Con dâu bắt lỗi mẹ chồng

06/03/2023 - 18:14

PNO - Sau này lên chức ông bà, tôi cũng xác định rõ: khi con khôn lớn, lấy vợ gả chồng và sinh con sẽ sống cho mình, thăm cháu chứ không trông cháu.

Các hội nhóm Facebook đang chia sẻ chuyện cô con dâu trách móc mẹ chồng: "Chẳng có bà nội nào như thế!”.

Vợ chồng cô nhờ mẹ chồng đã nghỉ hưu đến trông cháu để đi làm. Ở nhà, ngoài trông trẻ, mẹ chồng còn phải làm việc nhà. Một lần, con dâu xem camera thấy con đang khóc đòi bà trên giường nhưng bà nội xoay lưng, không quan tâm. Cô con dâu thương con, tức giận mách với chồng: "Chẳng có bà nội nào như thế!”.

Dù câu chuyện được đoán là xảy ra ở Trung Quốc, nhưng thu hút rất nhiều bình luận từ người sử dụng mạng xã hội Việt Nam.

Con dâu trách móc mẹ chồng chăm cháu khi quan sát qua camera.
Con dâu trách móc mẹ chồng chăm cháu khi xem hình ảnh qua camera

Chuyện nhờ ông bà trông cháu không phải vấn đề mới và luôn gây tranh cãi. Ăn theo câu chuyện trên, không ít bà mẹ bỉm sữa tranh thủ bình luận chê bai mẹ chồng, tố mẹ chồng không thương cháu, nuôi trẻ kém khoa học... Cũng có rất nhiều tài khoản Facebook phản ứng kịch liệt, cho rằng cô con dâu chụp mớ hình từ camera kia vô ơn. Họ lý giải, việc chăm một đứa trẻ rất cực nhọc, quá sức với người tuổi ông tuổi bà. Người bà trong khuôn hình có thể đang bị bệnh, có thể quá mệt nên không thể đáp ứng nhu cầu đòi ẵm bồng của cháu và mới xoay lưng để nghỉ ngơi.

Trên thực tế, có rất nhiều đứa con đòi hỏi cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi cháu và hay "bắt lỗi" cha mẹ. Một đồng nghiệp của tôi tới cơ quan bày tỏ nỗi ấm ức khi mẹ chồng không trông cháu để cô đi du lịch cùng đồng nghiệp, vì bà nói bà bận tham gia họp hội đồng hương.

Trong khi đó, mẹ chồng của cô đã ở cùng để chăm cháu từ lúc cô mới sinh cho đến khi bé vào tuổi đi mẫu giáo. Chỉ vì một lần bà từ chối giữ con mà cô kết luận bà “ham chơi, chỉ nghĩ đến bản thân".

Tôi nghĩ khác người đồng nghiệp, khi sinh con tôi đã xác định “con mình mình chăm”, ông bà giúp đỡ được chút nào thì biết ơn ông bà chút ấy. Ông bà từ chối giúp, dù với lý do gì đi nữa, con cái cũng chẳng có quyền trách móc.

Khi tôi mới lấy chồng, mẹ ruột tôi cũng nói thẳng: “Mẹ đã khổ hơn nửa đời rồi, giờ có tuổi sức khỏe không được như xưa. Nếu con sinh nở mẹ chỉ phụ giúp chơi cùng, chứ không thể trông nom, chăm sóc cháu được. Vợ chồng tự tính toán và nuôi con cho tốt”.

Sinh 2 đứa con, tôi hoàn toàn không nhờ vả mẹ ruột chuyện con cái. Khi đứa đầu lòng ra đời, mẹ chồng chăm cháu cho tôi một năm rồi về quê, tôi gửi con đi học và tự lo liệu mọi việc. Nhờ bà được chừng ấy thời gian, tôi biết ơn bà nhiều lắm.

Đến khi tôi sinh đứa con thứ hai, mẹ chồng không phụ giúp ngày nào, khi bà nhớ cháu thì lên chơi với cháu. Tôi và chồng tuy vất vả, nhưng lại có cảm giác thoải mái vì không làm phiền ông bà, cũng không có xung đột thế hệ trong cách nuôi dạy con.

Chuyện của em họ tôi lại khác, cô ấy xích mích nặng nề với cha mẹ ruột về chuyện trông cháu. Em họ tôi lấy chồng sinh liên tiếp 2 đứa con và sống cùng cha mẹ ruột. Việc nuôi cháu do chú thím tôi đảm nhận đến khi bé nào cũng 4 tuổi mới cho đi học mẫu giáo.

Đến khi em vỡ kế hoạch và sinh đứa con thứ 3 (lúc này vợ chồng em cũng đã ra riêng), chú thím tôi nhất quyết không nhận trông cháu nữa. Một phần vì ông bà đã già, sức khỏe đi xuống, không còn sung sức, phần nữa ông bà muốn con sống trách nhiệm hơn. 2 đứa cháu đầu, ông bà lụm cụm chăm lo hết mọi việc nên vợ chồng em tung tăng hệt vợ chồng son, không hề biết đến nỗi cơ cực của người nuôi con nhỏ.

Ông bà chỉ nên thăm cháu, không có nghĩa vụ phải chăm sóc. Ảnh minh họa
Ông bà chỉ nên thăm và chơi với cháu khi ông bà muốn, không có nghĩa vụ phải chăm sóc, nuôi nấng chúng (ảnh minh họa)

Lúc đầu, em vùng vằng trách móc cha mẹ, nhờ mọi người tác động để chú thím tôi đổi ý. Tôi đã góp ý thẳng với em, việc chăm cháu trên tinh thần nhờ ông bà chứ đừng ép buộc ông bà.

Nếu cha mẹ đã từ chối thì vợ chồng phải chủ động sắp xếp, hoặc bỏ tiền thuê người chăm con. Sau này, khi xoay xở nuôi con, em mới thấu hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, không còn trách móc nữa.

Tôi nghĩ, tới lúc chức ông bà, tôi cũng xác định rõ: khi con khôn lớn, lấy vợ gả chồng và sinh con, tôi sẽ sống cho mình. Tôi chỉ hỗ trợ chăm cháu vào ở thời điểm sau khi sinh, hoặc trường hợp đột xuất không có người trông, chứ tôi không nhận nuôi cháu theo kiểu "giao khoán".

Nguyễn Hòa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI