|
Ngọc luôn muốn mẹ chồng vui vẻ, khỏe mạnh (ảnh minh họa) |
Ngọc được phát hiện ung thư trực tràng giai đoạn 2. Không những cần nhiều thời gian nghỉ ngơi, phải bỏ bê công việc mà chi phí điều trị cũng rất cao. Để có tiền phẫu thuật, hóa trị, vợ chồng cô phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi.
Sau khi xoay chi phí tạm đủ cho đợt điều trị giai đoạn đầu, cô quay về sắp xếp lại gia đình. Cô nhờ mẹ chồng lo lắng tiền chợ, hỗ trợ một phần tiền học cho 2 cháu, còn Hoàng tập trung kiếm tiền để trả nợ chữa bệnh cho cô.
Gần 10 năm kết hôn, về sống chung với gia đình chồng, Ngọc rất nỗ lực làm việc. Ngọc làm kế toán, lại vững chuyên môn nên ngoài công ty gắn bó, cùng lúc cô nhận thêm nhiều sổ sách của những nơi khác về nhà làm thêm.
Thu nhập cao, nhưng vì tính tình vô tư, thoải mái, chưa kể vì gia đình chồng thuở mới về lại thiếu hụt quá nhiều nên tiền làm ra bao nhiêu cô đều dành để bù đắp, vun vén cho đại gia đình, chẳng “lận lưng” được đồng nào.
Từ căn nhà nhỏ hẹp chưa đầy 40 mét vuông, thiếu thốn nội thất, Ngọc chi tiền thuê thợ thiết kế, sửa sang, xây thêm 2 tầng lầu để mọi người có chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt rộng rãi. Cô mua xe máy đắt tiền cho mẹ chồng, nuôi 2 em của chồng ăn học đến ngày ra trường. Thời điểm các em dựng vợ gả chồng, Ngọc cũng thay mẹ chồng trao vàng cho các em đầy đủ.
Biết ơn người vợ vô tư, rộng rãi bao nhiêu thì Hoàng bực bội mẹ ruột bấy nhiêu. Mẹ Hoàng từng là cán bộ công tác trong ngành thuế, bây giờ về hưu bà nhận thêm một lúc 2-3 đầu việc ở phường, các chi hội, tổng thu nhập một tháng cũng hơn chục triệu đồng. Vậy nhưng, cách chi xài của mẹ lại quá hoang phí, tiền làm ra tháng nào mẹ “xào” hết tháng ấy. Đến nỗi mỗi lần có cúng giỗ, góp tiền ở quê hay dịp quan trọng nào cần phải chi một khoản tiền 2-3 triệu đồng là mẹ phải đi vay.
Thật ra, những nhu cầu của mẹ Hoàng không nhiều, thế nhưng bao năm qua chúng cứ lặp đi lặp lại. Mẹ nghỉ hưu nên nhiều thời gian rảnh, bà lại thích tham gia các đoàn thể, hội nhóm nên bạn bè rất đông. Hầu như chiều nào mẹ cũng có lời mời tham dự các buổi tiệc tùng, dăm bữa, nửa tháng lại tổ chức đi chơi, du lịch đó đây, rồi thói quen sắm áo dài, đầm váy vô tội vạ. Cả nhà có 5 cái tủ quần áo thì của mẹ Hoàng đã 3 tủ. Mốt gì, màu gì mẹ cũng có, có cái sắm ra chưa kịp mặc lần nào.
Hồi mới đón vợ về, Hoàng xấu hổ với Ngọc về cách chi xài tiền bạc đầy bất ổn của mẹ nên lớn tiếng trách cứ. Tuy nhiên mẹ Hoàng lý lẽ: “Mẹ lấy chồng từ năm 20 tuổi. 26 tuổi trên nách 3 đứa con. Chồng theo gái bỏ đi biền biệt từ đó đến giờ không có tin tức. Nội ngoại, người thân đều nghèo không ai giúp đỡ được gì. Một tay mẹ nuôi lớn các con trưởng thành nên bây giờ, khi đã về già, mẹ muốn sống cho mình”.
Nghe mẹ chồng trần tình, Ngọc rất thương, nên hiếm khi sân si, đòi hỏi gì ở mẹ. Thậm chí, mỗi lần thấy thái độ Hoàng đổi khác, cô lập tức đả thông tư tưởng cho chồng. Cô bảo: “Ngoài 70 tuổi mà mẹ vẫn vui, vẫn khỏe, không là gánh nặng cho con cái là vợ chồng mình có phước lắm rồi. Tiền mẹ mẹ xài chứ đâu có phiền con cháu. Tính ra, vợ chồng mình cũng chỉ lo được việc chung, chứ đã cho riêng mẹ được triệu nào bao giờ đâu”.
Nghĩ thế nên 10 năm sống chung, ngoài sửa nhà, mua sắm nội thất, hỗ trợ các em chồng ăn học, Ngọc còn "bao sân" luôn tiền chợ, thanh toán các hóa đơn điện nước và chi tiêu lặt vặt trong gia đình. Thậm chí, biết mẹ có tiền nhưng mỗi lần mẹ chồng mua cho các con cô cái đầm, đôi giày đẹp, cô đều tìm cách gửi lại tiền cho mẹ.
|
Đã đến lúc, Ngọc cần được mẹ chồng hỗ trợ để tập trung nghỉ ngơi, chữa bệnh (ảnh minh họa) |
Bây giờ, lâm vào cảnh bệnh tật, tạm thời chưa kiếm được tiền, Ngọc cũng nhiều tâm tư, nên cô ngồi suy tính lại. Tính ra, nếu xét theo khía cạnh nào đó thì Ngọc cũng chẳng khác gì mẹ chồng, làm được bao nhiêu tiền là đem chi xài bằng hết. Cả mẹ và cô chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện tiết kiệm, tích cốc phòng cơ. Có chăng, sự khác nhau là mẹ chi xài cho những nhu cầu cá nhân của mẹ, còn cô lại dốc cạn túi để mang lại sự vui vẻ, thoải mái cho mọi người.
Ngọc biết, đã đến lúc, mình cần được nghỉ ngơi, mặt khác cô cũng sẽ nói với mẹ nhiều hơn về việc cần thiết phải thay đổi thói quen chi tiêu, sinh hoạt. Cũng như mẹ, trong một thời gian dài, cô đã không tiếc công sức, tiền bạc để chăm lo cho người khác thì đến một lúc nào đó, sự hy sinh ấy cũng cần được hồi đáp bằng những ân cần. Ngọc mạnh dạn vạch ra những gạch đầu dòng để mẹ dễ dàng hỗ trợ.
Sáng nay, mẹ chồng nhắn vào máy khi Ngọc đang ngồi sưởi nắng dưới hiên nhà: “Mẹ họp ở phường xong sẽ ghé chợ mua thêm sữa cho các cháu và mua bồ câu về nấu cháo cho con”.
Minh Thi