Con dâu bỗng đổi tính

01/10/2021 - 18:41

PNO - Trước thay đổi của con dâu, bà Hoa mừng thầm trong bụng vì có thể yên tâm giao tay hòm chìa khóa, việc bếp núc trong thời gian tới.

Sáng sớm, bà Hoa đang lúi húi soạn sửa dọn cơm để ăn sáng thì con dâu xuống bếp hỏi: “Nồi canh tối qua còn không mẹ?”. Bà Hoa chỉ tô canh trên mâm cơm: “Mẹ mới hâm lại đó, gói miến mẹ để ở bàn bếp, con nấu mà ăn”.

Con dâu không nói gì, lấy thêm bát đũa rồi ngồi xuống bàn ăn cơm, vậy thôi mà bà Hoa ngạc nhiên.

Từ lâu, nhà bà Hoa có thói quen ăn cơm vào buổi sáng, thức ăn thường dư từ bữa tối hâm lại hoặc nấu thêm món mới. Lúc mới về làm dâu, Hương cố hòa nhập với gia đình chồng, nhưng chỉ được một tuần, cô không sao nuốt nổi chén cơm buổi sáng.

Bà Hoa thấy con dâu không quen với cách ăn uống của gia đình nên chủ động nói vợ chồng con cứ đi ăn sáng ở ngoài, không phải ngại gì. Bởi mỗi khi con dâu đứng bếp và nhanh tay đổ bỏ thức ăn thừa, bà lại xót của.

Hương thì nghĩ, gia đình không đến nỗi khó khăn để mẹ chồng phải tằn tiện. Đặc biệt, Hương dị ứng với cách tích trữ thực phẩm của mẹ chồng khi bà mua nhiều thức ăn về chất đầy tủ lạnh. Mỗi lần bà lôi ra một hộp thịt để rã đông, cô rất sợ cái mùi đặc trưng ấy.

Hương từng rất dị ứng với cái tủ lạnh đầy ắp thực phẩm dự trữ của mẹ chồng. Ảnh minh họa
Hương từng rất dị ứng với cái tủ lạnh đầy ắp thực phẩm dự trữ của mẹ chồng -Ảnh minh họa

Bà Hoa có thói quen đi chợ mỗi tuần một lần, còn mẹ ruột của Hương ngày nào cũng đi chợ. Bà mua bữa nào nấu bữa đó cho tươi ngon.

Dẫu biết con dâu quen được cưng chiều nhưng bà Hoa vẫn cố dung hòa, không góp ý hay can thiệp. Bởi bà vẫn đảm nhận việc bếp núc chính trong nhà còn Hương chỉ phụ giúp khi cô rảnh rỗi.

Mấy tháng dịch năm trước, vợ chồng con trai làm việc ở nhà nên phải ăn sáng cùng gia đình. Ngoài mâm cơm cho cả nhà, bao giờ bà Hoa cũng ý tứ chuẩn bị sẵn miến, phở cùng trứng, thịt bò để con dâu nấu riêng bữa sáng.

Nhưng đến đợt dịch này, Hương bị mất việc làm do công ty giảm nhân sự. Tất cả chi phí phụ thuộc vào tiền lương của chồng, chi tiêu không còn thoải mái. Dù không nói ra nhưng Hương hiểu chồng rất áp lực vì anh vẫn đang trả góp chiếc xe mới mua cho vợ đi làm.

Hôm trước, cha chồng bảo: “Đợt này, hai đứa không cần đóng tiền sinh hoạt hàng tháng, cứ tập trung mà trả nợ, ba mẹ lo được”, Hương thấy ái ngại. Thời buổi dịch giã, không biết bao giờ Hương mới tìm được việc làm, trong khi số tiền tích lũy cạn dần.

Khi thành phố thực hiện nghiêm giãn cách xã hội trong thời gian dài, Hương thấm thía, không phải cứ có tiền là mua được thực phẩm tươi ngon.

Nhờ chiếc tủ lạnh chật kín đồ ăn của mẹ chồng mà cả nhà luôn có những bữa ăn đủ chất. Nếu biết cách bảo quản, thực phẩm trữ đông vẫn tươi ngon như thường.

Ngay cả thức ăn dư sau mỗi bữa, bỏ vào tủ lạnh rồi hâm nóng vẫn ngon như thường. Chứng kiến bạn bè đồng nghiệp than thở trên Facebook vì không mua nỗi một bó rau, nắm hành, Hương bắt đầu học cách trữ thực phẩm. 

Khi tìm được địa chỉ bán thực phẩm uy tín, Hương đặt một loạt cá thịt, rau củ quả để lấp đầy cái tủ lạnh sắp trống chỗ. Lần đầu tiên, bà Hoa thấy con dâu mua nhiều đồ ăn và biết cẩn thận chia hộp để bảo quản.

Sau mỗi bữa ăn, món mặn dư thừa, Hương nấu sơ lại, chờ nguội rồi cất như mẹ chồng chứ không đổ bỏ như trước. Bữa sáng cùng cả nhà, Hương thiết kế ra nhiều món cơm chiên, mì xào vị mới lạ từ số cơm nguội, thức ăn cũ.

Bà Hoa vừa bất ngờ vừa ngạc nhiên trước sự thay đổi của con dâu. Đúng là không có gì bằng trải nghiệm thực tế, nếu bà góp ý chưa chắc Hương đã nghe. Sống qua nhiều giai đoạn khốn khó của cuộc đời, bà Hoa giữ thói quen tiết kiệm thức ăn, không dám đổ bỏ dù chỉ một chút cơm nguội.

Bà mừng thầm trong bụng vì từ nay có thể yên tâm giao tay hòm chìa khóa, việc bếp núc cho con dâu.

                                                                                                        Nguyên An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI