Sau đám cưới, người đề nghị ra riêng là chồng tôi. Thật tình, từ lúc quen biết nhau, tôi cũng có đôi ba lần bóng gió chuyện sợ làm dâu. Anh kể mẹ anh nấu nướng ngon lắm, mà đáng nói nhất là những ngày mưa gió không đi chợ, chén mắm kho quẹt cũng khiến cả nhà vét sạch nồi cơm.
Cô gái nào chuẩn bị về nhà người ta nghe vậy mà không sợ, huống chi tôi là kẻ không giỏi giang gì công việc bếp núc. Vậy nên việc đầu tiên tôi làm khi nghe anh bàn tới chuyện cưới xin là… ghi danh một khóa học nấu ăn.
|
Tôi hồ hởi về sống với anh, với niềm tin cha mẹ chồng sẽ thương yêu. Ảnh minh họa |
Anh cười cười, em không cần tốn tiền, tốn thời gian đi học đâu, đợi đó mai mốt làm học trò của mẹ anh. A ha, không phải sợ đâu, mẹ anh hiền khô à. Dám chắc là nếu em lỡ nấu món nào bị dở thì chính mẹ sẽ ăn hết món đó cho em vui.
Nghe mà ấm lòng, và càng ngại hơn. Mẹ chồng khó tính thì mình sợ, mà tốt tính thì mình lo mình không xứng đáng.
Vậy nên khi chồng thu xếp ra riêng, tôi cứ tưởng anh tránh cho tôi nỗi lo ngại làm dâu.
Nào ngờ…
*
Tôi bận đi làm nên việc nhà dồn đống lại mấy ngày mới dọn một lần. Một buổi chiều kia, vừa đi làm về thấy có mẹ chồng trong nhà, tôi nhớ ra mọi thứ đang còn bày bừa nên vội xông vô bếp, nhưng mà đâu đó đã sạch sẽ gọn gàng tươm tất, cả cơm canh thơm phức ngon lành chỉ còn đợi tôi về.
Đang ăn cơm vui vẻ thì ba chồng xuất hiện. Ông la lối hư hỏng bỏ nhà đi chơi, không lo cơm nước cho chồng mà tới đây lo cho con trai.
Tôi nghe mà choáng váng. Chồng thì nhìn tôi đỏ lựng mặt mũi. Đến lúc đó tôi mới hiểu vì sao anh muốn ra riêng ngay, vì không muốn tôi chứng kiến cảnh ba mẹ cãi nhau kinh khủng vậy. Không thể ngờ người đàn bà hiền hậu nãy giờ gắp thức ăn cho tôi và nhỏ nhẹ trò chuyện bảo ban món này nêm nếm kiểu này mới ngon, món kia nêm nếm kiểu nọ mới thơm, mà lại có thể bùng lên dữ dội, bà đáp trả những câu khủng khiếp không kém gì.
*
“Nếu biết trước thì có dám làm vợ anh không?” - chồng hỏi bằng giọng mặc cảm đến nỗi tôi chỉ muốn ôm anh vào lòng mà an ủi. Phận làm con, biết làm sao được. Như tôi đây, xấu hổ với hàng xóm biết mấy mà cũng đành.
Thêm lần nữa, rồi thêm lần nữa, và thêm lần nữa… Rồi thì tôi cũng quen. Sau mỗi cuộc cãi cọ kinh thiên động địa, sáng hôm sau đi làm đụng hàng xóm ngay trước cửa và những cái nhướng mắt hình dấu hỏi, tôi chỉ biết nói: “Xin lỗi, tối qua ồn ào phiền mọi người quá!”.
|
Ảnh minh họa |
Bà hàng xóm tỏ ra thông cảm bằng câu nói bâng quơ “to tiếng cỡ đó mà không sợ viêm họng”. Tôi chỉ muốn chui xuống đất. Chồng tôi dắt xe ra sau, làm ra vẻ không nghe gì mà hai vành tai anh đỏ ửng. Tôi thấy thương chồng kinh khủng. Có lẽ đời anh đã nhiều lần trải qua cảm giác muốn chui xuống đất như tôi lúc này.
*
Cũng có đôi lúc hòa bình. Mẹ chồng tới trước bày ra nấu nướng thơm ngon rồi ba xuất hiện với cái nháy mắt như thể hối hận vì lần trước đến đây gây chuyện nên lần này muốn hàn gắn. Những lúc như vậy chồng tôi rất vui, cả tôi cũng tràn đầy hy vọng… Nhưng rồi mọi sự lặp lại.
Thật tình, chỉ là người chứng kiến thôi mà tôi đã thấy nặng lòng quá. Sao người ta có thể sống cả đời để làm tổn thương nhau? Tại sao sau tổn thương dữ dội mà người ta có thể tiếp tục sống bên nhau cho tới cuộc tổn thương kế tiếp mà họ đã thấy trước?
Có quá nhiều câu hỏi trong cuộc sống đầy bất ổn của cha mẹ chồng mà tôi chẳng biết tìm câu trả lời nơi nào, trong khi sự phiền hà mỗi lúc hai người kéo nhau tới nhà thì hiện hữu rõ ràng. Nhất là khi tôi có thai và nhằm đợt làm việc căng thẳng, chỉ chờ tới lúc kết thúc dự án để được nghỉ ngơi, mà đụng cuộc cãi cọ của cha mẹ chồng, tôi chỉ ước… nhà mình ở xa thật xa, để mỗi năm gặp nhau một lần nhân dịp tết nhất, mà dịp đó thì người ta ai cũng kiêng cữ không gây gổ.
|
Ảnh minh họa |
Có lần tôi nói với chồng, sao anh không nhân lúc êm ả mà thử nói chuyện với ba mẹ? Chồng cười đau khổ, lắc đầu.
Tôi cũng chỉ biết thở dài.
*
Nhưng khi em bé ra đời thì tôi đành phải lên tiếng. Mỗi khi ông bà nội đón cháu về chơi, nắng đó rồi mưa đó, chẳng thể biết trước mà đề phòng, mà đề phòng sao được? Tôi luôn lo lắng con mình chứng kiến cảnh ba mẹ chồng nặng lời, và đứa con bé bỏng của tôi sẽ nhớ lời lẽ không hay đó. Nhưng chẳng lẽ ông bà nội muốn đón cháu về chơi mà tôi lại từ chối?
Vậy nên, tôi liều mạng nói thẳng: “Tụi con lớn rồi không sao. Cháu còn nhỏ chỉ biết bắt chước, mà ba mẹ đang là tấm gương xấu cho cháu”.
|
Tôi chấp nhận bị từ mặt khi cả gan "dạy dỗ" cha mẹ chồng. Ảnh minh họa |
Tôi chấp nhận mình bị từ mặt, chỉ sợ chồng lên án tôi vô lễ mà sinh chuyện. Nhưng chồng không nói gì, anh chỉ buồn hơn, mặc cảm nhiều hơn, khiến tôi hối hận vô cùng, chẳng biết mình đúng hay sai nữa. Nếu tôi đúng mà làm chồng tổn thương thì sự đúng của tôi có ý nghĩa gì?
Đến nhà thì sợ ba mẹ không mở cửa cho vô, tôi bèn gọi điện thoại để nói lời xin lỗi. Đầu dây bên kia, giọng mẹ chồng buồn rầu: “Con nói đúng, là người lớn mà làm gương xấu cho con nít coi sao được”. Nghe như mẹ đang khóc. Có uẩn ức sâu xa nào không, hay đơn giản chỉ là tính cách?
Tôi cũng khóc, vì được thông cảm. Và vì không biết sự thừa nhận này có đem lại thay đổi nào không...
Nguyên Hương