nặng lời với nhau. Bà Thơ lý giải: “Nhiều lúc tách nhau ra lại chính là cách để gần nhau một cách trọn vẹn. Chính sự chí công vô tư cùng thái độ nghiêm túc, cẩn trọng của anh Hai với công việc, với dân khiến tôi cảm thấy trân trọng anh nhất”.

Thắp lên bàn thờ chồng một nén nhang, bà đổi giọng vui vẻ, nói với di ảnh chồng: “Con đường của anh giờ người dân đi lại nhiều lắm, vậy mỗi lần đi vào, em có cần xin phép tổ chức không?”.

 Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI