PNO - Lướt qua một vài hội nhóm cha mẹ, sẽ thấy không ít than phiền: “Con tôi chậm nói quá, làm sao đây?”. Vì quá lo lắng mà nhiều cha mẹ quên rằng để nói được, con cần nghe nhiều.
Dù biết việc trò chuyện sẽ giúp con phát triển năng lực ngôn ngữ, từ vựng, nhưng đôi khi chúng ta chưa quen việc nói chuyện với con khi con còn nằm ngửa, giống như đang nói một mình vậy. Thời gian đầu, tôi cũng rất ngại nói, và nhiều lúc cũng không biết nói gì với con. Nhưng dù vậy, tôi vẫn cứ nói chuyện “một mình”, vì tôi tin đó là nền tảng để con phát triển ngôn ngữ.
Có ba chủ đề chúng tôi thường nói với con hằng ngày để phát triển ngôn ngữ cho con.
Thứ nhất, nói với con về những nguy hiểm xung quanh, là chiếc quạt, là kẹt cửa, là xe trên đường… Bởi ngay từ khi ẵm ngửa, con đã luôn hiếu kỳ với thế giới quanh con, từ chiếc ổ điện, nồi cơm, ấm nước… Việc giới thiệu lặp lại vừa kích thích giác quan cho con, đồng thời giúp con ghi nhớ và hạn chế tiếp xúc với những thứ đó. Khi Bơ - con trai tôi - được tám tháng tuổi. Để con phân biệt nóng - lạnh, tôi đưa cho con hai chiếc chai, một chai đựng nước đá lạnh, và một chai đựng nước ấm, vừa đủ để con không bị bỏng. Khi con lại gần bếp hay nồi cơm nóng, tôi đều chỉ cho con: “Cái này rất nóng, đụng vào sẽ bỏng đấy Bơ ạ”. Tôi cũng giới thiệu với con về ổ điện, về chiếc quạt và nhắc con không được đụng vào.
Có lần, con muốn khám phá cục pin trong món đồ chơi, suýt chút nữa tôi đã theo bản năng giằng cục pin ra khỏi tay con. Pin rất độc và tôi không muốn con đụng vào, nhưng thấy con khóc mếu, tôi chợt hiểu con đang tò mò. Lấy lại bình tĩnh tôi nói: “Cái đàn này muốn chạy và phát ra âm thanh được thì cần có cục pin, nhưng pin rất độc, và pin không phải đồ chơi, Bơ không cầm chơi nhé. Nếu Bơ muốn lấy thì Bơ bảo bố mẹ nhé!”.
Có khi trẻ thích leo thang và con muốn đi thăng bằng trên gờ giường, nhiều cha mẹ lại ngăn cản không để con được thỏa mãn. Tôi nghĩ thay vì cấm hãy hỗ trợ để con được trải nghiệm và giúp con hiểu. Tôi nói: “Cái thang này cao và rất nguy hiểm, Bơ còn nhỏ, sẽ có thể bị ngã và đau lắm. Nên nếu Bơ muốn trèo thì gọi mẹ nhé, mẹ sẽ đỡ Bơ ở dưới. Bơ không tự ý trèo nhé!”.
Như vậy, con vừa thỏa mãn tính hiếu kỳ, vừa hình thành ý thức về những điều nguy hiểm, lại giúp con phát triển ngôn ngữ. Đến khi biết nói, mỗi lần nhìn thấy đồ nóng, con sẽ chỉ tay: “Nóng đấy, bỏng bỏng”. Nhìn thấy ổ điện, con bảo: “Nguy hiểm, không được đụng”. Khi muốn leo cầu thang, con sẽ gọi: “Mẹ đỡ Bơ, mẹ dắt tay Bơ”.
Thứ hai, nói về những hoạt động con làm. Suốt thời gian bên con, tôi thấy việc này rất có ích trong việc giúp con bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc. Nhờ đó, bố mẹ hiểu con hơn, hạn chế những lần con khóc, ăn vạ vì không đạt được điều con muốn. Khi chơi cùng con, tôi sẽ mô tả mọi điều đang diễn ra: “Chúng mình cùng xếp hình nào”, “cùng đọc sách nào”, hoặc khích lệ “Bơ xếp được rồi, cao nhờ”, “ôi đổ rồi”. Những gì nhìn thấy, những gì đang diễn ra, tôi đều nói ra, dù con chưa nói được nhưng con hiểu và ghi nhớ. Để khi biết nói, con sẽ tự biết diễn tả điều con muốn, có lúc con tự động viên: “Đổ rồi, không sao, Bơ xếp lại là được mà!”. Khi muốn tìm đồ, con sẽ biết gọi tên, khi con cáu giận vì không làm được như ý, con sẽ biết diễn đạt. Nhờ đó bố mẹ có thể dễ dàng hiểu được con cần gì thay vì đoán tại sao con khóc, rồi không hiểu lại mắng con.
Thứ ba, cùng con quan sát thiên nhiên. Đó là những gì khi con bước ra khỏi nhà, con ngước nhìn lên, quan sát, hay lắng tai nghe: cây cỏ, bầu trời, mặt nước, con vật, mọi thứ với con đều rất mới mẻ. Cái này tuy không khó nhưng vì đã quá quen thuộc với người lớn nên đôi khi chúng ta xem nhẹ và quên nói với con. Tuy vậy, điều này lại có tác dụng to lớn với sự phát triển khả năng quan sát, khả năng tập trung, phát triển giác quan: thính giác, thị giác và cả ngôn ngữ cho con. Không những thế hoạt động này cũng giúp nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên trong con. Tôi tin rằng một người biết cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên sẽ dễ tìm thấy sự an yên hơn.
Khi Bơ 23 tháng, con rất thích diễn đạt được điều con thấy. Chẳng hạn như: Ông mặt trời tỏa ánh sáng, gió thổi làm cây rung rinh, bạn chim hót líu lo líu lo, bạn cá cảnh đang bơi bơi, bạn chuồn chuồn bay bay...
Ngay từ bé, Bơ (con trai tác giả) luôn được nghe ba mẹ nói chuyện
Một hoạt động khác giúp gia tăng từ vựng cho con rất tốt, đó là đọc sách. Đọc sách cho con nghe ngay từ khi con chỉ vài tháng tuổi chính là một hoạt động vui chơi, gia tăng kết nối giữa bố mẹ và con hiệu quả. Bên cạnh đó, một lợi ích có thể thấy ngay của đọc sách chính là tăng vốn từ vựng. Khi hơn một tuổi, Bơ có thể nói “cơ man đồ đạc”, “bầu trời vần vũ”... Hai tuổi, con tự biết diễn tả: “Hôm nay Bơ có một trải nghiệm thích thú” sau buổi đi chơi, điều đó chính là học từ những cuốn sách con vẫn đọc hằng ngày.
Mọi điều nói với con, để con ghi nhớ và bật ra được chính là chuỗi lặp lại, nhắc lại, quan sát để hiểu con mỗi ngày. Dù con chưa biết nói, có lúc con chưa hiểu, có lúc con khóc đòi, nhưng tôi tin con sẽ hiểu, sẽ nhớ. Hãy bỏ qua suy nghĩ con chưa hiểu, con chưa biết gì, mà nói chuyện với con bằng một tâm trạng háo hức nhất có thể. Rồi bạn sẽ thấy, chậm nói không còn là mối lo.