Con đi thi, cả nhà… nín thở

25/06/2017 - 09:49

PNO - Gần nửa tháng trước kỳ thi, không khí nhà tôi căng như dây đàn vì phải ưu tiên nhiều thứ cho đứa con gái học lớp 12 nên mọi sinh hoạt trong nhà đều bị đảo lộn.

Con tôi vừa kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, chưa biết kết quả ra sao nhưng vợ chồng tôi như trút được gánh nặng. Suốt hai ngày con đi thi, thấp thỏm chờ đợi ở phía bên ngoài tôi mới thấy áp lực đặt lên vai ba mẹ có lẽ còn nặng nề hơn cả thí sinh dự thi.

Để con có tinh thần thoải mái, ba mẹ sẵn sàng nín nhịn, chiều chuộng cả những sở thích yêu cầu “quái dị” của con. Tất cả chỉ với một mong muốn duy nhất là con sẽ làm bài thật tốt. Câu chuyện của gia đình tôi là một ví dụ điển hình.

Con di thi, ca nha… nin tho
Ảnh minh họa

Quả thực, gần nửa tháng trước kỳ thi, không khí nhà tôi căng như dây đàn vì mọi ưu tiên đều dành cho đứa con gái học lớp 12 nên sinh hoạt trong nhà bị đảo lộn. Cả nhà đều thực hiện “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” để tránh những bực bội không đáng có cho con.

Nhiều lúc, tôi rất bực mình nhưng cũng phải cố nén lại để không gây gổ. Con bảo, ở trên phòng học không được nên cứ đem sách vở xuống phòng khách ngồi học. Vậy là, mọi sinh hoạt ở tầng 1 đều ngưng lại để dành không gian cho con, kể cả việc nấu ăn cũng phải xem thử con đã nghỉ chưa mới dám bật bếp vì chỉ cần tiếng động là con kêu “ồn quá, làm sao mà học” khiến cả nhà thấy có lỗi.

Đó là chuyện sinh hoạt còn ăn uống là một vấn đề khá phức tạp. Không biết con học ở đâu mà kiêng khem đủ thứ, trong bữa cơm tuyệt đối không có trứng, tôm, thịt bò hay thức ăn màu đen (kể cả xì dầu), đậu phộng... nói chung tất tần tật những gì có thể mang lại xui xẻo theo quan niệm của con.

Con di thi, ca nha… nin tho
Cả nhà cùng thi với con. Ảnh minh họa

Ôn thi đã vậy, ngày đi thi còn phức tạp hơn. Ba mẹ xin nghỉ làm sẵn sàng để chở con đi nhưng con nhất quyết không chịu vì không hợp tuổi. Người mà con chọn là bác họ ở cách nhà gần 20km. Vậy là, để chiều theo ý con, vợ chồng tôi phải tất tưởi về quê, năn nỉ đón bác lên nhà.

Vì nể nang, bác bỏ hết công việc lên ngồi không để chờ chở cháu đi thi trong khi trường cách nhà chưa đầy 1 km. Bác chở con đi trước, vợ chồng tôi lẽo đẽo theo sau. Mà theo yêu cầu của con, khi đi trên đường, tuyệt đối không được dừng lại nên bác đã phải liều mình vượt cả đèn đỏ khiến vợ chồng tôi thót tim.

Trước khi đi thi, con thỏa thuận là khi về, không được ai hỏi han về làm bài được không vì con không muốn phân tâm để tập trung cho môn thi tiếp theo. Vậy là, thấy con ra khỏi phòng thi muốn quan tâm cũng chẳng dám hỏi, chỉ lặng lẽ đi theo về. Con còn yêu cầu, chỉ ăn những gì liên quan đến đậu và màu đỏ làm tôi phải nát óc tìm món phù hợp. Tất cả chỉ loanh quanh những món: chè đậu đỏ, nước đậu nành, đậu phụ xốt cà chua, rau dền, đậu cô-ve xào, giá đỗ, xôi đậu...Mà nhọc công nấu nướng nhưng con có ăn được bao nhiêu đâu.

Nói chung khi thi xong, vợ chồng tôi vẫn không biết tình hình con làm bài thế nào vì con không chịu nói. Thà con nói làm bài “ổn” thì đỡ lo hoặc “chưa ổn” để ba mẹ đừng kỳ vọng có lẽ đỡ hồi hộp hơn. Đằng này, cứ như một trò ú tim chưa đến hồi kết.

Tôi cứ nghĩ mỗi mình con tôi khó tính kiêng khem như vậy nhưng chứng kiến cảnh một số thí sinh phản ứng với ba mẹ ngay tại cổng mới thấy “hình như đứa nào cũng thế”. Một cô bé bước ra khỏi trường thi, đáp trả câu hỏi và vẻ mặt lo lắng của mẹ: “làm bài được không con?” bằng vẻ mặt nhăn nhúm và câu nói nhát gừng: “do mẹ hết, con đã nói không ăn rồi mà cứ ép” rồi đi thẳng khiến bà mẹ sững sờ. Có cậu bé hất văng cả chai nước bố đưa vì cáu gắt.

Đúng là, sinh con ra và nuôi con lớn đã khổ, lo cho con đi thì càng cực khổ hơn nữa. Biết bao giờ con mới thấu hiểu sự lo lắng của ba mẹ dành cho mình. Nhớ lại ngày xưa, tôi đi thi chỉ “một mình một ngựa”, chẳng để ba mẹ phải lo lắng mà sao đến lượt con mình lại khổ sở đến thế. Phải chăng, kỳ vọng ba mẹ quá lớn khiến con trẻ áp lực hay chính ba mẹ cũng đang tạo áp lực cho chính mình?

Sam Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI