“Còn đi được, tôi còn về Côn Đảo”

27/07/2022 - 10:24

PNO - Ông nhấn mạnh từ “về” khi kể lại bao lần ghé Côn Đảo của mình. Với ông, mảnh đất từng được ví “địa ngục trần gian” này cũng là “trường học lớn”. Đặc biệt, giữa lao tù khốc liệt, ông tiếp tục hoạt động cách mạng trong Đảng bộ Lưu Chí Hiếu (thành lập ngày 3/2/1972). Ông là Trung tướng Châu Văn Mẫn - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

“Đảng bộ Lưu Chí Hiếu gồm 10 chi bộ, mỗi phòng giam của trại 6B là một chi bộ, sinh hoạt trong chi bộ là những người tù bị câu lưu. Bằng ngòi bút, chúng tôi đấu tranh để bảo vệ khí tiết, nhân phẩm, đòi quyền dân sinh cho người tù bị giam giữ tại Côn Đảo” - ông Mẫn kể. 

Bấy giờ, theo phân công của Đảng ủy, hằng ngày, ông Mẫn miệt mài ghi chép, biên tập các bản tin gửi cho từng chi bộ. Đó là các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng bộ, kế hoạch đấu tranh, tin tức thời sự từ radio giấu kín trong bức tường trại giam, các bình luận chính trị và thông tin giải trí… Giấy là thùng các-tông xé mỏng, mực được chế từ pin, nghệ, thuốc sát trùng. Những lúc địch đàn áp dã man, thông tin liên lạc được gửi đến nhau bằng mã morse, ký hiệu quạt và những khoảnh khắc tù nhân được cho tắm nắng.

Trung tướng Châu Văn Mẫn và đoàn công tác dâng hương tại Trại B6 Phú An.
Trung tướng Châu Văn Mẫn và đoàn công tác dâng hương tại Trại B6 Phú An

Đảng bộ Lưu Chí Hiếu lớn mạnh từng ngày, trở thành điểm tựa vững chắc cho toàn trại giam. “Phong trào đấu tranh của người tù ngày càng mạnh mẽ.

Có lúc, chúng tôi tuyệt thực 19 ngày để đòi quyền dân sinh, dân chủ. Chúng tôi đấu tranh chống ly khai cộng sản, chống lao động khổ sai, đòi được phơi nắng, đòi được tổ chức các ngày lễ lớn, không chào cờ và hát quốc ca Việt Nam Cộng hòa” - ông Mẫn kể. 

Ngày 30/4, tin Sài Gòn giải phóng lan nhanh khắp các phòng giam. Đảng bộ Lưu Chí Hiếu nhanh chóng nắm thời cơ, chuyển thành Đảng ủy lâm thời, lãnh đạo giải phóng hoàn toàn các trại giam trong đêm.

Nhớ về cái đêm chấm dứt 113 năm “địa ngục trần gian” của nhà tù Côn Đảo, ông Mẫn bồi hồi: “Tôi giàn giụa nước mắt khi nhìn thấy những đồng chí, đồng đội của mình trong bộ bà ba đen, mũ tai bèo đến trại giam của tôi báo tin chờ mở cửa trại. Hình ảnh người tù cách mạng đó thật đẹp”. 

Ngày 3/5/1975, bộ đội từ đất liền ra Côn Đảo tiếp quản vùng giải phóng. Chiều cùng ngày, ông Mẫn cùng đoàn tiến về sân bay Cỏ Ống, yêu cầu địch đầu hàng, giao nộp vũ khí, từ đó giải phóng hoàn toàn Côn Đảo.

 

Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng LLVTND thắp nhang trên các phần mộ liệt sĩ.
Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng LLVTND thắp nhang trên các phần mộ liệt sĩ

Ngày hòa bình, phần lớn cựu tù được trở về nhà, ông Mẫn tình nguyện ở lại Côn Đảo làm nhiệm vụ ổn định trật tự trị an. Mãi đến tháng 11/1975, ông mới về thăm gia đình ở tỉnh Đắk Lắk. “Lúc đó, cả nhà đang ăn trưa. Qua cửa sổ, mọi nhìn thấy tôi, sửng sốt bởi ai cũng nghĩ tôi đã chết” - ông Mẫn nghẹn giọng. 

Năm 1965, ở tuổi 15, ông tham gia cách mạng, hoạt động dưới vỏ bọc công nhân đồn điền cà phê. Năm 1970, ông bị địch bắt, tra tấn, chuyển qua nhiều nhà giam rồi đày ra Côn Đảo. Không ai nghĩ ông còn sống.

Kết thúc chuyến về thăm gia đình, ông Mẫn quay lại Côn Đảo để tiếp tục nhiệm vụ. Ông giữ chức Phó Giám đốc Công an H.Côn Đảo, sau đó làm Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an. 

Ông nói: “Nhận công tác mới trong tình hình mới, tôi ít có điều kiện về lại mảnh đất xưa. Nhưng máu xương người nằm lại phải được đền đáp bằng nghĩa cử cao đẹp nhất của những người còn sống”. 

 

Trung tướng Châu Văn Mẫn chụp hình tại bia lưu niệm liệt sĩ Trại 6B Nhà tù Côn Đảo.
Trung tướng Châu Văn Mẫn chụp hình tại bia lưu niệm liệt sĩ Trại 6B Nhà tù Côn Đảo.

11 năm qua kể từ lúc nghỉ hưu, mỗi năm, ông Châu Văn Mẫn đều có vài chuyến về với Côn Đảo để hương khói, cúng giỗ cho đồng đội đã anh dũng hy sinh dưới đòn roi tra tấn của kẻ thù. Ông còn vận động xây bia tưởng niệm, bia vinh danh 15 tù chính trị đã anh dũng hy sinh để bảo vệ khí tiết cách mạng ở nhà tù Côn Đảo trong kháng chiến chống Mỹ, xây dựng nhà văn hóa, giúp đỡ các gia đình có thân nhân hy sinh hoặc qua đời ở nhà tù Côn Đảo.

“Lòng tôi chỉ yên ổn, nhẹ nhàng khi làm được gì đó cho Côn Đảo” - nhặt từng chiếc lá khô trên bia mộ của nhà cách mạng kiên trung Lưu Chí Hiếu ở Nghĩa trang Hàng Dương, ông Mẫn nói khi cùng đoàn từ đất liền ra Côn Đảo. 

Đó là một sáng giữa tháng 7/2022, ông Mẫn cùng đoàn công tác của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đến Côn Đảo dâng hương, dâng hoa tưởng niệm hơn 20.000 liệt sĩ, anh hùng cách mạng, người yêu nước ngã xuống tại đây. 

Chưa đầy một tuần sau chuyến đi đó, mới đây, ông lại về Côn Đảo để cùng đồng đội làm đám giỗ thân nhân, đồng đội đã hy sinh. Ông khẳng định: “Còn đi được, tôi còn về Côn Đảo”. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI