Con dâu lo mẹ chồng về quê ăn tết sớm

19/01/2022 - 11:32

PNO - Năm nay trường mầm non đóng cửa, việc tìm người trông trẻ cũng chẳng dễ dàng, nếu bà Thục về quê sớm, con dâu bà không biết xoay sở ra sao.

Bà Thục năm nay 62 tuổi, năm năm nay bà thường xuyên ở trên thành phố với con trai và con dâu để trông nom các cháu.

Mai Chi - con dâu của bà đã có hai con, cô con gái lớn 5 tuổi, còn cô con gái út hơn 2 tuổi. Từ lúc con dâu sinh con đầu lòng, bà Thục đã lên thành phố ở cùng để chăm nom cho các cháu, cho hai con yên tâm đi làm.

Người già từ quê lên thành phố lớn sống chẳng mấy dễ dàng. Bà Thục không có bạn bè, người quen. Cả ngày bà chỉ ở trong bốn bức tường, chơi với cháu, dọn dẹp và nấu ăn đợi các con về. Hồi đầu năm, khi dịch bệnh chưa căng thẳng, buổi sáng, thi thoảng bà đem cháu ra công viên đi dạo. Nhưng đã mười tháng nay, đến công viên đã trở thành chuyện xa vời.

Trước kia, ở chung cư mà chị Mai Chi và anh Tuấn sống, có một số gia đình cũng có bà nội, bà ngoại lên chăm các cháu. Các bà thỉnh thoảng sang nhà nhau chơi, tụ tập nói chuyện cũng đỡ buồn. Nhưng gần đây, một số người đã về quê, một số khác sợ dịch bệnh nên cũng không dám sang nhà hàng xóm chơi. Từ đó, bà Thục càng buồn, cô độc.

Suốt mấy tháng giãn cách, bà không thể về quê xem chồng ăn uống, sinh hoạt ra sao, nên rất nóng ruột. Hết giãn cách, về quê thấy chồng vẫn khỏe mạnh, bà mới yên tâm phần nào.

Tết này, bà Thục muốn về quê từ 20 âm lịch để lo tiễn ông Táo và chuẩn bị tết. Thế nhưng, thời gian đó con dâu chưa được nghỉ làm, không ai trông hai đứa trẻ. Mọi năm, đứa lớn đi học, đứa bé thì nhờ người trông vài bữa cũng không khó lắm. Năm nay trường mầm non đóng cửa, việc tìm người trông trẻ chẳng dễ dàng gì, nên nếu bà Thục về quê sớm, con dâu bà không biết xoay sở ra sao.

Muốn về quê để chuẩn bị đón Tết  là nỗi niềm chung của nhiều người cao tuổi.(Hinh minh họa)

Muốn về quê để chuẩn bị đón Tết là nỗi niềm chung của nhiều người cao tuổi. (Hinh minh họa)

Tuấn muốn thuyết phục mẹ ở lại thêm vài ngày, đến hai mươi bảy, hoặc hai mươi tám tết hãy về quê. Khổ nỗi, bà Thục vẫn một mực muốn về quê. Nếu mẹ chồng về quê từ 20 âm lịch, Mai Chi sẽ phải xin nghỉ cả tuần để trông con, chứ không phải một hay hai ngày.

Chuyện chuẩn bị tết nhất, tất nhiên quan trọng, nhưng trong tình cảnh dịch bệnh này, thuê giúp việc hoặc người trông trẻ rất khó. Nếu bà nhất quyết về quê sớm, chẳng khác nào đưa các con vào thế bí.

Mẹ con lời qua tiếng lại, bà Thục lại nghĩ là các con đang trách bà không ở lại trông cháu, thế là bà giận.

Bà nói con là do Mai Chi sinh ra, nên trách nhiệm lớn nhất trong việc chăm sóc bọn trẻ là của hai vợ chồng cô. Bà nội hay bà ngoại chỉ là người hỗ trợ. Bà có điều kiện thoải mái sẽ giúp các con trông cháu. Khi bà đã muốn về quê, các con cũng phải thông cảm cho bà, rồi tự sắp xếp công việc của mình.

Hai con còn trẻ, đang đi làm, có nhiều  bạn bè ở thành phố nên thích cuộc sống ở đây. Còn với người già như bà, chỉ thích sống ở quê cho yên tĩnh, lên thành phố với con cháu, chẳng qua là do hoàn cảnh bắt buộc. Sống ở đây chẳng khác nào bị giam lỏng.

Nghe mẹ nói căng như vậy, vợ chồng Tuấn và Mai Chi phải xin lỗi bà. Bận bịu đi làm, lo cho cuộc sống, đôi lúc họ đã ích kỷ, không để ý đến cảm nhận của cha mẹ, những người vì con cái mà hy sinh rất nhiều.

                                                                   Ngọc Hà 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI