|
Ảnh Minh An |
Trời trở lạnh, tôi mang chăn bông, áo len ra giặt; lau mấy đôi bốt ngủ quên trong góc nhà. Cầm những chiếc áo len đủ màu, đủ kiểu của mình, tôi không nhớ lần cuối mặc chúng là khi nào.
Đời người, có sự quen thuộc nào không khiến mình nhàm chán? Thi thoảng ta mong muốn một cái gì khác nhịp sống hằng ngày cũng là lẽ thường. Mang một đôi giày cao cổ, mặc chiếc áo khoác hay đội chiếc mũ xinh xinh ngồi nơi hè phố uống ly sữa, ăn tô cháo, tô phở nghi ngút khói lúc cái lạnh như bàn tay trẻ thơ mơn man hai má, thú vị chứ! Nên từ đầu tháng Mười hai, tôi cũng nghe nôn nao khi thấy bạn bè háo hức sắm thêm đồ mùa đông để diện. Tôi cũng muốn sắp xếp công việc, đi du lịch, trải nghiệm nơi có mùa đông lạnh.
Tôi nhớ, trong cuộc điện thoại nửa đêm hôm qua, bạn cười ha hả khi nghe tôi hỏi:“Có phải gió mùa Đông Bắc rít ngoài cửa sổ như một gã giang hồ rít thuốc lào mạnh bạo, thiếu tinh tế không?”. Rồi suốt đêm, tôi nghĩ đến những mái nhà không kiên cố, nằm vắt vẻo bên sườn núi hoặc tạm bợ chơi vơi giữa rừng cây xanh thẳm ngút ngàn ở vùng quê xa xôi. Gió mùa về khi ngông nghênh dội dập ầm ầm; khi gan lì lách qua từng khe cửa, quần thảo suốt đêm. Nơi đó ắt hẳn có chiếc giường không đủ êm, mền không đủ ấm. Nơi đó có những đôi chân đã từng trẻ khỏe bôn ba gánh gồng, tìm cho lành manh áo cho trọn miếng cơm.
Tôi nghĩ đến những phiên chợ họp lúc chưa tỏ mặt người, khi những thúng rau hãy còn tươi xanh, chùm rễ đung đưa vương vít chút đất cát; những con cá con tôm còn đẫm nước quẫy, búng lách tách. Tôi nghĩ đến những người nông dân thấp thỏm trong tiết sương giá nâng niu luống rau thơm, chậu hoa cúc, lá trầu, trái cau, trái bưởi… cho ngày tết.
Tôi cũng nghĩ đến những người quét đường khi dòng xe đã ngớt nơi thành phố của tôi; đến cơ man những người loay hoay sau chiếc xe hàng rong, mang đến cho anh công nhân, bác tài xế xuống ca đêm hay lữ khách lỡ làng một chuyến xe, dĩa cơm tấm, tô hủ tíu, chiếc bánh bao… ấm sực. Rồi cả những người không còn nhà để về, không còn người thân nương tựa…
Tất cả, tất cả chắc mong lắm những ngày nắng ấm.
Tôi cũng muốn tin lời bạn rằng họ “quen” và cái ngưỡng chịu đựng của họ khác chúng ta nhiều nhưng vẫn không làm sao ngăn được nỗi ngậm ngùi về sự hiện hữu dai dẳng của cái chăn hẹp trên đời. Thật khó có một cái chăn che đủ cho mọi người, phải không? Nếu ta bớt ấm một chút, kéo về phía mình nương nương một chút, biết đâu người khác có thể chưa thực sự đủ ấm nhưng không đến nỗi co ro. Một que diêm cũng có thể đủ cho cô bé đáng thương của Andersen trong chốc lát gặp được bà, thấy được những món ăn ngon, cảm nhận được cái ấm áp trong mùa đông giá lạnh. Nếu nhiều que diêm được thắp lên, chắc sẽ thành một ngọn lửa.
Dẫu đã qua rất lâu tuổi đọc truyện cổ tích, tôi tin còn vô số que diêm trên đời. Tôi từng thấy mẹ, ngày nào cũng mua mớ rau già úa của cụ bà lưng còng ngồi rúm ró nơi góc chợ, về ngồi nhặt nhạnh thật lâu, chắt chiu từng cái lá, đọt non mà ánh mắt mông mênh: “Bà cụ tội hén, con!”. Tôi thấy bạn tôi, suốt nhiều năm lặng lẽ âm thầm may áo ấm gửi lên vùng cao từ những ngày đầu thu cho kịp dịp trẻ tựu trường. Tôi thấy em, cô giáo tôi quen, năm nào cũng như năm nào, đêm Giáng sinh, cô trò hóa trang thành bà già ông già Noel, trên xe máy rồng rắn đi khắp các ngõ hẻm Sài Gòn. Những tiếng cười trên những khuôn mặt thanh xuân tươi rói, ấm áp lan tỏa như ngọn lửa.
Đã có lửa, ta sợ gì không qua được cái lạnh mùa đông để dọn lòng đón mùa xuân rạng rỡ?
Triệu Vẽ