Những con đường "quen mà lạ" ở Sài Gòn
Những con đường trong lòng thành phố, ngỡ đã thân quen nhưng một lúc nào đó dừng lại quan sát, suy tư, tìm hiểu vẫn thấy còn bao điều chưa biết. PNO sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc câu chuyện về những con đường "quen mà lạ" Sài Gòn. Hẳn bạn sẽ thêm yêu những con đường mình vẫn đi qua mỗi ngày hoặc chợt thấy con đường quen thuộc bỗng đẹp hơn bởi chính những điều mộc mạc.
- Khu phố của người độc thân ngày ấy, bây giờ ra sao?
- Con đường ngắn nhất, chỉ có một số nhà
|
Lạ lùng thay, ngay giữa trung tâm thành phố, lại có một con đường bình yên đến thế. Đó là đường Nguyễn Văn Bình dài chưa đến 200m, thế nên, ký ức về con đường này chỉ là những mảnh vụn góp nhặt từ những khu phố xung quanh.
Sinh ra và lớn lên trong khu vực bốt Catinat, bà Khê (73 tuổi) cho rằng con đường này tuy ngắn nhưng là một trong những con đường lâu đời nhất của Sài Gòn. Cuộc đời của nó dài nhưng những câu chuyện về nó thì không nhiều.
|
Những cành me vươn dài, che nắng cho con đường nhỏ |
Ngày trước, con đường này mang tên Nguyễn Hậu. Nó chỉ là một con đường nhỏ nằm kẹp giữa Sở Tư pháp (nay là UBND quận 1) và Bưu điện Thành phố, trước mặt là Nhà thờ Đức Bà và sau lưng là đường Hai Bà Trưng.
Trưởng thành cùng khu phố Nhà thờ Đức Bà, chú Lợi (60 tuổi) cho biết hầu như người Sài Gòn chẳng mấy ai để ý đến đoạn đường này. Ngày thơ ấu, trước khoảnh sân nhỏ của Nhà thờ Đức Bà chưa lót đá như hiện tại, cứ mỗi mùa mưa chú Lợi cùng bè bạn trong xóm bốt Catina ra đây bắt dế mèn, cà cuống. Gần đó là đường Nguyễn Hậu nhưng con đường chẳng mấy thu hút bọn trẻ.
|
Chú Lợi (60 tuổi) sinh ra và lớn lên trong khu vực bốt Catinat
|
Từ đường Nguyễn Hậu, băng qua vài bước là Công viên 30/4. Trong ký ức của những cậu bé chơi tập trận, 4 mảnh vườn của công viên được gọi là 4 vùng chiến thuật. Và từ đó đến nay, dù đi đâu khắp Sài Gòn này thì đối với chú Lợi, những hàng cây sao trên 4 vùng chiến thuật ấy mãi là những kỷ niệm chú mãi không quên. Đó là những mùa hè ve kêu râm ran hay những mùa mưa lượm củi khô gãy đổ luôn khắc sâu trong trí nhớ của chú.
Chú Lợi còn cho biết thêm, hàng me hiện tại trên đường Nguyễn Văn Bình là được trồng lại gần đây. Còn ngày trước, những cây me trên đường Nguyễn Hậu cao lớn hơn nhiều. Và kể về cỏ cây thì cả bà Khê và chú Lợi đều nhắc về hàng xoài múc nổi tiếng trên đường Catinat rằng giống xoài lạ lùng, tới mùa xoài rụng là thi nhau lượm về nhà.
"Gần đường Nguyễn Hậu, ngay trên khoảng hè trước bưu điện từng có 2 ki ốt bán bánh mì mà bất kỳ học sinh Taberd (nay là THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa) nào cũng biết, nổi tiếng hơn cả là tiệm Hương Lan. Xung quanh còn có các quầy tem thơ, ăn vặt", bà Khê nhớ lại.
|
Nắng chiếu xuyên qua tán me, tạo nên những "giếng" me |
Ngày trước, đường Nguyễn Hậu là đường 2 chiều. Những năm Sài Gòn chỉ có xe hơi, đường Nguyễn Hậu là khu vực đậu xe của giới nhà giàu mỗi dịp lễ lớn trong khu vực, đặc biệt là lễ Giáng sinh ở Nhà thờ Đức Bà.
Nhắc về đường Nguyễn Hậu hay đường Nguyễn Văn Bình hiện tại mà không nhắc đến bà Quách Thu Nguyệt - đồng sáng lập đường sách Nguyễn Văn Bình quả là một thiếu sót. Gần sáu năm trước, khi ấp ủ giấc mơ xây dựng một con đường sách ở TPHCM, bà vẫn không biết đến đường Nguyễn Văn Bình dù lê la gần nửa thế kỷ ở thành phố này.
Khi hoài niệm về những ki ốt sách trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lai và sau này là đường Đặng Thị Nhu, bà đau đáu phải làm bằng được đường sách cho thành phố.
|
Ngày nay, đường sách Nguyễn Văn Bình là địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố
|
Những phương án đầu tiên của kế hoạch đường sách là đường Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trương Định. Tuy nhiên, sau khi được giới thiệu về con đường nhỏ sau lưng UBND quận 1 hiện tại, bà thổn thức và quyết tâm phải xây dựng bằng được con đường sách tại đây.
“Tôi đến và thấy hàng me thì buột miệng "Con đường có lá me bay chiều chiều ta lại cầm tay nhau về", con đường thật lãng mạn. Khi đang ngẩn ngơ với hàng me xanh, đột nhiên tiếng chuông nhà thờ ngân vang, tôi buột miệng "ô nó đây rồi", bà chia sẻ.
Dẫu sau đó có những ý kiến trái chiều, một vài chủ trương khác như kênh Nhiêu Lộc hay bến Bạch Đằng giống như phố đường sách ở sông Seine nhưng vì cảm mến con đường Nguyễn Văn Bình, bà đã quyết tâm tới cùng với dự án này. Với người phụ nữ được mệnh danh là bà đỡ của nhiều nhà văn trẻ, đường sách Nguyễn Văn Bình không chỉ phản ánh văn hóa của đất và người Sài Gòn mà nó còn là câu chuyện của hôm qua và ngày mai.
Tấn Đồng