Con về làm dâu trong sự khó chịu của bố mẹ và gia đình. Ông chú họ đã... mai mối cho con trai mẹ cô Lan làng bên, khỏe mạnh, vâm váp. Nghe kể, một mình cô quán xuyến mấy sào ruộng, thêm hai sào phần trăm với cái ao cá và đàn lợn chục con. Mẹ đã mong đến ngày đón cô con dâu hay lam hay làm về nhà, mơ những sáng những chiều ra đồng, ra vườn có người đỡ đần thủ thỉ.
Nhưng con trai mẹ lại dẫn con, cô con gái thành phố "ăn trắng mặc trơn" về. Bố mẹ chưng hửng, và tất nhiên là phản đối. Con chào, bố chỉ ừ không nhìn, mẹ thì vớ rổ cùng cái liềm te tái ra vườn rồi ở đó qua giờ trưa. Con đã biết bố mẹ không bằng lòng, nhưng không nghĩ mẹ phản ứng mạnh thế. Con đã định đi ngay khi ấy, nhưng con trai mẹ đã níu con lại, nói rồi mẹ sẽ hiểu, khi chúng mình yêu và sống với nhau hạnh phúc. Bố mẹ nào cũng chỉ mong cầu có vậy thôi.
|
Con đã định đi ngay khi ấy, nhưng vì tình yêu, con đã ở lại. Ảnh minh họa |
Lần thứ hai con về sau đó nửa năm, mẹ gọi con là chị xưng tôi đầy lạnh lùng và xa lạ, nhưng cũng để con ở trong bếp mà không đuổi ra như lần trước. Con nhìn mẹ nấu ăn mà hoảng hồn: Món xúp lơ xào thịt thì mẹ múc một thìa mỡ to bỏ vào nồi, quăng vào mấy lát hành tím, bát thịt to vật được đổ vào, trên cùng là xúp lơ cùng muối, bột nêm cùng một nhúm hành ngò. Mẹ đậy nắp lại rồi bỏ lên bếp, bật to lửa, cứ thế đun nhừ.
Bữa tối, cũng món ấy. Mẹ là người đi chợ nên sáng chiều cùng một thực đơn y boong nhau. Con trai mẹ nói, thông cảm cho mẹ, mẹ dân quê, thấy gì rẻ thường mua nhiều ăn hai ba bữa, mẹ không biết gì đến thực đơn hay tháp dinh dưỡng đâu. Lúc cùng mẹ vào bếp, con định nói, ngày mai cho con đi chợ cùng.
Nhưng thật may, con bò nhà hàng xóm đẻ, mẹ phải sang đỡ một tay, bữa cơm rơi vào tay con. Bữa tối, thức ăn hết veo, bố còn bảo: “Tối nay nấu hơi ít”. Con không nói gì, mẹ giằng mâm bát mang ra cầu ao rửa, nét mặt nặng nề.
Sáng hôm sau, bố vừa gẩy rơm, vừa “sai việc”: “Mẹ mày bận, cơm nước giờ giao cho con dâu làm đi!”.
Con vâng, thầm nghĩ bố đã ngầm chấp nhận con. Riêng mẹ vẫn thế, không hơn.
Con làm dâu hai năm, cháu nội cũng một tuổi nhưng chưa khi nào nghe mẹ nói một câu dài có đầu có đũa. Mẹ ghét con, ghét lây cả cháu, giữa mùa đông rét mướt, thằng bé tè ướt quần nhưng mẹ kệ, không thay cho cháu cũng không gọi con. Con không biết phải làm sao để mẹ suy nghĩ lại, nghe kể cô Lan kia đã về làm dâu nhà nào đó trong làng, mỗi ngày gặp nhau trên đường, mẹ lại tiếc nuối.
|
Mãi mà mẹ vẫn cố chấp không mở lòng với con. Ảnh minh họa |
Cô em gái ra trường, chạy vạy nửa năm không tìm được việc, con nói nhỏ với bố cho cô vào Nam với vợ chồng con, bố ngần ngừ rồi đồng ý. Con xin cho cô vào cơ quan người bạn, tạo điều kiện cho cô học thêm. Ngày cô được cơ quan cho đi nước ngoài, bố điện vào nói như reo: “Dòng họ mình, nay mới có người được đi nước ngoài, hãnh diện lắm con ạ. Cảm ơn con!”.
Con nghe mà rơi nước mắt vì sự thật thà của bố, con biết, cô được như ngày hôm nay là do cô cố gắng nhiều, nhưng con cũng vui vì được bố công nhận. Nhưng nghĩ đến mẹ con lại buồn. Hôm qua, con nghe nói, cô con dâu hụt của mẹ bị vô sinh, mới ly hôn. Cùng phận đàn bà, con thấy tiếc cho cô ấy không có được thứ hạnh phúc tưởng chừng như giản đơn như những người đàn bà khác, nhưng sao mẹ không thử nghĩ, nếu cô ấy là con dâu mẹ, con dâu không sinh cháu, liệu mẹ có vui, hay mẹ vẫn thương vẫn yêu kiểu “thương ai thương cả đường đi”?
Hết cô kế, đến cô út. Cô út chưa ra trường đã cưới vội chạy thai, mẹ không đồng ý vì anh chàng kia bằng tuổi, còn đi học, nhà lại nghèo và không có bố. Lần đầu tiên mẹ chủ động gọi cho con để yêu cầu con đưa cô út đi giải quyết “của nợ” kia. Nghe cô út vừa khóc vừa nói, con thấy mình không làm điều đó được. Có thể cô sai, nhưng cô và anh chàng kia dám sửa sai, dám đối mặt với khó khăn thì con làm sao đành lòng. Và mẹ buông thõng: “Nhờ có tí việc mà không làm được!”.
|
Con mong một ngày mẹ nghĩ lại để gia đình được đoàn viên. Hình minh họa: Internet |
Con đau lòng lắm, nhưng con âm thầm cãi mẹ, vun vén cho hai đứa và chờ đón con của chúng nó chào đời. Suốt thời gian ấy, mẹ không nói chuyện với con câu nào, cũng không hỏi thăm cháu mẹ một lời. Không phải vì có bố và các em bênh vực mà con chống lại mẹ, nhưng con không hiểu, cùng phận đàn bà, con là dâu khác máu đã đành, con gái là máu thịt sao mẹ có thể lạnh lùng làm vậy? Điện thoại hỏi thăm thì mẹ không nhận máy, lễ tết gửi quà thì mẹ nhận rồi để đó hoặc mang cho. Các bạn cùng lứa mẹ có cháu trai cháu gái vây quanh, mẹ không động lòng, thèm muốn sao? Mẹ đã bỏ qua cơ hội chứng kiến các cháu mẹ lớn lên, mẹ tính cả đời cô độc sao mẹ?
Nay cháu ngoại mẹ đã tròn tuổi, vợ chồng cô út vừa làm mẹ cha, vừa làm sinh viên nhưng chúng cùng nhau ra trường. Chúng đã cố gắng không nhỏ, chúng muốn bồng con về thăm mẹ mà chúng nó sợ, sợ mẹ sẽ lạnh lùng như ngày gặp con. Chúng nói, chúng không đủ “gan” để trụ như con thà để mẹ khuất mắt cho mẹ đỡ bực mình, chúng nó cũng đỡ tủi thân. Con không nghĩ mình gan, là con luôn cố gắng đến gần mẹ, chỉ mong một ngày nào đó mẹ nghĩ lại.
Nha mẹ, đám cháu nội ngoại đang chờ mẹ mở rộng vòng tay yêu thương.
Nguyễn Trung