Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em lập gia đình được gần ba năm, đang sống chung với gia đình chồng. Chồng em là con út trong nhà. Ba má chồng đều đã có tuổi nhưng còn mạnh khỏe và thích giao du xã hội. Đặc biệt là mẹ chồng em, bà có nhóm tập yoga buổi chiều, nhóm đi bộ buổi sáng, còn hội chị em đi chợ, từ thiện…
Bà ham chơi “phây” lắm, ngày nào cũng có hình đăng. Trên “phây”, nhiều khi mẹ chồng em còn sống ảo hơn cả lớp trẻ. Hoàn cảnh gia đình không dư dả nhưng cứ nhìn vô hình đăng, người ta sẽ thấy bà rất sang chảnh.
Có lần em gặp một người ngày xưa có thời làm chung với mẹ. Nói chuyện với bác ấy, em phát hiện ra phần lớn những lời bà kể về đời mình là dối cả. Mẹ chồng em kể, ngày xưa bà làm ở sở công nghiệp, chức vụ này kia, nhưng theo em biết, bà chỉ là văn thư đánh máy, rồi sau bị giảm biên chế xuống làm công nhân sản xuất.
Theo lời kể của mẹ chồng em, ngày xưa bà được cha mẹ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, nuôi dạy như tiểu thư từ học làm bánh đến may vá thêu thùa. Thế nhưng, ông bà mất lâu rồi, đâu còn ai để kiểm chứng. Còn như lời em nghe thì mẹ chồng em hồi đó cũng chạy chợ, buôn thúng bán mẹt, học hành chẳng bao nhiêu. Sau này mẹ lấy ba cũng rất vất vả; sau đó, nhờ ba chồng em được chia đất đai mà ba mẹ mới đỡ được phần nào.
Trước nay, khi bà kể chuyện đời, em cũng nghe bình thường nhưng từ khi biết đó phần lớn là những lời nói dối, mỗi lần nghe, em rất khó chịu. Mà hình như mẹ ngày càng kể nhiều hơn, càng muốn tô điểm cho cuộc đời mình giàu sang sung sướng. Em rất muốn đính chính lại cho đúng mà chưa biết làm cách nào.
Thanh Như (TP.HCM)
Em Thanh Như thân mến,
Cuộc đời ai là của người đó, trừ khi người ta quyết định chia sẻ cuộc đời mình với ai khác, còn không thì nó vẫn thuộc sở hữu riêng của người ta. Khi thuộc quyền sở hữu, người ta muốn trang hoàng nó ra sao cũng là chuyện… của người ta em ạ. Thành ra, xét cho cùng, việc mẹ chồng em trang trí cuộc đời bà theo cách nào đó, em không có quyền can thiệp.
Dân gian gọi việc em đang muốn làm là bóc mẽ người khác. Làm việc này cũng không phải chuyện dễ, mình phải điều tra thông tin đúng sai, rồi mới đối thoại, đính chính được. Mà thử hỏi khi làm như vậy, người bị bóc trần chắc chắn cảm thấy đau đớn, hổ thẹn, còn mình được gì?
Mình được cảm giác thỏa mãn khi thấy người ta bị bóc trần, đúng không em? Chẳng nên vì vậy mà làm đau người khác và đó lại là người trong gia đình. Em cứ coi những câu chuyện mẹ kể về đời mẹ là một phần của lớp trang điểm, đôi khi trang điểm hơi quá tay, đôi khi biến hóa ăn gian chỗ này chỗ kia một tí nhưng rốt cuộc, khi lau lớp trang điểm đó đi, người ta trở về với bản thân mình.
Em đang sống với con người thật trong nhà, mẹ cư xử với em thế nào, tình cảm gia đình, chăm lo con cái… mới là điều quan trọng. Còn những câu chuyện kia coi như lớp vỏ màu mè, em đừng quan tâm nữa, nghe tai này cho qua tai khác đi. Mình không cần phải đốp chát, bắt bẻ chỗ này chỗ kia; cũng không cần phải giả vờ lắng nghe, tán dương ca tụng mà cứ bình thường. Nếu khó chịu quá thì tìm cách tránh bớt những lúc mẹ kể chuyện, đừng vào xem “phây” của mẹ nữa hay tích cực hơn thì tìm những câu chuyện vui kể cho cả nhà cùng nghe.
Lớp trang trí nào cũng mỏng hơn bản thân sự thật, những thứ sơn vẽ màu mè làm sao che lấp hoàn toàn cuộc sống thật. Em đừng lo lắng quá. Chúc em bình an sống vui với gia đình.
HẠNH DUNG
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Hoài Trinh (Thủ Dầu Một, Bình Dương): Cứ bình thản thôi!
Chào bạn, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, khi mẹ bạn kể chuyện đời mình khác biệt như thế thì chắc đó là khát khao của mẹ. Hẳn bà từng mong muốn mình được như thế, đến mức ám vào tâm trí và sống với cảm giác đó, như một kiểu tự kỷ ám thị.
Tôi thấy mẹ chồng bạn đáng thương chứ không đáng trách. Theo tôi, bạn cứ bình thản. Đừng cố xoáy sâu việc đó làm gì. Thực ra câu chuyện đời bà vẽ nên có liên quan gì đến bạn đâu và có lẽ nó cũng không ảnh hưởng đến gia đình bạn, không làm ba mẹ bạn khó chịu. Những điều này, theo khoa học, đôi khi lại là một bệnh lý cần được điều trị. Nếu có thời gian, bạn hãy nói chuyện với mẹ, khơi gợi những kỷ niệm có thật trong đời mẹ, để bà được nói và sống thật với cảm xúc khi ấy.
Nếu không giúp được gì, bạn cũng đừng nên cười cợt hay bực tức. Hãy mở lòng hơn với mẹ chồng bạn.
Nguyễn Lâm (Hoàn Kiếm, Hà Nội): Ai lại đòi “bóc phốt” mẹ chồng!
Hoàn cảnh của bạn cũng không khác mấy chuyện nhà tôi. Lúc đầu, tôi vô cùng xấu hổ. Và sau thì tôi buồn, đặc biệt là lúc mẹ tôi nói về sự thành đạt của con cái. Bà cứ phóng đại lên. Điều đó khiến anh em chúng tôi suy nghĩ nhiều và tự nhủ có lẽ do mình dở quá, mà ước ao của mẹ về sự thành công của con thì lớn, nên mẹ phải nói quá lên cho khỏi… thua kém bạn bè.
Sau, chúng tôi quen dần. Lần nào mẹ thổi phồng sự thật hơi quá đà, chúng tôi lại nhẹ nhàng nhắc mẹ sau đó. Mẹ cười giả lả thật thương.
Tôi nghĩ bạn cứ bình thường thôi. Có lẽ người già thường như thế. Góp ý không khéo, biết đâu bà lại dỗi. Đặc biệt mình là con dâu, ai lại “bóc phốt” mẹ chồng! Nên thôi cứ lơ đi mà vui sống, bạn nhé! Tôi hiểu cảm giác khó chịu của bạn cũng như tôi đã từng cảm thấy vô cùng khó chịu với mẹ ruột mình. Bạn đừng quên rằng cuộc sống còn nhiều điều để bận tâm hơn chuyện vặt này.
|
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.