Con đòi đi xe xịn để 'lấy số' với cô bạn học

10/06/2017 - 10:25

PNO - Giờ cháu một mực đòi phải đi học hè bằng xe SH của bố, không chịu đi xe của mẹ. Vì sự an toàn của con, chúng tôi rất đắn đo.

Giờ cháu một mực đòi phải đi học hè bằng xe SH của bố, không chịu đi xe của mẹ. Vì sự an toàn của con, chúng tôi rất đắn đo.

Tôi có ba con trai, cháu lớn chuẩn bị vào lớp 11. Từ nhỏ đến giờ vợ chồng tôi toàn đưa đón con đi học, kể cả học thêm, ngoại khóa; mà chủ yếu là mẹ cháu đưa đón.

Con doi di xe xin de 'lay so' voi co ban hoc
Mẹ đừng chở con nữa

Hết năm học lớp 10, cháu đề nghị: “Năm học tới con tự chạy xe máy, mẹ đừng chở con nữa. Mẹ lùn quá, con ngồi sau mắc cỡ lắm”. Cháu nói vậy làm mẹ rất buồn. Tôi hiểu con nói như vậy chỉ là muốn chứng tỏ mình đã trưởng thành, cao lớn, chứ không có ý gì khác.

Tôi còn nghĩ, ủ con như vậy là quá đủ rồi, đã đến lúc con phải tự lập. Thế nhưng, tôi thực sự buồn và bất ngờ khi nghe bạn con kể, con thích đi xe SH vì trong lớp không bạn nào có, con đi để “lấy số” với cô bạn học đang có bạn trai đi chiếc xe giống vậy.

Giờ cháu một mực đòi phải đi học hè bằng xe SH của bố, không chịu đi xe của mẹ. Vì sự an toàn của con, chúng tôi rất đắn đo.

Đồng Vân
(Q12)

Anh Đồng Vân mến, 

Cha mẹ nào cũng luôn lo lắng cho sự an toàn của con, trong khi các con thì ít nghĩ đến điều đó, mà chỉ quan tâm đến sở thích cá nhân, muốn bạn bè có thì mình phải có… Con trai anh học lớp 11 là đang tuổi lớn, đã bắt đầu biết chú ý đến bạn khác phái nên xem trọng hình ảnh bề ngoài, muốn mình thật “bảnh” trong mắt bạn gái nói riêng và bạn bè nói chung.

Con doi di xe xin de 'lay so' voi co ban hoc
Con trai đã biết chú ý đến bạn khác phái

Đây cũng là suy nghĩ cha mẹ cần hiểu và chia sẻ với con, tránh la mắng chê bai, hay nặng nề kết án con đua đòi, gây căng thẳng, xung đột với con. Cha mẹ nên đồng hành cùng con, làm bạn với con mới có thể trò chuyện, định hướng cho con biết hành động đúng.

Con anh có điểm tốt là muốn tự lập, muốn tự đi xe đến trường. Đây là mong muốn chính đáng, vì lớp 11 cháu đã đủ lớn để thực hiện việc tự lập này. Hơn nữa, nếu mẹ cháu có vóc dáng nhỏ hơn con trai thì cũng không nên tiếp tục việc đưa đón con vì có thể không an toàn.

Anh có thể khuyên chị nên nghĩ thoáng theo hướng con nói vậy là do biết thương mẹ, chứ không phải con trai chê mẹ bé nhỏ, để chị hiểu mà nhẹ lòng hơn. Còn với việc con đòi đi xe SH, anh chị cần trao đổi lại với con xem có thật sự cần thiết không, có đúng quy định của Luật Giao thông về độ tuổi được đi xe máy, loại xe được phép sử dụng?

Khi anh chị phân tích dựa trên sự tôn trọng nhu cầu của con, chia sẻ tâm lý muốn thể hiện bản thân của con, con sẽ hiểu điều gì nên làm, điều gì chưa nên làm… Từ đó, con sẽ có sự cân nhắc đối với yêu cầu của mình cho phù hợp. 

Thật ra, đòi hỏi chiếc xe chỉ là biểu hiện của nhu cầu thích thể hiện bản thân với bạn bè của con. Như vậy, có lẽ con trai anh chị chưa hiểu hình ảnh bản thân thực sự đẹp trong mắt người khác, thu hút người khác không phải ở vẻ bề ngoài, ở những phương tiện vật chất người đó sử dụng, mà là ở thái độ, hành vi, kiến thức và những việc làm cụ thể của người đó trong tương quan với mọi người xung quanh.

Chính những điều này mới nói lên người đó là ai vì việc đánh giá một con người là dựa trên bản chất, năng lực của con người đó. Phải chăng cháu chưa đủ tự tin về bản thân? Cha mẹ cần khen ngợi con nhiều hơn để con thấy dù mình có đi xe gì, mặc trang phục thế nào thì mình vẫn phải chính là mình mới thật sự đẹp.

Chiếc xe chỉ là phương tiện đi lại, việc đảm bảo sự an toàn mới là điều quan trọng nhất. Chiếc xe hay bất kỳ một vật dụng nào cũng chỉ đẹp khi nó phù hợp với người sử dụng về tuổi tác, vóc dáng, sự vững vàng…

Mong anh chị bình tĩnh và kiên nhẫn để cùng con chọn giải pháp phù hợp với nhu cầu, sự an toàn của con và điều kiện của gia đình. 

Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI