Con dâu mặc áo dài cưới của mẹ chồng

23/02/2022 - 10:51

PNO - Việc mẹ trao lại cho tôi hai bộ áo dài cưới không đơn thuần là trao một tặng phẩm. Tôi nghĩ đó còn là hành động chuyển tiếp, muốn tôi kế thừa nhiều giá trị khác về mặt đức hạnh, tinh thần.

Tôi và chị dâu đã không ngớt trầm trồ khi nhìn thấy hai bộ áo dài cưới của mẹ chồng. Sau hơn 40 năm cất giữ, chúng vẫn phẳng lì, mới tinh, thơm tho. 

Tác giả trong chiếc áo dài cưới của mẹ chồng
Tôi hân hoan trong chiếc áo dài cưới màu thiên thanh của mẹ chồng

Bao nhiêu năm chung sống, tôi không lạ gì tính thích tích trữ đồ đạc của mẹ, thậm chí nhiều lần còn hục hặc, căng thẳng vì thói quen ôm đồm, sống thiếu tối giản ấy; nhưng lần này, khi được chạm tay vào mặt vải mát lạnh, tôi hiểu đến một lúc nào đó, ai rồi cũng sẽ trân trọng những vật dụng mang vẻ đẹp của thời gian.

Thỉnh thoảng, mẹ vẫn hay kể với con cháu: “Không hiểu sao hồi ấy, giữa bao nhiêu người đàn ông theo đuổi, mẹ lại chọn ba trong khi ba khô khan, trầm tư, ít nói, lại khác xứ khác quê”.

Mẹ chồng tôi thời trẻ
Mẹ chồng tôi thời trẻ

Mẹ chồng tôi là người Quảng Trị. Từ năm 20 tuổi, mẹ theo cha vào Huế sinh sống và làm việc tại Xí nghiệp Vận tải đường sắt Bình Trị Thiên. Tại đây, mẹ đã gặp ý trung nhân của đời mình. Ba chồng tôi là một người con trai Huế mẫu mực, thông minh, hiếu thảo và ham học. Sau một thời gian tìm hiểu, tháng 12/1981, hai người tổ chức đám cưới.

Nhìn tấm ảnh cưới đen trắng của ba mẹ, chị dâu tôi tiếp tục xuýt xoa: “Dù màu ảnh không rõ ràng nhưng cách đây hơn 40 năm mà mẹ làm cô dâu sành điệu thật đấy. Tóc uốn xoăn, đầu đội khăn cài, tay ôm hoa, đặc biệt còn có ô tô đưa rước”.
“Mẹ cũng thuộc hàng tiểu thư mà chị. Nhiều thập niên trước, ông ngoại là người “có số má” trong vùng đấy” - chồng tôi ngồi gần đó góp chuyện thêm vào.

Tôi không rõ mẹ từng “tiểu thư” thế nào, hoàn cảnh gia đình ông bà ngoại hồi đó cụ thể ra sao nhưng sau gần chục năm về làm dâu mẹ, tôi chỉ thấy mẹ bây giờ hình như đã “đổi vai” mất rồi. Mẹ không có nét gì mong manh, dễ tổn thương của một phụ nữ yếu đuối, quen được sống đủ đầy, bảo bọc, cưng chiều.

Chồng tôi kể lại, trước đây, ba tôi có gần mười năm làm việc xa nhà; một mình mẹ vừa đi làm vừa chăm sóc, nuôi dạy hai con khôn lớn. Sau này, khi vừa về hưu thì ba ngã bệnh, gác lại lời hứa chăm sóc, bù đắp cho mẹ. Cũng từ đó, mẹ vừa làm mẹ vừa làm ba. Mỗi ngày, ngoài việc dành thời gian để thuốc thang cho ba, tính liệu những việc lớn bé trong ngoài, mẹ xắn tay áo sắp xếp cuộc sống cho một gia đình nhiều thế hệ. 

Từ ngoài ngõ vào đến trong bếp, nơi nào cũng lớp lang những vật dụng, đồ đạc, cây cối. Là cây na, cây mít mà mẹ xin giống được từ một người bạn có chuyến du lịch Thái Lan. Vào đến sân là đủ loại bình hoa, chậu gốm, giỏ mây tre… - thành quả tích góp được sau những lần mẹ lặn lội về tận những làng nghề xa xôi. Trong nhà, người luôn bận rộn chân tay là mẹ, người sở hữu nhiều tài sản nhất có lẽ cũng là mẹ. Ngoài khu nhà kho chính của gia đình, mẹ còn hàng chục ngóc ngách lớn nhỏ khác để chứa đồ đạc. Hầu như lúc nào mẹ cũng chỉ muốn sắm thêm, tích trữ thêm chứ chẳng chịu bỏ bớt đi bao giờ. 

Tôi đụng vào chiếc xoong cũ mòn vẹt toan vứt đi, mẹ bảo đó là món đồ quý mẹ nhặt được hôm theo gia đình di cư từ Bắc vào Nam. Tôi đặt tay lên chiếc ghế đã sứt tay, mẹ lại bảo đó là đồ từ thời ông bà để lại. Sự bịn rịn của mẹ khiến tôi không thể không “nương tay” mỗi lần dọn nhà.

Tôi nghĩ mình không đẹp bằng mẹ chồng mẹ dặn: “Đời người, muốn biết mình sẽ đi về đâu, trước hết nên biết mình từ đâu đến”.
Mẹ chồng dặn tôi: “Đời người, muốn biết mình sẽ đi về đâu, trước hết nên biết mình từ đâu đến”

Thời gian là vô hạn, nhưng trí nhớ con người lại hữu hạn, một năm mới nữa lại sang. Với nhiều người, việc gác lại những điều đã qua là cần thiết nhưng nhiều người khác lại muốn sống chậm, trân trọng, không bỏ lỡ dù chỉ một đồ vật, khoảnh khắc nhỏ bé trong đời. Hơn cả sự sở hữu, có lẽ họ muốn được lặp lại, tiếp nối và trao truyền, như hai bộ áo dài cưới mẹ trao cho tôi hôm nay. 

Nhìn tôi mặc lại bộ áo dài có thêu chữ hỷ do chính tay mình chọn cách đây hơn 40 năm, có lẽ mẹ cũng đang chạm vào hình ảnh của chính mình thuở thanh xuân. Một hình thể thon gọn, một gương mặt da căng mịn chưa lưu dấu chân chim. Những ngẫm nghĩ liệu sẽ khiến mẹ nuối tiếc hay vui mừng nhiều hơn? 

Không rõ nhà may Chi nay còn ở địa chỉ này không. Nếu có dịp tôi sẽ khám phá về họ.
Trên cổ áo dài vẫn còn tên và địa chỉ của nơi may. Không rõ nhà may Chi nay còn không. Nếu có dịp tôi sẽ khám phá về họ.

 

Cảm giác mừng vui, xúc động của tôi thật khó nói hết bởi vẫn mặc vừa chiếc áo cưới của mẹ chồng
Cảm giác mừng vui, xúc động của tôi thật khó nói hết. Hạnh phúc làm sao khi tôi mặc vừa chiếc áo cưới của mẹ chồng.

Từ mối lương duyên của hai con người cách đây hơn bốn thập niên nay đã sinh sôi, tựu thành quả ngọt thêm tám thành viên khác, đủ quây quần thành một mâm tròn đoàn tụ.

Tôi tin rằng lần chạm, nối tiếp này sẽ khiến mẹ tôi hạnh phúc bởi một cộng một bằng… mười. Tôi sẽ luôn nhớ lời mẹ dặn: “Đời người, muốn biết mình sẽ đi về đâu, trước hết nên biết mình từ đâu đến”. 

Đồ vật sau nhiều năm, nếu vẫn được con người nâng niu và gìn giữ thì sẽ được chính thời gian thổi hồn vào thông qua những câu chuyện về nguồn cội và tình yêu. Sau này, con gái tôi chắc chắn sẽ biết kể tiếp câu chuyện về những bộ áo dài. 

Diệu Thông

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI