Mới cách đây hai ngày thôi, cả nhà còn ríu rít trò chuyện trong bữa cơm chiều. Bé Hoa hỏi mẹ: “Anh Minh đi học rồi, con chuyển sang phòng anh nhé, lớn rồi không ngủ với ba mẹ nữa đâu”. Vợ tôi cười tươi bảo con trai: “Con xem đồ đạc thiếu gì nữa không để mẹ mua thêm, xa nhà là phải biết tự lập”.
Còn tôi đang tính toán xem không biết cho con ở trọ hay ký túc xá. Trong khi con trai chỉ im lặng cười: “Cứ từ từ đã mẹ, đợi kết quả thi tốt nghiệp rồi tính”. Cả nhà rộn ràng như thế bởi vì cách đây hai tuần, con trai tôi vừa hoàn thành xuất sắc phần thi năng khiếu vào đại học thể dục thể thao, chỉ cần đậu tốt nghiệp là có thể nhập học.
|
Vợ tôi trốn tránh, không chấp nhận được kết quả thi của con. Ảnh minh họa |
Vậy mà, ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi, vợ chồng tôi đã bị một cú sốc lớn: con trai chỉ đạt 4,98 điểm xét tốt nghiệp, đồng nghĩa với thi trượt. Mặc dù, tôi biết con mình học không giỏi nhưng kết quả này là ngoài sức tưởng tượng.
Nhớ mấy ngày đi thi về, sợ con lo, tôi không dám hỏi con làm bài thế nào chỉ thấy con rất tự tin nên yên tâm. Vả lại, tôi cứ nghĩ như mình ngày xưa, đậu tốt nghiệp chỉ làm chuyện nhỏ, đậu đại học mới khó. Tôi quên mất rằng thi cử bây giờ đã khác rất nhiều, chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể hỏng thi như chơi.
Tới phút này chúng tôi mới hiểu, đối mặt với thất bại của bản thân còn dễ dàng hơn khi nhìn thấy cảnh con thi trượt. Dù khá mạnh mẽ và cứng rắn nhưng con trai đã tự nhốt mình trong phòng, bỏ cả ăn uống.
Hình đại diện trên Facebook của con đổi thành màu đen tối thui và ngưng tương tác, điện thoại tắt nguồn, tôi hiểu con đang rất khó khăn khi chấp nhận điều này. Chính tôi cũng không tin, gần ba chục lần tra cứu và tính toán lại điểm thi nhưng kết quả vẫn vậy.
Vợ tôi khóc nhiều, cô ấy gần như thức cả đêm, mày mò tra điểm của con đồng nghiệp, bạn bè, người quen thi đợt vừa rồi. Tất cả đều đậu, thậm chí điểm cao, chỉ mình con tôi trượt. Vợ cũng lặng lẽ khóa Facebook xin nghỉ làm vài hôm để tránh những lời hỏi han về kết quả thi cử của con.
Con trai tôi thích thể thao từ nhỏ nên vợ chồng tôi xác định sẽ cho con theo đuổi đam mê. Việc học ở trên lớp chỉ đạt ở mức trung bình khá nhưng con vẫn lên lớp đều đặn và có hạnh kiểm tốt.
Với tôi như thế là đủ bởi khả năng của con mình chỉ đến như thế không thể yêu cầu cao hơn. Mặc dù không có thành tích trong học tập nhưng con liên tục gặt hái thành công đem lại thành tích cho trường qua các hội thi thể thao học đường và hội khỏe phù đổng.
Tôi vẫn tâm niệm, không thể bắt một vận động viên điều kinh hay cầu thủ bóng đá phải giỏi văn hoặc toán nên không bắt ép con học vì bất cứ lý do gì. Nhưng rồi, có lẽ chính sự chủ quan đó đã dẫn đến kết quả ngay hôm nay khi vợ chồng tôi để con phát triển theo năng khiếu tự nhiên, không đặt nặng về việc học trên lớp.
Tất nhiên, kết quả của con khiến nhiều người bất ngờ, ngay cô giáo chủ nhiệm gọi điện động viên và gợi ý làm đơn phúc khảo cũng không nén nổi tiếng thở dài: “Em không ngờ Minh lại trượt anh à, cháu học không đến nỗi tệ”.
Tôi vẫn động viên con, chuyện thi cử nhiều lúc cũng dựa vào may mắn nữa nhưng bản thân khó có thể chấp nhận được kết quả. Con khóc và thừa nhận, nhiều bài thi trắc nghiệm con làm đúng nhưng không chắc chắn sửa lại thành sai. Thi xong dò đáp án đã không yên tâm, nhưng vẫn hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến.
|
Tôi từng thất bại trong kinh doanh và gặp những biến cố lớn nhưng sao chưa bao giờ thấy khó vượt qua như lần này. Ảnh minh họa |
Tôi không trốn tránh, không giấu chuyện con thi hỏng nhưng cảm giác không mấy dễ chịu. Lướt Facebook thấy mọi người khoe điểm thi, đến cơ quan đồng nghiệp có con cùng tuổi đang bàn thảo xem đổi nguyện vọng thế nào cho chắc ăn, tôi như người ngoài cuộc.
Dẫu biết, kết quả của một kỳ thi không quyết định cả cuộc đời nhưng đối mặt với việc thi hỏng của con không hề dễ dàng. Tôi từng thất bại trong kinh doanh và gặp những biến cố lớn nhưng sao chưa bao giờ thấy khó vượt qua như lần này.
Đó là cảm giác bất lực khi không biết sẽ phải tiếp cận an ủi vợ con ra sao. Đó là cảm giác bực bội khi ai đó hỏi han về điểm thi của con rồi khi đã rõ, họ lặng lẽ thở dài vỗ vai an ủi nói vài lời động viên sáo rỗng mà không biết thực chất trong đầu họ đang nghĩ gì.
Có lẽ, tôi phải xin nghỉ phép để đưa cả nhà đi đâu đó chơi vài ngày. Dù không hết buồn ngay nhưng cũng tránh được áp lực và ảnh hưởng ồn ào từ kỳ thi cho đến khi con bình tâm trở lại. Khi ấy, tinh thần ổn định để chấp nhận thất bại, và có lẽ cú sốc thi trượt cũng nguội dần.
Bằng Phong