Còn có những niềm vui

19/01/2017 - 16:30

PNO - Cuối năm, lẫn trong dòng tất tả ngược xuôi của Sài Gòn, lẫn trong dòng người mỏi mệt lấn chen, có những phút giây tôi bỗng thấy lòng mình lắng lại.

Con co  nhung niem vui
Bà Đỗ Thị Chánh, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM trao quà Tết cho phụ nữ khuyết tật Q.Tân Phú sáng 12/1/2017

Ðó là khoảnh khắc thấy những chiếc xe không rõ người, chỉ thấy hoa nối tiếp nhau vào thành phố. Là khoảnh khắc thấy người giữ xe trong chung cư bày lên chiếc ghế đẩu con con một đĩa mứt gừng, ai đi ngang qua cũng ngạc nhiên: “Úi dào, sao mà ăn tết sớm!”.

Cái thảnh thơi nhâm nhi của chú Tám, chủ nhân đĩa mứt bỗng lan sang tôi. Ðột nhiên, tôi không muốn phóng xe ào ào từ trong nhà xe ra nữa. Thay vào đó, tôi dắt ra đến tận bên ngoài mới rồ ga. Những đêm về muộn ngang qua đường Ba Tháng Hai, tôi bắt gặp rất nhiều bạn trẻ chở nhau, với lỉnh kỉnh quần áo cũ, mang chăn mền, và những túi quà tết tặng cho trẻ lang thang, người già ngủ trên hè phố. Ðêm muộn và lạnh, bỗng thấy lòng mình ấm.

Về nhà, thấy bạn bè nhóm này nhóm khác nhắn tin nhau. K. nhắn nhóm: “Sau một năm làm việc, bất chấp lương thưởng như thế nào, K. cũng luôn thấy mình quá may mắn khi có tiền về quê, có quê để về, có đầy đủ thực phẩm cho ngày tết. Còn vô số người thì không. Nên K. dốc lòng cùng bạn bè chia sẻ với họ”. Ðó là bếp từ thiện hằng ngày của chùa Bảo Vân (Bình Thạnh), nơi vẫn cung cấp hàng ngàn suất ăn cho bệnh nhân ung bướu.

Con co  nhung niem vui
Nụ cười của các em bé trường Canh Liêm khi nhận được quà Tết

N. cũng vừa trở về từ xã Canh Liêm, Vân Canh, một huyện miền núi xa xôi hẻo lánh của tỉnh Bình Ðịnh. Bạn kể giọng vẫn còn chưa nguôi cảm xúc: “Nơi đó đường đi như bàn tay dựng đứng vầy nè, quá xa xôi, trắc trở để đến. Nơi khang trang nhất của xã là trường tiểu học. Và khi nghe tin đoàn mình đến Vân Canh, thầy hiệu trưởng trường Canh Liêm đã chạy xe 45 cây số, ngủ đêm tại trường Vân Canh để hôm sau dẫn nhóm mình lên tới Canh Liêm.

Còn học trò, khi nhận được quần áo mới, mang ba lô mới, bọn nhỏ mặc ngay tại chỗ và… không chịu học nữa, chỉ xúng xính quần áo và ngắm nhau. Người lớn thì sao, khi trao quà cho họ, N. đã thấy rất nhiều bàn tay… “nát bét” vì cạo vỏ tràm từ 4g sáng đến 5g chiều. Thương lắm. Có đi mới biết bà con mình khổ biết là bao. Có đi mới biết thương đồng bào”.

Một bậc đàn anh trong nghề báo cuối năm ngồi hồ hởi: “Tính ra năm vừa rồi, bọn anh đã xây được 20 căn nhà cho bà con nghèo khó…”. Có nhóm làm từ thiện ngân sách lên đến hàng tỷ đồng, có nhóm làm nho nhỏ chừng mấy chục bộ áo quần cho trẻ Ðăk Nông. Cô em nhỏ khi nhờ mua áo quần còn dặn đi dặn lại: “Chị nhớ mua đầm nhen chị, vì trẻ em ở đó, không thấy tụi nó có một cái đầm nào mặc tết”. Nghe mà thương…

Cũng một chiều cuối năm đi ngang qua đường Lê Hồng Phong, thấy một cái bảng rất lạ: “Ở đây có cháo thịt bằm miễn phí”. Nhịp sống quá tất bật, tôi đã không kịp dừng lại để hỏi han xem họ hoạt động thường xuyên hay không, giờ nào trong ngày, người đến nhận là ai… Nhưng nhìn cái bảng, nghĩ tới một tô cháo nóng cuối ngày, sao thấy lòng nhẹ tênh như thể mình đã trải qua một ngày không có gì căng thẳng.

Nhân chuyện cái bảng, cũng trên đường đi thấy một chỗ bán áo mưa có bảng in hẳn hoi: “Làm ơn chạy xe chậm lại”. Tôi vừa buồn cười vừa băn khoăn mãi, không biết bao nhiêu người kịp đọc cái dòng chữ ân cần nhắc nhở kia.

Chẳng phải cuối năm quá nhiều việc hay sao. Thì thôi, mỗi người một kiểu, bằng cách nào đó họ đều đang để lại những dấu ấn trong cuộc đời mình và đời người.

Cuối năm nhìn lại, trong nhiều nỗi băn khoăn, trong nhiều nỗi ưu phiền, thất vọng, vẫn thấy đâu đó có những niềm vui.

                                                                                                                Tấn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI