Cần Giờ: choáng với giá đất 20 triệu/m2
Cách nay khoảng ba năm, người đi đường tìm “đỏ mắt” mới thấy vài tấm biển bán đất, sàn giao dịch bất động sản nhỏ lẻ. Thậm chí tại huyện Cần Giờ, nhiều thời điểm sàn giao dịch bất động sản gần như biến mất hoàn toàn. Nhưng hiện nay những ai có dịp đến đây sẽ không khỏi “choáng” trước cảnh: người người bán đất, nhà nhà làm “cò” đất.
Vừa qua phà Bình Khánh là xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Hai bên đường Rừng Sác biển bán đất mọc lên như “nấm”. Từ cửa hàng bán tạp hóa đến bán cơm, cà phê, photocoppy... đua nhau kiêm thêm dịch vụ “cò” đất. Các sàn giao dịch bất động sản thi nhau treo băng rôn, dán tờ rơi khắp các cột đèn, cột điện, cây xanh ven đường.
Nghe chúng tôi hỏi thăm mua đất, một chị bán cà phê kiêm dịch vụ nhà đất lập tức kéo một xấp giấy chủ quyền ra: “Đất ruộng, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi tôm... muốn loại nào cũng có. Giá từ 14 triệu - 18 triệu đồng/m2. Mua nhanh kẻo hết, cầu Bình Khánh sắp xây rồi” - chị chủ quán tiếp thị.
|
Đất đai bất ngờ lên cơn "sốt", người dân Cần Giờ đua nhau xẻ đất bán |
Tôi chê giá cao, chị tiếp lời: “Tất nhiên giá bây giờ phải khác so với trước đây nhưng tôi đảm bảo mua là có lời ít nhất từ 50 triệu - 100 triệu trong vòng ba tháng. Không tin cứ mua xong gửi lại tôi bán cho. Nếu bán không được tôi trả tiền”. Theo người dân nơi đây, cách nay khoảng một năm, giá đất khu vực này chỉ khoảng từ 8 triệu - 10 triệu đồng/m2.
Chúng tôi tiếp tục di chuyển về hướng biển Cần Giờ, đến khu vực cầu An Nghĩa, giá đất “mềm” hơn do dân cư thưa dần nhưng giá vẫn dao động từ 6 triệu - 10 triệu đồng/m2. Trong các khu dân cư, giá đất mặt tiền đường Trần Quang Quởn từ 5 triệu - 7 triệu đồng/m2. Tại xã Tam Thôn Hiệp, giá đất từ khoảng 4 triệu - 7 triệu đồng/m2 (tăng gần gấp đôi so với cách nay một năm).
|
Từ vườn cây ăn trái đến ao tôm, người dân đua nhau bán tất |
Tuy nhiên, cơn “sốt” đất ở đây chưa phải đỉnh điểm, đến xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh chúng tôi không khỏi choáng ngộp trước cảnh mua bán đất ở đây. Từ mặt tiền đến đường hẻm tràn ngập biển bán đất. Từ đất trồng xoài đến đất nuôi tôm, người dân đua nhau cắt bán. Theo người dân ở đây, thị trường nhộn nhịp đến nỗi vào các dịp cuối tuần, các khách sạn mini quanh thị trấn luôn rơi vào cảnh “cháy” phòng.
Đường Duyên Hải (đoạn từ chợ Cần Giờ đến nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác), giá dao động từ khoảng 5,5 triệu - 20 triệu/m2 (tùy vị trí, diện tích). Trong đó, đất có diện tích từ 1.500 m2 - 4.000 m2 có giá từ 5,5 triệu - 7 triệu/m2. Diện tích từ 350 m2 - 500 m2 giá từ 8,5 triệu - 10 triệu/m2. Các thửa đất có diện dưới 300 m2, giá từ 10 triệu - 20 triệu/m2. Theo người dân nơi đây, giá đất hiện tăng gần gấp đôi so với cách nay một năm.
Củ Chi: “đầu nậu” đua nhau gom đất thổi giá, xây nhà bán
Tại huyện Củ Chi, tình hình sốt giá đất nền cũng không kém. Những làng quê yên tĩnh ngày nào giờ cứ vào dịp cuối tuần nườm nượm “cò” dẫn khách đi mua nhà, đất. “Có lúc họ đưa một đoàn gần cả trăm người đến xem đất. Ô tô, xe khách đậu kéo dài cả cây số. Có người còn đòi mua luôn đất của tui, nhưng tui không có nhu cầu bán. Thiên hạ ở đâu mà nhiều tiền dữ vậy không biết?” - bà Nguyễn Thị Ba (ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) nói.
Trên đường Hà Duy Phiên, Nguyễn Thị Rành… nơi được giới “cò” đất tung tin sẽ xây dựng siêu dự án 15.000 hecta của Tập đoàn Tuần Châu, hai bên đường dài đặt biển rao bán nhà, đất. Từ đất ruộng, đất vườn đến đất thổ cư đều có với giá cao ngất ngưỡng. Anh T. (một người làm dịch vụ môi giới nhà đất ở đây) giới thiệu, thửa đất 450m2 thuộc đất trồng cây lâu năm, giá 8 triệu đồng/m2.
“Giá không thương lượng, được thì mua, không thì thôi bởi ở đây giá đất tăng theo ngày. Anh chị không mua, ngày mai quay lại có thể không còn giá này nữa” - anh T. khẳng định. Một người dân ở đây tiết lộ, cách nay khoảng hai tuần, người đang bán thửa đất này chỉ mua có 6,8 triệu/m2”.
|
Ở huyện Củ Chi, "đầu nậu" còn đua nhau gom đất xây nhà "hộp diêm" bán |
Tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi nhiều khu vực giá còn “đỉnh” hơn, từ khoảng 3 triệu - 15 triệu đồng/m2. Trong đó, giá được “hét” cao nhất ở khu dân cư làng Việt Kiều: 15 triệu đồng/m2.
Không chỉ sốt đất, nhiều đầu nậu còn đến đây gom đất, lách luật phân lô xây nhà “hộp diêm” bán. Gần Khu công nghiệp Tân Phú Trung, đang có rất nhiều khu nhà “hộp diêm” đang rầm rộ mọc lên. Với diện tích 3m x 10m, đầu nậu hét giá 580 triệu đồng/căn.
Tất cả các căn nhà này đầu chung tình trạng pháp lý: chung giấy chủ quyền, chung điện, chung nước, chung số nhà... rất nguy hiểm cho người mua. Việc mua bán được “đầu nậu” lấp liếm bằng cách đi xác nhận thừa phát lại thay vì đi công chứng. Nhiều người không biết cứ nghĩ căn nhà của mình mua bán hợp pháp.
Coi chừng trắng tay vì “dính” quy hoạch
"Bảng giá đất thành phố ban hành luôn thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Tình trạng “sốt” đất hiện nay sẽ khiến độ vênh càng lớn. Nếu thửa đất người dân mua không may đã “dính” quy hoạch hoặc Nhà nước áp quy hoạch mới, người mua đất sẽ bị thiệt hại lớn khi đền bù, giải tỏa”.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng - Chuyên gia bất động sản
Nhà nước phải có giải pháp hạ nhiệt đất nền
Trong vòng một năm qua, giá đất nền đã tăng đến 30%, có khu vực tăng đến 70%. Tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ giá bán trung bình lên đến từ 10 triệu - 12 triệu đồng/m2; giá đất nông nghiệp một số khu vực huyện Củ Chi tăng đến 50% trong bốn tháng đầu năm 2017. Có chỗ lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2. Giới “đầu nậu” và “cò” đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng này và là bên thủ lợi nhiều nhất trong cơn “sốt giá ảo” hiện nay. Hậu quả làm méo mó thị trường bất động sản, đe dọa sự phát triển lành mạnh của thị trường. Cơ quan Nhà nước cần có giải pháp hạ nhiệt kịp thời, không để xảy ra vỡ “bong bóng” gây thiệt hại dây chuyền trên toàn thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TP.HCM
Kiểm soát chặt dự nợ bất động sản
Trong thời gian qua tính dụng đổ vào bất động sản rất lớn. Theo quy định về chỉ số an toàn trong tín dụng: chỉ sử dụng 50% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Trong khi năm 2015, chúng ta sử dụng 60% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Vì vậy, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kéo chỉ số này xuống mức an toàn. Kiểm soát chặc chẽ cơ chế chính sách ngân hàng, bằng mọi cách không để xảy ra “bong bóng” bất động sản. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát rủi ro ở lĩnh vực: BOT và bất động sản.
Kết quả thống kê quý 1/2017 cho thấy, tổng dư nợ hiện nay trên 1 triệu 500 nghìn tỉ. Trong đó dư nợ bất động sản chiếm 10,88%. So với đầu năm, dư nợ bất động sản tăng trên 4%. So với các năm trước, dư nợ bất động sản đang ở mức cao nhất. Tuy nhiên, mức dư này chưa phải là cao, thời điểm “bong bóng” bất động sản vỡ năm 2007, 2008, tính dụng bất động sản chiếm đến 29% - 31% trong tổng dư nợ. Như vậy, dư nợ bất động sản hiện nay vẫn an toàn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc ngân hàng nhà nước (Chi nhánh TP.HCM)
|
Phan Trí - Huế An