Hôm nay, lại có mẹ nhắn hỏi về việc chơi với con, như nào, bao nhiêu là đủ, hỏi về chơi tự lập, nhất là ở độ tuổi của bọn bé lít nhít như em Nit, có nên để con tự nằm chơi không (vì con có thể tự nằm ngắm đồ chơi rất lâu, có khi cả buổi), có ảnh hưởng đến con không.... vân vân và mây mây.
Mình không phải là chuyên gia gì cả, mình cũng không dám nhận là đã đọc đủ nhiều các tài liệu khách quan về chủ đề này để đưa ra hay khẳng định lời khuyên cụ thể nào cả. Cái mình có và chắc chắn với nó là trải nghiệm làm mẹ của 2 đứa trẻ và những kinh nghiệm mình có được từ hành trình nuôi dạy 2 đứa nên những điều mình viết ở đây chỉ đơn thuần là chia sẻ, để các mẹ có đọc được thì hoặc sẽ tìm thấy một sự đồng cảm, hoặc sẽ tìm thấy một ý tưởng phù hợp với mình hoặc là tiếp cận thêm một trải nghiệm khác biệt để đối chiếu và tự tìm thêm các nguồn tài liệu tin cậy để kiểm chứng.
Và mình thấy rằng, để con chơi tự lập không khó bằng việc chơi với con như một người bạn thật sự và trở thành người chỉ dẫn, gợi ý, dẫn đường đầy cảm hứng và năng lượng của con.
1. Những hành động nhỏ của bố mẹ là “trò chơi” tuyệt vời nhất
Khi em bé còn ở trong bụng mẹ, chúng mình đã được khuyên rằng cần nói chuyện với em bé, cần vuốt ve lên bụng bầu của mẹ, bởi vì em bé sẽ ghi nhớ giọng nói của bố mẹ, em bé sẽ thấy bình an khi cảm nhận được cử chỉ ấm áp mà bố mẹ dành cho em…
Vậy thì tại sao, lúc em chui ra khỏi bụng mẹ rồi, em phải học cách tự nằm chơi một mình chứ, bố mẹ ở ngay cạnh, chỉ cần bố mẹ nhìn vào mắt em trìu mến, chạm nhẹ, vuốt ve vào làn da của em thôi thì đó cũng là “trò chơi” tuyệt vời nhất thế giới với em rồi.
Rồi những lời âu yếm của mẹ, những câu hát (không phải lúc nào cũng như giọng diva) à ơi, líu ríu của mẹ, chắc chắc đối với em ý nghĩa hơn bất cứ bản nhạc hay giai điệu nào ý chứ. Nên bọn mình vẫn luôn tranh thủ ở bên cạnh để chơi với con càng nhiều càng tốt.
Cũng có lúc con được ở một mình nhưng cũng là để chơi những trò bố mẹ chuẩn bị cho em như là tự nhìn em trong gương, xem một cuốn sách cho em bé… thời gian đó đủ ngắn phù hợp với khả năng tập trung của em trong từng giai đoạn.
2. Hãy để trẻ có cơ hội tiếp nhận những tín hiệu phi ngôn ngữ từ bố mẹ
Các em bé phát triển khả năng giao tiếp và những kĩ năng xã hội đầu tiên thông qua việc nghe, nói chuyện, đọc sách, hát và chơi đùa với bố mẹ… Chơi những trò chơi đơn giản với con như những giai điệu vần nhịp đơn giản như “Ú òa” dành cho trẻ sơ sinh, hay những bài hát đơn giản thực sự có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy tương tác mặt-đối-mặt, dạy cho trẻ kỹ năng tương tác lần lượt và củng cố ý thức của trẻ về cấu trúc của hội thoại.
Hay những hoạt động như hôn gió, vẫy chào tạm biệt và vỗ tay đều có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng hội thoại và tương tác. Đặc biệt, tất cả những trò chơi này đều chỉ cần đến bàn tay -Tất cả những điều này đều có thể dành cho con từ khi con vừa mới chào đời, vì thế, để con nằm tự chơi hay chơi với con là sự lựa chọn của bố mẹ thôi à.
Ngoài ra, nói và hiểu ngôn từ chỉ là một phần của thế giới giao tiếp. Những tín hiệu phi ngôn ngữ như giao tiếp bằng mắt, nét mặt, điệu bộ, cử chỉ mang đến những thông tin quan trọng khác. Trẻ có thể nhận ra những cảm xúc và hiểu được thông điệp từ đó.
Vì thế, nếu con chơi một mình, hoặc không được bố mẹ tương tác khi chơi cùng, trẻ mất cơ hội tiếp nhận những tín hiệu phi ngôn ngữ từ bố mẹ, trong khi hệ thống tín hiệu này là một phần của quá trình học cách giao tiếp. Đồng thời bố mẹ cũng mất cơ hội tiếp nhận những thông tin mà trẻ đang cố gắng gửi cho bố mẹ thông qua các điệu bộ, cử chỉ, ánh mắt… Đây là những tín hiệu quan trọng nhất với trẻ trong giai đoạn trẻ chưa nói được nhiều từ.
3. Tranh thủ chơi với con bất kì lúc nào
Việc những em bé từ sơ sinh đã có thể tự nằm chơi một mình có ảnh hưởng đến em bé không? Với kiến thức của mình thì mình nghĩ là không đâu! Nhưng ở những độ tuổi lớn hơn một chút, việc các em bé ít được tương tác, trò chuyện với bố mẹ, phụ thuộc vào tivi, các thiết bị điện tử, người giúp việc… có thể khiến các em bị ảnh hưởng về hành vi, cảm xúc và tâm lý thì có, mình đã gặp nhiều.
Hơn nữa, việc chơi với con cũng như là một thói quen tốt ấy, nếu không bền bỉ và hào hứng từ những ngày đầu tiên thì bố mẹ khó có thể duy trì nó hàng ngày được. Mình cũng thế, mình luôn nghĩ rằng, quỹ thời gian được ở bên con có thể bị cắt xén bất cứ lúc nào, vì thế, mình cứ tranh thủ để chơi với con bất cứ lúc nào thôi, và cảm thấy vui lắm, lúc nào để bạn ý lăn lóc một mình là cũng thấy ngậm ngùi, hihi.
Và quả thực là, đối với hai bạn nhà mình, mình chưa từng nghĩ biết đến việc “chơi tự lập” đâu, không biết các con có phiền không nhưng mình và bố hai bạn luôn cố gắng tranh thủ thời gian để chơi đùa với các bạn, và mình thấy việc “bám dính” đó không ảnh hưởng lắm đến khả năng chơi độc lập của các bạn, bạn bé vẫn có thể tự ngồi chơi cả nửa tiếng với chị, mỗi chị em một việc trong lúc chờ mẹ nấu cơm…
Mình vẫn kiên định với quan niệm rằng, làm cha mẹ là một câu chuyện riêng tư lắm lắm, nuôi con thế nào, dạy con ra sao, thực ra chỉ mình bạn – là bố, là mẹ của con mới thấu hiểu, vì thế, không phải băn khoăn quá nhiều đâu, nếu đã lựa chọn một cách nào đó thể theo đuổi, thì hãy bĩnh tĩnh tự tin mà về đích thôi, bởi vì, trong cả một biển trời những lựa chọn, lựa chọn những ông bố bà mẹ đã chọn cho con mình luôn tin sẽ là sự lựa chọn tốt nhất và yêu thương nhất.
Vài nét về tác giả: Nhà báo Phạm Thị Hoài Anh, tác giả cuốn sách Trái tim của mẹ và Mỗi ngày 15 phút yêu con. Chị là mẹ của một bé gái và một bé trai. Quan điểm của chị là trẻ con lớn lên bằng tình yêu thương nên dành rất nhiều thời gian cho con, để cùng con lớn lên và trải nghiệm những điều tuyệt vời của cuộc sống. |
Phạm Thị Hoài Anh