Con đột nhiên chống đối

20/01/2025 - 07:35

PNO - Muốn giảm bớt những xung đột với con, bạn cần học cách làm bạn với trẻ để có thể lắng nghe, trò chuyện với con và hiểu điều con mong muốn.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em có con đang học lớp Bốn. Gần đây, mỗi khi muốn điều gì hoặc bị quát mắng, cháu thường có thái độ chống đối như: rạch sách vở, nhìn chằm chằm vào bố mẹ hoặc người tác động đến cháu... Rất mong nhận được tư vấn của chị.

Trần Thị Hồng

Ảnh minh họa: Internet

Bạn Trần Thị Hồng thân mến,

Con bạn đang ở lứa tuổi khá nhạy cảm mà các nhà tâm lý gọi là giai đoạn tiền dậy thì. Những thay đổi tâm lý của trẻ thường hết sức rõ ràng và có 2 dạng: có trẻ trở nên bướng bỉnh, chống đối; có trẻ lại khép kín, rụt rè, giữ khoảng cách với cha mẹ.

Với trẻ, đây là khoảng thời gian thiếu ổn định về hành vi và cảm xúc. Trẻ đang muốn khẳng định bản thân, muốn được người khác công nhận.

Ở trẻ lúc này, tính tự chủ và tự tin bắt đầu phát triển mạnh. Trẻ xây dựng nhận thức về bản thân qua những lời khen ngợi của mọi người; trẻ muốn được độc lập, không muốn bị can thiệp quá sâu vào những gì trẻ nghĩ mình tự làm được; trẻ cũng thường cho rằng mình đã lớn, muốn có không gian riêng và muốn thể hiện bản thân nhiều hơn.

Trong giai đoạn này, trẻ thường rất nhạy cảm, thất thường. Trẻ dễ khóc, tức giận, mất bình tĩnh. Bướng bỉnh, ngang ngược, phản ứng quá mức khi bị rầy la, mắng mỏ là những biểu hiện thường gặp ở độ tuổi 8-10.

Sự thay đổi tâm lý trên phát xuất từ những sự phát triển nhận thức, khi trẻ đang khám phá bản thân và môi trường xung quanh. Trẻ cũng phát triển tư duy phê phán, so sánh, đánh giá bản thân. Những điều đó liên quan đến cách cư xử của chính bố mẹ với trẻ.

Hiểu biết những điều cơ bản về tâm lý trẻ giai đoạn tiền dậy thì sẽ giúp cha mẹ bình tĩnh hơn trước những phản ứng chống đối của trẻ. Bạn cần hiểu những thay đổi của con là điều tự nhiên của lứa tuổi để chấp nhận chúng, khoan dung và nhẹ nhàng hơn

Vẫn là một nguyên tắc cơ bản trong mọi mối quan hệ, nhất là với con cái: Để giảm bớt xung đột, bạn cần học cách làm bạn với trẻ để có thể lắng nghe, trò chuyện cùng con và hiểu điều con mong muốn.

Khi con được cha mẹ lắng nghe và chia sẻ thay vì bắt buộc hay quát mắng; khi con được cha mẹ trao một số quyền cơ bản (thể hiện ý muốn, tranh luận với cha mẹ về những điều con muốn hay không muốn...), con mới thực sự được phát triển một cách tự nhiên.

Dạy con ở lứa tuổi này có vô số điều khó khăn mà vài trăm chữ trong một bài tư vấn không thể nói hết. Nếu cảm thấy quá khó khăn, bạn cũng có thể cùng con đến gặp chuyên gia tâm lý để được cho những lời khuyên tốt nhất giúp mối quan hệ với con trẻ được hài hòa, cởi mở hơn.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI