Con đừng làm khổ người ta

02/10/2023 - 06:54

PNO - Mẹ sụt sùi khóc khi thấy chúng tôi thành đôi, nhưng cũng không quên “dí” trán tôi nhắc: “Anh đừng làm khổ con người ta, biết chưa?”.

Ngày đưa Liễu về ra mắt, mẹ kéo tôi vào góc nhà rồi nhìn chằm chặp vào mặt tôi hỏi: “Anh trả lời thật cho mẹ biết, anh có yêu cô ấy nghiêm túc không, có tính chuyện lâu dài không?”.

Tôi bật cười vì sự nghiêm trọng của mẹ, cầm lấy tay mẹ bảo: “Bọn con vẫn đang ở giai đoạn tìm hiểu nhau mà mẹ”. “Anh đã đưa nó về đây thì cũng phải xác định trong tư tưởng rồi chứ. Yêu đương mẹ không cấm, nhưng đừng làm khổ con người ta” - mẹ tôi nói.

Trên chuyến xe khách trở về thành phố, tôi để Liễu ngồi ghế trong, tôi ngồi ghế ngoài. Liễu chuyện trò một lúc, xe lắc lư và nàng gục vào vai tôi ngủ ngon lành. Tôi nhìn Liễu ngủ, khuôn mặt trong sáng, vô ưu… tôi bỗng nhớ đến đôi mắt rớm nước của mẹ.

Mẹ chưa từng kể với tôi về mối tình của ba mẹ, có lẽ vì nỗi đau mẹ không muốn khơi lại. Nhưng qua những câu chuyện tôi góp nhặt được từ các dì, các cô và bạn bè của mẹ, tôi biết ba mẹ tôi từng có một thời yêu nhau tha thiết nhưng gia đình ba tôi không ưng thuận.

Rồi mẹ có bầu, ba tôi hứa sẽ thuyết phục gia đình để xin cưới mẹ, nhưng rồi ba lại theo gia đình chuyển vào miền Nam sinh sống. Ngày đó, nhiều người khuyên mẹ bỏ cái thai trong bụng, nhưng mẹ nhất quyết không nghe. Mẹ khóc van nài ông bà ngoại: “Đứa bé trong bụng không có tội tình gì cả”.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Tôi đã chào đời trong sự quyết tâm và dũng cảm của mẹ. Tôi là cả cuộc sống của mẹ, hẳn là mẹ sẽ chiều chuộng tôi lắm. Hồi nhỏ, tôi đã từng nghĩ vậy cho đến khi mẹ cho tôi ăn những chiếc roi đầu tiên. Đó là năm tôi học lớp Ba.

Trong lớp tôi, có một bạn nữ rất đanh đá nhưng lại sợ côn trùng. Tôi không ưa bạn ấy nên có lần trước khi đi học, tôi đã nhón 2 con tằm đang bò lổm nhổm trên nong tằm ở nhà tôi gói vào lá dâu rồi đến lớp bỏ vào cặp bạn ấy. Khi phát hiện, bạn ấy đã hét toáng lên và suýt ngất vì sợ.

Sau giờ tan học, cô giáo đã đến nhà thông báo với mẹ tôi về việc tôi gây chuyện với bạn và yêu cầu tôi viết kiểm điểm. Tôi nép ở ngoài nghe rõ lời mẹ xin lỗi cô giáo và hứa sẽ không để tôi tái phạm nữa.

Buổi tối, ăn cơm xong tôi ngồi viết bản kiểm điểm để mai nộp cho cô. Tưởng vậy là xong, ai ngờ mẹ lại bắt tôi nằm úp mông, tay mẹ cầm cái roi dâu rồi hỏi: “Bạn ấy là con gái và con biết bạn ấy sợ sâu đúng không?”. Tôi thật thà gật đầu. Và rồi tôi bị lĩnh 2 roi, 1 roi vì cố ý làm bạn sợ, 1 roi vì cư xử không phải phép với bạn nữ.

2 roi nhớ đời đó đủ để mẹ gieo trong tôi lối sống có trách nhiệm, không gây tổn hại cho người khác, đặc biệt là biết tôn trọng phụ nữ. 

Trong ngày cưới của tôi và Liễu, lúc trao cho vợ chồng tôi cặp nhẫn mẹ mua bằng tiền dành dụm của cả một đời lam lũ, mẹ sụt sùi khóc khi thấy chúng tôi thành đôi, nhưng cũng không quên “dí” trán tôi nhắc: “Anh đừng làm khổ con người ta, biết chưa?”.

Giờ tôi đã là cha của 2 cậu con trai đang bước vào tuổi hẹn hò. Mẹ cũng đã khuất núi nhiều năm, nhưng những lời mẹ dạy đã ăn sâu trong tâm thức của tôi. Mẹ thương tôi thiệt thòi, thiếu sự yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ của ba; mẹ lại là người ít học, nhưng tôi biết những va đập và cám dỗ của cuộc sống, tôi đã vượt qua để tạo dựng và  giữ gìn cho mình một tổ ấm hạnh phúc chính là nhờ nằm lòng bài học giản dị của mẹ.

Tôi cũng đã làm điều đó cho các con, bởi tôi tin mỗi đứa trẻ nếu từ nhỏ được nuôi dưỡng và vun đắp bởi những điều đúng đắn, tốt đẹp sẽ là ngọn nguồn để hình thành những người trưởng thành tử tế. 

Thu Đức

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI