Con cúi nhà quê

12/04/2024 - 19:25

PNO - Bà nội tôi từng bảo: đời người, đời cúi ngẫm cũng như nhau. Cúi tàn, lửa cũng tàn. Người sống là bởi còn mang hơi ấm.

Dứt mùa, cha ra ruộng ôm mấy ôm rơm về vun thành một đống nhỏ sau hè. Phần để phủ giồng rau mới gieo, phần để lót ổ chuồng gà, chuồng vịt khi mùa mưa sắp đến. Cha cũng ém đầy một bao rơm khô dành nhóm bếp trong nhà.

Sáng nào, cha cũng lọ mọ dậy sớm nấu nước, pha trà. Mồi lửa bằng nhúm rơm khô dễ cháy rồi chêm vào mấy cọng lá dừa, chẳng mấy chốc cả gian bếp củi đã trở nên ấm sực. Hồi còn nhỏ xíu, tôi cũng hay dậy sớm lẽo đẽo theo chân bà nội xuống bếp. Vừa chụm lửa để lát nữa lùi vào than hồng trái chuối, củ khoai, vừa sưởi ấm đôi tay những khi mưa lạnh.

Bây giờ, chắc chẳng còn ai biết tết con cúi
Bây giờ, chắc chẳng còn ai biết tết con cúi

Những lúc tôi ngồi canh lửa, bà nội thường kéo bao rơm khô đến bên cạnh rồi tỉ mẩn rút từng lọn nhỏ để tết một con cúi long ba. Cứ chậm rãi, bà tết thật đều tay, y như má tết tóc cho tôi đi học. Dưới ánh sáng của bếp lò đang cháy, bóng bà in trên vách, đôi bàn tay gầy guộc cố bện cho con cúi thật đều.

Vừa làm bà vừa thủ thỉ, hồi ông nội tôi còn sống, công việc bện con cúi giữ lửa là việc của ông. Cứ mỗi năm dứt mùa là ông cẩn thận phơi rơm rồi nhét đầy từng bao trữ. Thời đó, rơm cũng là chất đốt. Má tôi vẫn hay kể về những ngày mưa bão, củi đuốc ướt nhem, chỉ có rơm là cháy được, dù mau bắt lửa nhưng cũng sớm tàn. Thuở ấy, nhà nào khá lắm mới có hộp quẹt đá lửa. Bởi mỗi lần thay đá lửa là mỗi lần khó nên giữ lửa trở thành việc quan trọng trong mỗi gia đình, để thắp sáng và nấu ăn.

Ông nội mù lòa do cườm nước nên phải mò mẫm, thao tác không nhanh. Nhưng ông bện con cúi rất khéo - không quá lỏng, lửa dễ cháy, mau tàn; cũng không quá chặt khiến lửa không thể ăn vào rơm dẫn đến rụi tắt.

Những con cúi bện xong, ông thường dốc ngược đầu, treo lên vách. Mỗi lần mang xuống sử dụng, ông cho cúi “ăn” nước rồi giũ thật ráo, giúp cuộc giữ lửa được bền hơn. Cái hộp quẹt đá lửa gia truyền chẳng mấy khi dám sử dụng, vì khi đá lửa hết, phải thay tận ngoài chợ huyện, cách đến mấy chuyến đò dọc. Chỉ có con cúi là dễ dàng, nhà nào làm cũng được, vì rơm luôn sẵn ngoài ruộng mùa thu hoạch.

Khi những con cúi được tết xong cũng là lúc mùa mưa kéo đến. Mỗi tối, bà thường khoanh con cúi vào một cái thau nhôm bể cạn lòng. Cho đầu con cúi mắc lên miệng thau bể cho cúi “thở”, để lửa không tắt. Chỉ cần đặt con cúi dưới gầm giường là chúng tôi đã có một lò sưởi ấm áp trong lúc ngoài cửa gió rít mạnh cùng mưa trút xuống ầm ào.

Mỗi buổi khuya thức dậy, bà nội cầm con cúi xuống bếp. Lui cui quặp mấy cọng lá dừa, bà nheo mắt thổi con cúi cho ngún lửa lên. Từ hơi ấm âm ỉ trong lòng con cúi, dưới tác động của hơi gió, lửa đỏ sẽ vụt sáng. Chính vì đặc tính đó mà ai muốn xin lửa chỉ cần mang con cúi qua nhà hàng xóm, gắp than đỏ bỏ lên đầu cúi là có thể lấy lửa.

Mỗi lần nghe má tôi gọi nhờ đi mồi lửa là tôi nhanh nhảu cầm con cúi chạy sang nhà hàng xóm. Mỗi lần thổi lửa, khói rơm bao giờ cũng lèn lên cay mắt.

Bà nội tôi từng bảo: đời người, đời cúi ngẫm cũng như nhau. Cúi tàn, lửa cũng tàn. Người sống là bởi còn mang hơi ấm. Một ví dụ giản đơn mà mãi đến khi khôn lớn tôi mới chợt hiểu ra, để mỗi lần nhớ bà, nhớ cái rơm con cúi, tôi lại không quên nhắc nhở mình giữ gìn một ngọn lửa trong lòng.

Hiền Lương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI