Con đừng sợ, đã có người lớn lo

11/04/2020 - 05:49

PNO - Ngày nào cô ấy cũng răn đe con "coi chừng bị lây nhiễm". Những bảng tin diễn biến dịch bệnh tăng lên từng ngày được mở thường xuyên, khiến con bé bị ám ảnh.

Tôi mang cho em gái ít rau trái vườn nhà. Vừa tới cửa, em chặn lại, bảo: “Rửa tay đi chị, súc họng luôn cho chắc”. Thềm nhà em mới lắp bồn rửa, để sẵn xà bông diệt khuẩn, nước rửa tay khô, nước súc họng… Coi bộ nhỏ em tuân thủ triệt để các bước chống dịch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em thở dài, than: “Số ca nhiễm đã lên ba con số rồi chị. Cả ngày chẳng dám đi đâu. Ra đường sợ mang vi khuẩn về lây tụi nhỏ”. Tôi trấn an em: “Đề phòng cẩn thận là được. Em đừng lo lắng quá”. Em trợn mắt: “Chị chủ quan quá. Nó tới cái là vô khu cách ly, cách ly cả khu phố. Rồi sống kiểu gì?

Tụi nhỏ phải làm sao?...”. Dường như dọa bà chị khù khờ như tôi chưa đủ đô, em mở điện thoại cho tôi xem cảnh tiếp tế ở khu cách ly y hệt thời chiến, cảnh các bác sĩ quá tải, chợp mắt ngay bên bàn làm việc… Em kết: “Chẳng còn chỗ để cách ly, đông nghẹt hết rồi. Lơ mơ là “nó” tới mình”…

Bé Nhím, con gái em đang thập thò ở cửa, lo lắng nghe mẹ nó thuyết giảng. Tôi vừa định ôm Nhím thì con bé né ra: “Dì đừng ôm con. Cách con ra hai mét. Người dì có con corona”. Tôi sững lại, dở khóc dở cười trước thái độ hoàn toàn nghiêm túc của con bé.

Tôi nói với Nhím: “Dì từ nhà đến đây. Khu phố mình không có dịch. Dì cũng mới rửa tay, súc họng rồi, rất an toàn”. Nhím nhìn tôi, vẫn chưa mấy tin tưởng. Lát sau, Nhím mới dám ngồi cạnh tôi. Nhím thầm thì: “Corona rồi sẽ tới đây phải không dì? Cả khu phố rồi sẽ bị cách ly, vắng tanh y như mấy cái clip con đã xem. Con sợ lắm, không dám mở cửa, sợ con corona bay vào”. Tôi xót xa khi nhận ra con bé rất bất an.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi trấn an Nhím: “Con rửa tay, súc họng thường xuyên. Ra đường thì đeo khẩu trang, không đứng gần người khác. Phòng vệ đúng cách thì sẽ không bị lây bệnh”. Nhím thở dài y như bà cụ non: “Tối nào con cũng nằm mơ thấy bị ho, khó thở, nằm trong bệnh viện. Con sợ, không dám ngủ”. Tới đây thì tôi giận em gái quá chừng.

Ngày nào em cũng răn đe con coi chừng bị lây nhiễm. Những bảng tin diễn biến dịch bệnh tăng lên từng ngày được em mở thường xuyên, khiến con bé bị ám ảnh. Lẽ ra, khi dạy con phòng dịch, em cũng phải trấn an con rằng chúng ta sẽ an toàn nếu phòng vệ đúng cách. Cho dù có mắc bệnh đi nữa, thì cũng giống bệnh cúm, bác sĩ sẽ chữa khỏi… 

Chị đồng nghiệp của tôi hôm qua kể rằng, chồng chị ngày nào cũng than bị cắt giảm công việc, giờ làm, giảm lương. Anh căn dặn cả nhà phải tiết kiệm, tình hình ngày càng khó khăn, lơ mơ là thiếu đói. Nghe chồng nói, chị rầu rĩ theo.

Chị mua đồ ăn ít lại, căn dặn Bo xài điện nước phải tiết kiệm, nhà mình rồi sẽ không có tiền… Bo rất ngoan, răm rắp nghe lời. Bữa, chị phát hoảng khi thấy có chuột từ phòng Bo chạy ra. Mở tủ quần áo của Bo, chị sốc khi thấy chứa đầy snack, mì gói, kẹo bánh. Cả bàn học và đầu giường cũng có bánh.

Bo mếu máo nói sợ bị đói nên tích trữ đồ ăn. Chị chảy nước mắt, xót con, giận mình. Chỉ vì sự vô tâm của vợ chồng chị, khiến Bo bấy lâu sống trong lo lắng không đáng có.

Hôm qua, con gái tôi đọc bài báo nói về dịch châu chấu có khả năng tràn vào Việt Nam trong tháng sáu tới. Bé lo lắng hỏi tôi: “Có tấm lưới nào trùm hết cả nhà mình, cả sân vườn không mẹ? Con sợ châu chấu tràn vào nhà, ăn hết đồ ăn, rau trái trong vườn”.

Tôi liền trấn an con: “Khả năng châu chấu vào nước mình rất thấp. Chính phủ đã có kịch bản ứng phó nếu châu chấu vào. Người lớn chuyện gì cũng tính toán sẵn rồi. Con không cần phải lo”. 

Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI