Con có 'máu' phiêu lưu

30/03/2015 - 19:39

PNO - PN - Kỳ nghỉ cuối tuần vừa rồi, con trai tôi suýt bị lạc trên núi vì cháu âm thầm tách đoàn, mải mê kiếm viên đá đầu hổ và con rắn hai đuôi như trong phim.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cháu rất ghiền xem phim khoa học viễn tưởng, thế giới động vật hay thám hiểm những vùng đất xa lạ, thần bí. Hằng đêm, trước khi đi ngủ, cháu cứ đòi cha mẹ kể những câu chuyện kỳ thú ấy. Có khi mớ ngủ, cháu cũng gọi tên những nhân vật trong phim. Giờ đang học lớp một, bắt đầu biết đọc chữ, cháu mê tít những cuốn sách phiêu lưu, khám phá... Cha mẹ cho bao nhiêu tiền, cháu dành hết để mua dạng sách ấy. Khổ thay, không dừng lại ở xem, đọc, nghe... cháu còn vô cùng nhập tâm. Cháu tự xưng là nhà thám hiểm và không ngừng khám phá (chính xác hơn là... phá).

Cháu sẵn sàng bẻ, tháo bất cứ vật dụng nào trong nhà để chế tác kính thiên văn, kính bơi dưới lòng đại dương, ủng đi rừng, thậm chí lắp ráp chiếc trực thăng để thẳng tiến… mặt trăng. Vì là "nhà thám hiểm", cháu chỉ làm những chuyện lớn chứ không thích làm những chuyện "tầm thường, vặt vãnh" của trẻ con (rèn chữ, bao tập, giúp mẹ lau nhà, chăm em…).

Con co 'mau' phieu luu
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có lúc tôi giật mình, lo lắng trước những biểu hiện “hoang tưởng” của cháu. Mới đây, tôi đến trường đón con giờ tan học mà không thấy cháu nên vô cùng hoang mang. Hóa ra cháu đi bộ về nhà một mình dù tôi đã cảnh báo về nạn bắt cóc. Cháu trả lời chơi chơi thật thật: “Con có để máy tàng hình trong cặp, đâu ai nhìn thấy con mà bắt cóc!”. Làm sao để cháu tiết chế máu phiêu lưu và quay về thực tế, tập trung học hành như các bạn cùng trang lứa? Phải chăng vợ chồng tôi đã sai khi quá chiều theo sở thích của cháu?

Lê Thị Ngọc Ánh (Q.2, TP.HCM)

Chị Ngọc Ánh mến,

Chúc mừng chị đã có một bé sớm bộc lộ đam mê nghiên cứu khoa học. Cháu tò mò nhiều hơn so với các bạn cùng trang lứa về các hiện tượng khoa học, say mê khám phá thiên nhiên, có óc sáng tạo chế tác kiểu bắt chước các sản phẩm từ những bộ phim khoa học... Cháu đang thỏa mãn trí tưởng tượng, sự tò mò trong các hoạt động hàng ngày, dù cho cháu phá đồ đạc trong nhà, nhưng có lẽ cha mẹ nên vui nhiều hơn là lo lắng, chị ạ. Nhà khoa học Albert Enstein từng nói: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn nhiều sự hiểu biết”. Những thiên hướng sớm bộc lộ ở trẻ rất cần cha mẹ quan sát để nhận ra và vun đắp.

Hầu hết các bé trai trong độ tuổi từ ba-sáu đều bị coi là nghịch, phá. Có bé tháo tung hết đài, máy móc thiết bị trong nhà để coi bên trong có cái gì mà nó kêu được, hoạt động được. Nhu cầu khám phá của bé trai thường cao hơn bé gái và thiên về tháo lắp, sửa chữa... Các bé trai thường bắt chước bố khi quan sát bố sửa các vật dụng trong nhà.

Vai trò giới được trao truyền qua những hoạt động tưởng rất nhỏ, người lớn thường không chú ý nhưng thật ra các hoạt động ấy ảnh hưởng lên con cái rất nhiều. Con trai ảnh hưởng từ bố, con gái chịu ảnh hưởng nhiều từ người mẹ, giúp trẻ hình thành nên tính cách, thói quen, kỹ năng...

Có lẽ điều chị lo lắng là cháu có những biểu hiện “hoang tưởng”, dễ có hành vi nguy hiểm cho bản thân. Ví dụ như cháu đi du lịch cùng bạn thì suýt bị lạc vì tách đoàn khám phá, tìm kiếm theo trí tưởng tượng ảnh hưởng từ phim ảnh; hay tự đi bộ về nhà khi chưa được cha mẹ cho phép, do nghĩ đã tàng hình. Những điều này quả thật rất cần điều chỉnh sớm.

Chị nên giúp cháu cân bằng giữa những sở thích liên quan đến khoa học và những việc cần biết, cần làm trong cuộc sống hàng ngày. Cháu đã qua giai đoạn dưới năm tuổi mà hoạt động chủ đạo là vui chơi để chuyển qua giai đoạn trên sáu tuổi với hoạt động chủ đạo là học tập. Cháu cần được cha mẹ sắp xếp lại thời khóa biểu hàng ngày, chú trọng việc học. Sau giờ học, cháu có thể chơi theo sở thích, nhưng chỉ được chơi sau khi đã hoàn thành bài vở.

Ngoài ra, anh chị có thể cho cháu đọc những sách khoa học thường thức về những gì liên quan đến cuộc sống thực, như những phát minh về điện, máy móc, thiết bị quanh ta. Bộ sách Why được đánh giá là bộ truyện tranh khoa học hay và dễ đọc cho trẻ. Những kiến thức khoa học thực tế này sẽ giúp ích cho cháu nuôi dưỡng đam mê khoa học, muốn noi gương các nhà khoa học để phát minh, khám phá ra điều hữu ích.

Với những điều cần biết để bảo vệ chính cháu và mọi người xung quanh, cha mẹ cần trò chuyện, nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho cháu nhớ, ví dụ, sự cẩn thận liên quan đến điện, lửa... Cũng cần dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình khi đi xa, phòng tránh bị lạc, tai nạn, bắt cóc... Với trẻ con, nhắc hàng trăm lần cũng không thừa. Mỗi ngày, hãy giảng giải chút một để từ từ bé nhớ và ghi sâu vào tiềm thức.

Khi ở trong hoàn cảnh nguy hiểm, bé sẽ biết cách phòng vệ. Trên thị thường có những bộ đĩa, truyện tranh dạy kỹ năng sống với hình ảnh, câu chuyện sinh động, chị có thể mua và cùng đọc, cùng xem với bé.

Chúc chị cùng gia đình an tâm và cùng vui thích chia sẻ trí tưởng tượng phong phú của cậu con trai thông minh, tinh nghịch.

 Chuyên viên tham vấn

PHẠM THỊ THÚY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI