Con đi bộ đội sao trên mũ

18/01/2024 - 11:20

PNO - Tháng Hai tới, con sẽ vào bộ đội. Mới viết câu này thôi mà nước mắt mẹ đã ứa ra, bởi trong mắt mẹ, dù con có cao lớn hơn mẹ cả một cái đầu, có xốc mẹ vác lên vai ngon ơ thì con vẫn cứ là thằng Chít con trai của mẹ.

Là con đầu, mẹ mong con thành chàng trai phong độ, tài hoa, ngoan ngoãn, lễ phép và luôn vui vẻ, hạnh phúc. Mẹ không ép con học giỏi, kiếm nhiều tiền... Thế nhưng, dù mẹ không đặt nặng thành tích, con vẫn cứ tự áp lực cho mình.

Thằng Chít của tác giả từ nhỏ đã mê ca hát
Thằng Chít của tác giả từ nhỏ đã mê ca hát

Còn nhớ, hết năm lớp Chín, vì quá chiều con, ba mẹ cho con chọn trường nghề chứ không học trường cấp III, dù con thi đậu với điểm số rất cao. Rồi hết bậc trung cấp nghề, con đùng đùng đòi thi đại học hoặc vào bộ đội chứ không chọn học liên thông ngành thiết kế đồ họa con từng theo đuổi suốt 3 năm.

Lúc đó, ba mẹ băn khoăn lắm. Mẹ lo con đi bộ đội sẽ vất vả, ông bà nội ngoại cũng ra sức cản. Bà ngoại nói: “Nó ham ăn, ham ngủ vậy, vô bộ đội làm sao… sống nổi?”. Cứ vậy mà cả nhà tìm mọi cách cho con thoái lui, không nộp đơn tình nguyện. 

Dù con trai đã cao lớn hơn mẹ, với tác giả, con vẫn là thằng Chít năm nào
Dù con trai đã cao lớn hơn mẹ, với tác giả, con vẫn là thằng Chít năm nào

Muốn đi bộ đội thì phải mổ mắt, ba mẹ lo chi phí không nổi. Giải pháp cuối là nhờ bác sĩ tư vấn con cận thị, việc mổ cận có nguy cơ tăng độ khi chưa đủ 20 tuổi. Gác mơ ước trở thành người lính, một lần nữa ba mẹ lại thót tim khi con khăng khăng chọn thi ngành ngôn ngữ Anh - môn con không hề được học khi trên ghế nhà trường. Nhưng con đoan chắc: “Ba mẹ hãy tin con”. Ừ, thì ba mẹ tin. Con đậu và thành sinh viên trong niềm vui mừng khôn tả của mẹ. 

Nhưng, như vậy đã hết đâu, đang học năm thứ hai, con đòi chuyển sang học nhạc. Ba đầu tư cho con dàn trống, cây bass, nhưng yêu cầu con vẫn giữ việc học ở trường đại học. Con lại lần nữa cam kết với ba mẹ. Ba mẹ cũng không ngờ, 4 năm học nhạc chơi chơi lúc nhỏ cùng 2 năm đầu tư chuyên sâu, con được trung tâm đưa đi đào tạo và thành giáo viên của họ.

Ngày nhìn con trên sân khấu nhà hát VOH cách đây 2 năm điều khiển nguyên dàn trống, đàn, giữ nhịp cho các em học viên phô diễn tài năng và phiêu cùng những giai điệu, ba mẹ vui đến nghẹn ngào. Rồi nhiều lần như vậy nữa đã diễn ra, mà cả nhà mình ai cũng ngỡ ngàng. Vừa vui, vừa mắc cười vì trông con ngộ quá.

Con trai của tác giả trên sân khấu ca nhạc
Con trai của tác giả trên sân khấu ca nhạc

Năm nay con đã tốt nghiệp đại học, dồn sức đi dạy ở trung tâm âm nhạc, còn hí hửng xin mẹ cho góp tiền điện hằng tháng với gia đình. Mẹ vui lắm. Con đường ba mẹ “vẽ” ra cho con là phối hợp với trung tâm âm nhạc làm một chi nhánh ngay tại nhà mình để con vừa dạy, vừa làm quản lý. Như vậy, con vừa có thu nhập, dễ ổn định cuộc sống, nhà mình lại không tốn phí mặt bằng. Nào ngờ, con xin phép mẹ được… nộp đơn đi nghĩa vụ. 

Một lần nữa, mẹ lại chiều theo ý con, bởi lần này ba mẹ cũng… hết cớ cản ngăn rồi. Con nói, đi để trưởng thành. Các ông bà lại thức trắng nhiều đêm vì lo cho thằng cháu cưng. Ba mẹ lại làm trung tâm hòa giải. Con vừa phẫu thuật mắt thuận lợi, bình an.

Bây giờ, mỗi ngày con ra ra vào vào nhà ngoại, nhà mình, cười tươi rói. Ngoại hỏi: “Sao đi bộ đội mà ông vui như đi hội vậy ông?”. Con cười hì hì: “Thì con tham gia ngày hội tòng quân mà ngoại. Thanh niên thì phải hăng hái lên đường chứ”.

Mẹ mường tượng đến ngày “con đi bộ đội sao trên mũ”, lại rưng rưng... Hóa ra ba mẹ gửi con áp lực yêu thương, tự con cho mình áp lực thành người. 

Nguyễn Thụy Diễm Chi

(Mẹ của một chiến sĩ thi hành nghĩa vụ quân sự tháng 2/2024)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI