Con đang "live", bố mẹ có hay?

22/07/2016 - 19:00

PNO - Nhiều gia đình, khi đêm xuống, mỗi người về phòng riêng, ôm chiếc điện thoại thông minh. Nhiều bạn live, làm “diễn viên phim cấp ba tại gia”; nhiều bạn hẹn hò, mở cửa đi khỏi nhà và về lúc tảng sáng, bố mẹ chẳng hay.

Tuần trước, nghe tôi than thờ chuyện làm gì để khỏi buồn ngủ giữa hai trận banh khuya, một anh làm trong lĩnh vực tin học ghé tai nói nhỏ: "Sao ông không live đi, bảo đảm ông thức tới sáng chứ hai giờ nhằm nhò gì!", kèm theo cái nháy mắt đầy âm mưu.

Anh bạn lẳng lặng lấy điện thoại của tôi cài vào ứng dụng BigoLive, nói là tôi sẽ không phải hối hận.

Lạc vào thế giới live

Nhấp vào ứng dụng BigoLive, thực hiện nhanh các thao tác đăng ký một tài khoản - hoàn toàn miễn phí, tôi đã có thể du hành tự do trong thế giới live này. Nam thanh nữ tú tham gia khá đông. Tôi thử làm một thống kê nhỏ trong 100 tài khoản đang hoạt động trên BigoLive thì có được vài thông số như sau: 82 tài khoản chủ sở hữu là nữ. 10 tài khoản đang có số người theo dõi đông nhất, chủ tài khoản đều là nữ. Trong 82 tài khoản nữ đang live thì 68 chủ tài khoản đang live trong khung cảnh nằm trên giường. 93 tài khoản đều live trong tình trạng ăn mặc khá mát mẻ: 14 tài khoản nam ở trần khoe thân với nhiều hình xăm, 70 tài khoản nữ mặc áo hai dây cổ khoét sâu, có cả những tài khoản gần như khoe trọn vẹn vòng 1 trên màn hình live.

Trong các dòng chữ xuất hiện trên màn hình, 90% đều là những lời sàm sỡ, yêu cầu các tài khoản nữ cho xem những phần cơ thể nhạy cảm hoặc buông lời chọc ghẹo kiểu “anh không chịu nổi nữa em ơi”. Càng về khuya, số lượng tài khoản live càng tăng nhanh, đa phần vẫn là các bạn nữ trong độ tuổi 16- 25. Trong 82 tài khoản nữ có đến khoảng 60 tài khoản (xấp xỉ 75%) live thâu đêm.

Con dang
Một tài khoản live trong bộ đồ mát mẻ và những lời nhận xét khiếm nhã (ảnh chụp màn hình điện thoại)

Cả 100 tài khoản live chẳng có nội dung gì đặc biệt, chỉ là nói những câu nói làm xàm, chu môi, nháy mắt, nghiêng ngả các kiểu trước ống kính điện thoại. Đặc biệt có bảy tài khoản là dạng couple, trực tiếp hình ảnh hai bạn nằm trên giường ôm nhau với những cử chỉ thân mật gợi cảm. 82 tài khoản có chủ nhân là nữ (100%) đều nhận được những lời đề nghị “show hàng” để đổi lấy lượng view hoặc nhận những món quà ảo trong BigoLive.

Những nguy cơ tiềm ẩn

Về nguyên tắc, BigoLive không có chức năng ghi lại cảnh đang phát trực tiếp, cũng không có chức năng cho phép người sử dụng chụ p lại cảnh nhạy cảm trong quá trình live. Tuy nhiên, với những người am hiểu đôi chút về công nghệ, chuyện chụp màn hình điện thoại hoặc quay những cả nh nhạy cảm khi chủ tài khoản đang hưng phấn quá đà là chuyện nhỏ.

Điều gì xảy ra khi những hình ảnh nhạy cảm, những đoạn clip đó được sử dụng vào mục đích xấu mà người chủ hình ảnh không hề hay biết? Đã có những cô gái gặp phải sự cố khi hình ảnh mình trong trạng thái hơi quá đà bỗ ng xuất hiện trên những trang web “kết bạn có tiền” hoặc “máy bay gái gọi”. Hối hận thì đã muộn. Trò chơi nhỏ có thể gây cú sốc lớn không thể vượt qua.

Bên cạnh đó, công nghệ live này cũng giúp cho một số phụ nữ hành nghề mại dâm dễ dàng giới thiệu hình ảnh bản thân trực tiếp - tất nhiên sẽ lung linh hơn thật nhờ công nghệ xử lý hình ảnh của nhà sản xuất BigoLive, dễ dàng thỏa thuận giá cả, nơi gặp offline…

Việc “nghiện” live đang có nguy cơ trở thành một hình thức nghiện mới trong thời đại @. Theo dõi liên tiếp bốn đêm liền, tôi nhận thấy có những bạn trẻ hầu như đêm nào cũng live tới sáng, không hiểu các bạn ấy sẽ ngủ nghỉ vào giờ nào, còn học tập, công việc thì sao?

Điều đáng lo ngại, live nhiều nhất lại là các em đang độ tuổi teen. Chắc hẳn, bố mẹ các em ấy không hề biết con mình live thâu đêm như vậy. Gần đây xuất hiện tình trạng các bé gái tuổi teen ở một số tỉnh miền Tây bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi từ mạng ảo. Một số em bị lừa vào các quán cà phê kích dục buộc phải tiếp khách, có em bị xâm hại tình dục hoặc bị bán ra nước ngoài.

Bố mẹ làm gì trước làn sóng live?

Nhiều gia đình, khi đêm xuống, mỗi người về phòng riêng, ôm chiếc điện thoại thông minh. Nhiều bạn live, làm “diễn viên phim cấp ba tại gia”; nhiều bạn hẹn hò, mở cửa đi khỏi nhà và về lúc tảng sáng, bố mẹ chẳng hay, chỉ thấy con học hành ngày một sa sút, cơ thể xanh xao, suy nhược, thèm ngủ ngày và thái độ thường cáu gắt. Bố mẹ có quan sát, lắng nghe, trao đổi ôn hòa để tìm nguyên nhân? Bố mẹ thờ ơ, phó mặc thì khó có thể nắm bắt con đã làm gì vào thời gian dành riêng cho giấc ngủ. Không thể viện vào tuổi tác, bố mẹ cần phải trang bị, cập nhật kiến thức, công nghệ hiện đại để đồng hành với con.

Khi biết con tham gia live, các bậc cha mẹ không nên quá hoang mang, quy chụp, cho là con hư, đưa đến xung đột gay gắt. Vấn đề ở chỗ hiểu con sử dụng các công cụ đó cho mục đích gì để kiên trì, khéo léo nhắc nhở, uốn nắn. Phải chăng công nghệ live trực tuyến (stream trong Facebook; BigoLive và một số ứng dụng live khác) chỉ mang lại những vấn đề cần cảnh báo? Phải chăng live chỉ toàn những điều xấu, sai trái? Khi tạo ra công nghệ này, nhà sản xuất muốn đem đến một công cụ giao tiếp hiệu quả hơn, giúp con người có cảm giác gần nhau hơn. Đồng thời, khuyến khích mọi người bộc lộ mình nhiều hơn trên không gian ảo để thế giới ảo thật hơn, người hơn và có hiệu quả hơn trong việc chia sẻ cảm xúc, gửi đi những thông điệp có ích.

Biết đâu con bạn đang live để thăm bạn bè, cùng bàn luận một chủ đề hoặc để học. Có thể live sẽ dần trở thành một hình thức mới trong lĩnh vực giảng dạy kiến thức, kỹ năng mềm hay phát triển kỹ năng làm việc nhóm. Tôi đã thử tổ chức một buổi truyền thông live trên BigoLive về chủ đề “an toàn trên mạng xã hội” với sự theo dõi của hơn 30 bạn trẻ ở nhiều tỉnh thành (con số rất khiêm tốn so với các tài khoản live khác) và thấy hiệu quả rất tốt. Thay vì phải tổ chức lớp học, thuê phòng… tôi chỉ cần ngồi ở nhà, phát live trên mạng và trao đổi với rất nhiều bạn trẻ tứ phương mà chi phí cực rẻ.

Một lẽ nữa để phụ huynh không vội lo, việc lạm dụng live vào các việc làm vô bổ như hiện nay chỉ là trào lưu nhất thời của một số bạn trẻ khi tiếp cận với công nghệ mới tiện dụng. Theo thời gian, con em ta sẽ biết cách điều chỉnh hoạt động live của mình sao hiệu quả, tích cực. Tất nhiên, các bậc cha mẹ không thể kiểm soát, theo dõi, canh me con mình mà cài vào chúng những giá trị tích cực, những động lực, những ước mơ, mục tiêu từ bé để trẻ đầu tư thời gian, công sức vào đấy, không sa vào những trò “thiếu lành mạnh, thừa nguy cơ”. Công nghệ không xấu, chỉ có con người làm cho công nghệ trở nên xấu.

Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI