“Con đã được về rồi mẹ ơi!”
Đầu giờ chiều 24/7, chị Phạm Thị Phượng - trú huyện Hương Sơn - gọi điện thoại về cho bố mẹ ở quê nhà báo tin với cảm xúc lẫn lộn: “Con đã được về rồi mẹ ơi! Giờ con bắt đầu ra bến tàu”, rồi mặc đồ bảo hộ cho cậu con trai 3 tuổi để chuẩn bị ra ga Sài Gòn.
Vợ chồng chị Phượng vào TPHCM làm công nhân được 2 năm, song suốt 3 tháng qua 2 người đều rơi vào cảnh thất nghiệp khiến cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Việc làm không có, đã nhiều lần vợ chồng chị Phượng tìm cách đưa con về quê song không thành công.
“Có thể về nhà là yên tâm rồi. Em đã mong ngày này suốt mấy tháng qua, giờ chỉ mong sao chuyến đi bình an” - Nguyễn Thị Thu Huyền - trú huyện Hương Khê, Hà Tĩnh - nói qua điện thoại trong giọt nước mắt hạnh phúc.
Cô gái 25 tuổi này cho biết, vào làm công nhân cho một công ty ở TPHCM từ sau tết. Cuối tháng 5/2021, công ty có công nhân mắc COVID-19 nên những người đang mang thai như Huyền được cho nghỉ đầu tiên. Thất nghiệp, cô chỉ còn biết trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng, đang mang bầu tháng thứ 7, song Huyền nói “phải chắt bóp, chẳng dám tiêu chi cả để tiền chờ đi sinh”.
|
Người dân mặc đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển về quê |
Đầu tháng 7/2021, chồng của Huyền cũng rơi vào cảnh tương tự, phải đi cách ly tập trung do tiếp xúc với F0 trong công ty. “Gần 1 tháng qua em chỉ ở trong phòng trọ 1 mình, không dám ra ngoài vì xung quanh ngày nào cũng có ca mắc COVID-19 mới. Nhiều lúc ngồi nghĩ tình hình này không biết ít bữa làm sao sinh con, em lại khóc” - Huyền kể.
Cho đến khi nhận được thông báo có trong danh sách được miễn phí vé tàu về quê đợt 1, Huyền khóc vì quá vui. Huyền cho biết để đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển, cô đã mua 2 bộ đồ bảo hộ, nước sát khuẩn, kính chống giọt bắn mang theo để sử dụng. “Mang đồ bảo hộ cả ngày nóng và hơi khó chịu, nhưng vì đang mang thai nên em đành gắng để an toàn cho bản thân” - Huyền nói.
Hồi hương
Tối 24/7, chuyến tàu mang số hiệu SE14 khởi hành từ ga Sài Gòn chở theo 748 người dân quê Hà Tĩnh trở về quê tránh dịch. Đây là chuyến tàu đầu tiên chở người dân đang sinh sống, làm việc tại TPHCM và các tỉnh miền Nam gặp khó khăn do dịch COVID-19 hồi hương. Trong số hơn 3.000 người dân đăng ký hồi hương, Hà Tĩnh ưu tiên cho người bị bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, người cao tuổi, người khuyết tật được đi chuyến tàu đầu tiên.
Ít ngày trước, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập tổ công tác 8 thành viên gồm các lực lượng công an, y tế, lao động - thương binh và xã hội do Phó giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Nguyễn Lương Tâm làm tổ trưởng, mang theo nhiều vật y tế trực tiếp vào TPHCM để làm thủ tục đón bà con về quê.
|
Hơn 700 người dân Hà Tĩnh được đón về quê trên chuyến tàu đầu tiên |
Theo ông Tâm, đảm bảo an toàn trên đường về quê, người dân mỗi huyện được bố trí ngồi một toa riêng. Ngoài ra, tàu cũng đã dành một toa riêng để các thành viên tổ công tác thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch trên tàu và chăm sóc sức khỏe cho bà con; cùng một vùng đệm kế bên để dự phòng, cách ly các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ hoặc xử lý các tình huống y tế trong quá trình di chuyển.
Mấy hôm nay, bà Nguyễn Thị Liên - trú xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh - luôn cầm chắc chiếc điện thoại di động trong tay để theo dõi tình hình dịch bệnh ở TPHCM và gọi điện hỏi han sức khỏe 2 cậu con trai đang làm công nhân tại đây. “2 đứa con trai của tôi vào đó làm công nhân từ sau tết, nhưng mấy tháng nay phải thất nghiệp vì dịch, cũng không thể về. Đêm nào cũng nghe ca bệnh trong đó liên tục tăng nên sốt ruột lắm, chẳng thể chợp mắt được” - bà Liên nói.
Khi hay tin tỉnh nhà hỗ trợ phương tiện đưa con em về quê, bà đã vội thông báo tin vui này để 2 người con trai liên lạc với Hội đồng hương Hà Tĩnh ở TPHCM đăng ký, bà cũng lên UBND xã Thạch Văn đăng ký với chính quyền địa phương để thêm chắc ăn.
“Mừng lắm! Con em mình về quê không những người làm cha, làm mẹ ở quê nhà an tâm hơn mà như thế sẽ giảm bớt đi gánh nặng cho việc chống dịch ở trong đó. Tôi sẽ nhắc nhở con nghiêm túc cách ly theo định, tuyệt đối đừng chủ quan để rồi không may làm lây lan dịch cho gia đình, xã hội thì lại làm liên lụy mọi người” - bà Liên chia sẻ.
Theo kế hoạch, tàu SE14 sẽ về tới ga Yên Trung, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh rạng sáng ngày 26/7. Để đón hàng trăm khách đặc biệt này, nhà ga cũng đã bố trí khu vực đón khách ở bãi hàng có diện tích 3.000m2. Để tránh tình trạng lộn xộn, lãnh đạo Ga Yên Trung cho hay sẽ cho mở cửa từng toa tàu, cho công dân từng huyện một xuống, rồi lên xe do địa phương bố trí sẵn.
|
Các địa phương ở Hà Tĩnh chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly để đón người dân từ vùng dịch trở về |
Ngoài bố trí phương tiện đưa đón, các huyện ở Hà Tĩnh cũng đã kích hoạt các khu cách ly tập trung, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để đón công dân từ vùng dịch về. “Chúng tôi đã thuê 5 xe buýt chở người dân ở huyện này về khu cách ly tập trung. Ngoài ra, gần 20 người gồm công an, bộ đội, nhân viên y tế… cũng được tăng cường để phục vụ trong khu cách ly” - ông Bùi Nhân Sâm - Bí thư Huyện ủy Hương Sơn nói.
Sau chuyến tàu đón công dân đầu tiên này, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tổ chức các đợt đón công dân có nguyện vọng trở về quê. Trong đó, địa phương này đang xây dựng phương án bố trí một chuyến máy bay để đón khoảng 200 công dân có hoàn cảnh khó khăn từ TPHCM và các tỉnh phía Nam trở về.
Để sớm đưa người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 ở vùng dịch về quê, Sở Thông tin và truyền thông Nghệ An đã vận hành website http://dangkyveque.nghean.gov.vn. Đây là trang thông tin do Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông - Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An xây dựng và quản trị vận hành.
Người dân có nhu cầu về quê có thể đăng nhập và cung cấp các thông tin (tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp…) theo hướng dẫn và đăng ký điểm đón, phương tiện, địa điểm cách ly, địa điểm về sau cách ly để các cơ quan chức năng tổng hợp. Dự kiến, tỉnh Nghệ An sẽ đón công dân theo từng đợt, mỗi đợt đón có đủ 1.000 công dân đăng ký trở lên bằng đường tàu hỏa hoặc bằng đường hàng không.
|
Phan Ngọc