Con dừng học thêm, cha mẹ "vào việc"

18/02/2025 - 15:32

PNO - Từ hôm ngành giáo dục tạm dừng hoạt động dạy thêm, những phụ huynh đang giao con cho các thầy cô kèm cặp như tôi không khỏi lo lắng, bối rối.

Ảnh minh họa - Shutterstock
Ảnh minh họa - Shutterstock

Sau khi thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực, các lớp học thêm, trung tâm học thêm hầu như đều đã đóng cửa. Lướt một vòng quanh các diễn đàn, tôi thấy có nhiều luồng ý kiến, tâm trạng khác nhau.

Trong buổi tụ tập đầu năm của nhóm “ngũ long” chúng tôi, chủ đề được chị em bàn tán nhiều nhất vẫn là chuyện quản lý và kèm con học sau khi nhà trường tạm dừng dạy thêm.

Khác với tâm trạng lo âu, rối bời của chị em, Ngọc - cô em nhỏ tuổi nhất nhóm tưng tửng: "Em thấy như vậy lại hay. Cá nhân em xem đây là cơ hội để kiểm điểm bản thân, vì lâu nay quen phó thác việc dạy con cho thầy cô mà quên mất trách nhiệm của mình".

Tôi chột dạ vì những lời Ngọc bộc bạch. Bởi tôi cũng thấy mình trong đó. Hồi con học tiểu học, tôi vẫn thường xuyên gần gũi kèm cặp con nhưng rồi khi con lên cấp II việc học của con gần như tôi “khoán” cho thầy cô.

Lý do thì nhiều: công việc bận rộn, phương pháp giáo dục mới tôi chưa tiếp cận và có ti tỉ thứ tôi không có kiến thức để dạy con. Giải pháp hữu hiệu nhất là tìm giáo viên giỏi rồi cho con đi học thêm. Mẹ chỉ có việc đưa đón hoặc hôm nào vướng công việc thì gọi xe ôm công nghệ chở con đi. Con bé học tốt, chưa bao giờ bị cô thầy nhắc nhở về ý thức hay điểm số. Đó là thước đo cho sự an tâm của tôi. Bởi thế gần như cả năm trời tôi không ngó ngàng đến sách vở của con và cũng không biết được con đang học những gì. Ngoài học thêm các môn văn hóa, thời gian biểu của con cứ trống giờ tôi lại điền vào đó những môn năng khiếu chủ ý để con không có nhiều thời gian ôm ti vi hay lướt điện thoại.

Một lần, mẹ chồng lên chơi, tôi tình cờ nghe bà gọi điện về quê cho ông than phiền: "Mang tiếng là lên chơi với cháu nhưng có mấy khi gặp được cháu đâu, nó đi học suốt, hết học chính khóa, lại đi học thêm, có hôm chẳng kịp ăn cơm tối, mẹ nó phải mua đồ ăn nhanh cho nó ăn trên ô tô, thế có khổ không cơ chứ".

Tôi nghe vậy, biết vậy nhưng rồi cũng lờ đi vì xung quanh tôi, con của bạn bè, đồng nghiệp của tôi nhiều người cũng như vậy.

Từ hôm nhà trường tạm dừng học thêm, tôi bắt đầu lo lắng, bối rối. Nhưng chồng tôi lại suy nghĩ theo một hướng tích cực khác. Đây là cơ hội để cho con tự học, dành thời gian làm việc nhà, giải trí, gắn kết tình cảm gia đình. Anh "làm tư tưởng" cho tôi, tôi vỡ ra nhiều đều

Không phải tất thảy phụ huynh đều có thể hướng dẫn, kèm cặp con học hay học cùng con nhưng chúng ta có năng lực làm bố, làm mẹ để khuyến khích, thúc đẩy tinh thần tự học của con. Điều quan trọng là tạo cho con một môi trường thoải mái, vui vẻ để con có hứng thú học tập. Con không thể tập trung học bài khi mà ngồi vào bàn thì bố mở ti vi oang oang, mẹ “tám” chuyện điện thoại hàng giờ đồng hồ hay đang suy nghĩ đáp án cho một bài toán khó lại nghe bố cãi nhau ỏm tỏi.

Con không thể có động lực học tập khi mà hàng ngày phải nghe những lời phàn nàn chỉ trích, so sánh chỉ vì con chưa đạt được những điểm số, thành tích mà bố mẹ mong ước, kỳ vọng. Chấp nhận những gì con có, không ngừng động viên và khuyến khích con cố gắng để tốt dần lên, đừng cầu toàn và đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, có nghĩa là chúng ta đã tạo cho con một bầu không khí trong lành, hứng khởi để vượt qua những áp lực trong học tập.

Ngoài ra, chúng ta có thể tái tạo năng lượng cho con bằng những chuyến đi chơi, dã ngoại hay cùng nhau thư giãn tại nhà.

Không chỉ các con, phụ huynh chúng ta cũng cần "reset" (cài đặt lại) bản thân để có nhiều thời gian, không gian, nguồn năng lượng, cảm hứng dành cho con hơn. Chúng ta không thể toàn tâm toàn ý học cùng con, chơi cùng con khi mà trong đầu đang ngổn ngang những deadline, sự lo lắng, bực dọc…

Anh bạn tôi suýt bị vợ ly hôn vì 365 ngày trong năm không sắp xếp được một buổi để đưa con đi chơi. Lý do anh ấy đưa ra là “công việc ngập đầu”. Lý do đó liệu có đủ sức thuyết phục khi thực tế đã chứng minh cho dù bạn là ai, một khi trong bảng thứ hạng những điều được ưu tiên trong cuộc sống, đứng đầu là con cái thì tự khắc sẽ sắp xếp được một khoảng thời gian phù hợp cho con. Như ông sếp của tôi bận là thế nhưng không có trận thi đấu bóng đá nào con trai ông tham gia mà ông vắng mặt.

Tôi nhớ, cô em chồng tôi sau một lúc ngồi kèm con học thì “nội chiến” diễn ra. Mẹ bực tức hê tung sách vở, còn con thì khóc rấm rứt. Vậy nên, cô tính thuê gia sư kèm con nhưng một câu nói của bố chồng khiến cô phải thay đổi suy nghĩ: "Muốn dạy con trước hết phải sửa tính nết nóng nảy của mình đi đã!".

Sau một thời gian điều chỉnh, mẹ con dần dần bắt nhịp với nhau và kết quả tốt hơn mỗi ngày. Kinh nghiệm mà cô rút ra đó là: Học cùng con cũng là hành trình mẹ rèn giũa tính nết của mình.

Bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách cũng cần có thời gian để thích nghi. Thay đổi một thói quen không bao giờ dễ dàng nhưng nếu không bắt đầu thì sẽ chẳng khi nào có kết quả.

Trong hành trình đồng hành cùng con, bản năng làm cha làm mẹ sẽ giúp phụ huynh chúng ta tìm ra đường hướng mới cho con của mình nếu như chúng ta thực sự sát sao để tâm và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của mình.

Tôi tin chúng ta và con cái chúng ta sẽ dần quen với sự thay đổi này, sẽ làm được cả những điều tưởng như không thể nếu đồng lòng, quyết tâm.

Thu Đức (Hà Nội)

.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI