PNO - Hè 2016, tại Nhà văn hóa Thiếu nhi Q.Ninh Kiều - TP. Cần Thơ xuất hiện một hoạt động mới lạ. Hơn 600 em thiếu nhi từ 8-14 tuổi đã tham gia chương trình học giá trị sống từ Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn giá trị sống.
Người khởi xướng chương trình và giảng dạy là TS Dương Thị Vân - Phó hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ.
TS Dương Thị Vân chia sẻ :
- Các em nhìn cuộc sống một cách sâu sắc và cảm nhận được hạnh phúc qua những giá trị tinh thần. Trong một khảo sát với 40 em, đến 75% cho rằng hạnh phúc là được sống trong tình yêu thương, cụ thể ở nhà được ba mẹ thương yêu, được ăn uống, đi chơi cùng ba mẹ, được thấy ba mẹ thương nhau, đến trường có bạn bè cùng chơi, được thầy cô quan tâm… Những em khác quan niệm hạnh phúc là khi giúp đỡ mọi người. Một số ít em cho rằng hạnh phúc khi được tự do, bình yên.
Tuy nhiên, đối với số đông, đó chỉ là mơ ước của các em. Thật khó mà hình dung sau gương mặt hồn nhiên trong trẻo là những buồn khổ mà các em phải chịu đựng: 65% em bị ba mẹ la mắng vì học kém, trong đó có khoảng 15% bị đánh. Các em cũng suy ra rằng, vì mình học kém, điểm thấp nên không được ba mẹ yêu thương, không làm cho ba mẹ tự hào. 25% em đau khổ vì gia đình không vui vẻ, ba mẹ hay cãi nhau, không quan tâm đến con. Những nỗi niềm trăn trở khác của trẻ thể hiện qua nét chữ trẻ con thật đáng thương: ăn hoài không lớn, không có quần áo mới, bị người lớn xua đuổi khi làm điều sai...
Trái ngược với tâm hồn mong manh cần điểm tựa và yêu thương của trẻ, cha mẹ chỉ tập trung chú ý đáp ứng nhu cầu vật chất cho con cái. Phần lớn cha mẹ bận rộn vất vả, kiếm tiền cho con ăn học, nên cũng dễ buồn phiền khi con học không giỏi, không nghe lời… Thái độ buồn rầu, la mắng, thất vọng, đánh đập con… của cha mẹ khiến trẻ cảm thấy bất an ngay trong ngôi nhà của mình. Cũng vì lối sống chú trọng đến vật chất của cha mẹ, làm cho không ít trẻ định nghĩa hạnh phúc là có tiền, có đồ chơi mới, có xe, đi chơi… Rồi chính cha mẹ lại than phiền “con còn nhỏ mà đã đòi hỏi”, nuông chiều con hay từ chối con đều dẫn đến xung đột giữa cha mẹ - con cái.
* Quan điểm hạnh phúc là có nhiều tiền ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời của trẻ?
- Quan điểm về hạnh phúc sẽ định hướng cuộc đời các em. Nếu hạnh phúc dựa trên vật chất và những thứ từ bên ngoài như danh hiệu, lời khen... thì các em sẽ khó cảm thấy hài lòng. Vì những thứ này rất dễ thay đổi, nếu không đạt được, các em sẽ rất đau khổ và lệ thuộc hay chạy theo nó.
* Có thể phân biệt được trẻ hạnh phúc dựa vào vật chất và trẻ hạnh phúc dựa vào tinh thần qua cách ứng xử của chúng không?
- Trẻ cho rằng hạnh phúc dựa vào vật chất thường tự hào về những đồ dùng, tiện nghi mà mình và gia đình có, coi thường những bạn có điều kiện vật chất kém hơn. Trẻ thể hiện sự cao ngạo qua cách nói chuyện, hay bắt nạt bạn bè. Trẻ cho rằng hạnh phúc dựa vào tinh thần thường vui vẻ, dễ dàng thích nghi với môi trường bạn bè mới, các em sống chan hòa với người khác, thể hiện qua việc trẻ quan tâm giúp đỡ cha mẹ, bạn bè, sống có trách nhiệm, yêu thương.
Thực tế, ở đầu buổi tập huấn, các em chơi trò “Chiếc ghế hạnh phúc”, một số em cương quyết không nhường ghế cho bạn. Nhưng sau buổi tập huấn, các em nhận ra hạnh phúc là khi trao đi.
Tiến sĩ Dương Thị Vân cùng các em trong lớp giá trị sống
* Làm thế nào để giúp các em biết hạnh phúc là trao đi?
- Tôi cho các em xem phim hoạt hình hay, có tính giáo dục, đặt câu hỏi xoay quanh bộ phim. Qua các trò chơi, các em nhận ra: chia sẻ, quan tâm với người khác sẽ cảm thấy vui, hạnh phúc. Chỉ vài vật liệu đơn giản, với óc sáng tạo tuyệt vời, các em đã trang trí những chiếc bàn xinh xắn. Hoạt động cùng đưa bóng về đích và cùng ăn bánh làm bầu không khí trở nên sôi động. Đặc biệt, các em rất thích diễn kịch, được vào vai nhân vật hạnh phúc vì đã giúp đỡ, yêu thương mọi người.
* Cha mẹ đều mong muốn con được đầy đủ, không thua kém bạn bè, điều đó có làm cho đứa trẻ hài lòng?
- Nhu cầu vật chất được cha mẹ đáp ứng có thể đem đến cho trẻ niềm vui tạm thời, khiến cuộc sống thoải mái hơn nhưng không thật sự mang đến hạnh phúc. Cha mẹ bận rộn kiếm tiền, giao con cho ông bà, người giúp việc… cũng khiến các em buồn khổ. Nhiều em có ước mơ, khát khao về bữa cơm gia đình.
* Chẳng lẽ cha mẹ các em lại không biết điều đó? Còn trẻ thì không nói được với cha mẹ?
- Có thể họ không biết vì chính họ cũng nghĩ sai lầm rằng có tiền là hạnh phúc. Có thể họ biết nhưng bận rộn quá nên lờ đi. Cha mẹ thương yêu con nhưng không muốn hoặc không biết cách lắng nghe trẻ, nên không hiểu con. Đôi khi, chính họ còn chưa hiểu về bản thân mình. Khoảng cách về tuổi, lối sống của mỗi thế hệ góp phần vào sự khác biệt giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ ít quan tâm đến con cái còn vì bận... cãi nhau. Cha mẹ không cảm nhận được những giọt nước mắt, nỗi âu sầu của con, nhưng họ lại thấy rất rõ và chỉ trích khuyết điểm của con.
* Hậu quả thế nào khi cha mẹ, con cái không hiểu nhau?
- Tại một lớp giá trị số ng cho người trẻ, có em chia sẻ với tôi là chỉ muốn chết. Em muốn làm công việc yêu thích nhưng mẹ kiên quyết không cho, bắt em làm công việc có tính ổn định. Em nói “Con và mẹ khắc khẩu với nhau nên nếu con không là con một thì con đã tự tử rồi. Con rất buồn nhưng giả vờ vui để mẹ hài lòng”.
Khi nói chuyện với tôi, em khóc rất nhiều. Em cảm thấy mình không được sống như ý mình mong muốn, mà phải sống theo ý của mẹ. Một tuổi thơ không có hạnh phúc nhưng em không biết làm thế nào. Qua đợt tập huấn cho trẻ, biết được tâm tư của trẻ, Nhà Thiếu nhi đang xúc tiến việc tìm chuyên viên tư vấn thường xuyên để giúp các em ứ ng xử trong những vấn đề rắc rối về tinh thần với gia đình.
* Liệu các bậc phụ huynh mới thật sự là đối tượng cần được tư vấn và học về giá trị sống?
- Rất khó thuyết phục các bậc phụ huynh đến lớp vì họ bận rộn và cơ bản là họ nghĩ rằng mình đã ổn nên việc học giá trị sống chưa cần thiết. Vì vậy các lớp phụ huynh thường vắng hơn lớp thiếu nhi, chỉ khoảng 200 người theo học trong dịp hè này.
Tuy nhiên, trẻ đi học giá trị sống cũng tác động đến cha mẹ. Mỗi buổi đến lớp, các em đều tạo ra sản phẩm, mang về nhà tặng cha mẹ như trang trí trái tim yêu thương, thiệp, viết những lời cảm ơn người thân, nêu những phẩm chất tích cực của người thân… Phụ huynh rất xúc động và cám ơn ban tổ chức lớp đã dạy các em cách thể hiện lòng biết ơn cha mẹ... Đặc biệt, một số phụ huynh bắt đầu quan tâm đến những điều khiến con họ buồn khổ hay hạnh phúc.
* Đang giảng dạy bộ môn giao tiếp cho người lớn, vì sao chị lại thích “chơi với trẻ con”?
- Chúng ta có rất nhiều bệnh viện để chữa trị những tổn thương về thể xác, nhưng rất ít nơi để chữa trị những tổn thương về tinh thần. Đây là một trong những lý do khiến chúng tôi tâm huyết việc mở lớp cho người lớn và trẻ em để giúp mọi người biết cách chữa lành vết thương tâm hồn.
Chương trình tập huấn giá trị sống đã hoạt động ở TP.HCM và Hà Nội gần 15 năm. Lần đầu xuất hiện tại Cần Thơ, thật bất ngờ, giá trị sống rất được… trẻ con hưởng ứng. Để “chơi” được với trẻ, cùng với giáo trình, tôi phải nghe nhiều nhạc thiếu nhi, xem phim hoạt hình, đọc truyện… để chọn ra những nội dung phù hợp nhằm giúp trẻ hiểu và trải nghiệm các giá trị yêu thương, hạnh phúc, bình an, hợp tác, tôn trọng, khoan dung, đoàn kết, trách nhiệm… vốn là những phẩm chất tốt đẹp của con người.