Con đã chơi suốt 2 tháng qua, tôi có nên ép con đi học thêm cuối hè?

01/08/2024 - 13:41

PNO - Các bạn học giỏi vẫn đi học thêm kiến thức suốt hè, con tôi lại chơi suốt 2 tháng qua. Tôi có nên ép con đi học vào tháng cuối hè, trước khi năm học mới bắt đầu?

Một năm con mệt mỏi vì học tập, tôi băn khoăn không biết cho con học thêm hay chơi hết thàng hè cuối. Ảnh FreeikSau 9 tháng con mệt mỏi vì học tập, tôi băn khoăn không biết cho con học thêm hay chơi hết thàng hè cuối - Ảnh Freeik

Còn chưa đầy 1 tháng là vào năm học mới. Trong lúc các bạn cùng lớp đi học thêm đủ 3 môn: Toán, Văn, Anh, thậm chí học cả môn khoa học tự nhiên, còn con tôi sức học trung bình nhưng suốt ngày đọc sách, đạp xe, đi bơi…

Mẹ con tôi đang “chiến tranh” vì tôi thấy con đã chơi 2 tháng, tôi nghĩ tháng cuối hè phải đưa con đi học thêm để ôn lại kiến thức và nắm bài vở trước năm học mới. Thế nhưng cô con gái chuẩn bị lên lớp Bảy của tôi lý lẽ: “Mẹ kể thời của mẹ được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè rất vui. Vậy tại sao mẹ lại bắt con đi học?”.

Câu hỏi của con làm tôi "đứng hình". Cùng với lời nói là đôi mắt ậng nước, có phần uất ức của con, khiến tôi day dứt và mềm lòng. Nhưng tôi rất sốt ruột vì ngày nào trong group phụ huynh của lớp con cùng có người chia sẻ: “Bé đang học thêm trung tâm này, con đang theo thầy dạy chính của lớp Bảy năm tới”. Thậm chí những học sinh giỏi nhất lớp đều đang tất bật với các lớp học thêm. Tôi không khỏi lo lắng, liệu có phải mình đang để con bị tụt hậu?

Năm học vừa rồi, con tôi vẫn là học sinh giỏi, nhưng đó là kết quả của việc tôi “1 kẹp 1” với con. Năm nay con vào lớp 7, công việc tôi vừa bận hơn, lại thêm kiến thức lớp 7 quá sức với tôi, nên không thể chơi suốt hè, và áp dụng phương pháp “học thêm” với mẹ như năm trước.

Tôi vẫn thường kể cho con nghe tuổi thơ của mình, học trường làng ở xứ Cù lao ông Hổ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Mùa hè là tôi và các bạn hoàn toàn không đụng tập sách, suốt ngày đi thả diều, tắm sông, bắt cá, bắn chim, hay đi “trộm” ổi, mận, xoài trong vườn… nội tôi và vườn của nhà thằng Tám, con Ngọt, thằng Tí…

Có khi tụi tôi còn lén lấy cây đờn cò của ông Chín- ông nội thằng Tám rồi một đứa kéo, một đứa gõ song lang “cộc cộc” và 7-8 đứa cứ thay phiên nhau cho đến khi ông Chín phát hiện rượt cả đám chạy. Hoặc có lúc chúng tôi lén lấy gạo, thịt (lúc nhỏ đứa nào cũng mê ăn thịt) rồi ra sau vườn đốt rơm nấu cơm, kho thịt ăn cơm.

Có lần, lửa cháy lan vườn nhãn của ông ngoại con Ngọt, làm cả đám đều bị no đòn vì tội chơi ngu suýt mất mạng và làm chết 2 gốc nhãn. Những trò chơi hồn nhiên, tinh nghịch tuổi thơ, vô tình đã cho chúng tôi điều - mà ngày nay mọi người gọi là mỹ từ “kỹ năng mềm” và phải tốn tiền đi học.

Ngày xưa, 7-8 tuổi là chúng tôi đã biết bơi, bắt cá, làm cá, nấu cơm, thoát hiểm (bị chó rượt thường xuyên, có khi còn bị bò đuổi vì cưỡi bò lạ đang ăn cỏ ngoài đồng)…

Được vui chơi hè là niềm vui và ký ức đẹp của tuổi thơ. Ảnh Thùy Dương
Được vui chơi hè là niềm vui và ký ức đẹp của tuổi thơ - Ảnh Thùy Dương

Tôi cũng muốn con trải qua “tuổi thơ dữ dội” nhưng đẹp đẽ và học kĩ năng mềm một cách tự nhiên như ba mẹ chúng ngày xưa, nhưng nỗi lo con không theo không kịp kiến thức, con bị tụt hậu làm tôi rối bời.

Con tôi vẫn chẳng lo lắng gì. Sau một năm học căng thẳng, con chỉ muốn được nghỉ ngơi, được đi chơi, được về ngoại và làm những điều mình thích. Con cho rằng việc học thêm sẽ làm mất đi mùa hè ý nghĩa và thời gian quý báu của tuổi thơ. Con nói: “Ngày xưa mẹ học trường làng, mà bây giờ mẹ vẫn có công việc tốt. Con đã học mệt cả năm rồi, mẹ cho con chơi trọn vẹn 3 tháng hè đi, vào năm học con “cày” đàng hoàng".

Đây thực sự là yêu cầu khó. Tôi hiểu ước muốn của con, nhưng cũng không thể bỏ qua những lo lắng của người làm mẹ. Thật sự tôi không biết làm thế nào cho đúng, vừa thỏa ý con, vừa nhẹ nỗi lo của mẹ. Rất mong những phụ huynh có kinh nghiệm cho tôi lời khuyên.

Minh Châu

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI